Hoa sữa có còn… ngọt ngào?
(Thethaovanhoa.vn) - Dư luận đang dồn sự quan tâm tới việc Hà Nội tổ chức đánh chuyển gần 100 cây hoa sữa trên phố Trích Sài (phường Bưởi) tới bãi rác Nam Sơn. Hiện tại, hơn một nửa trong số những cây hoa sữa này đã được di dời.
Cũng cần nói thêm, như những thông tin được đưa ra, việc di chuyển hoa sữa bắt nguồn từ đề nghị của chính những người dân địa phương (chứ không phải là ý tưởng một chiều từ ngành quản lý). Theo đó, trong mùa hoa sữa, mùi hương quá nặng đã khiến cư dân ở đây cảm thấy khó chịu, và bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Đồng thời, hệ thống rễ cây ăn nổi đã gây bong bật, hư hỏng phần bồn cây và gạch lát vỉa hè.
Thực ra thì từ vài tháng trước, tại nhiều tuyến phố của thủ đô Hà Nội, hiện tượng hoa sữa nở sớm đã khiến báo chí tốn khá nhiều giấy mực. Trước nữa, trong nhiều năm, câu chuyện về mùi hương đặc trưng nhiều người yêu nhưng cũng không ít người “dị ứng” của hoa sữa cũng là chủ đề thường xuyên được luận bàn.
Để rồi, mỗi lần ấy, người ta lại nhắc tới ca khúc Hoa sữa của nhạc sĩ Hồng Đăng với những câu hát nổi tiếng: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm, có lẽ nào anh lại quên em…” Họ đùa vui rằng, “tội” của nhạc sĩ rất to: nghe bài hát, ai mà chẳng muốn nhìn thấy một cây hoa sữa góc phố nhà mình. Để rồi, loại cây ấy cứ liên tục phát triển, tỏa hương nồng trên mọi nẻo đường và trở thành nỗi khổ của những người dân sống ngay sát đó.
Đùa vui thôi, bởi ai cũng hiểu, nghệ thuật có sứ mệnh riêng của nghệ thuật, còn trên thực tế, việc hoa sữa trồng dày đặc thì chỉ có thể là lỗi của con người.
Tôi vẫn nhớ hương hoa sữa trong ký ức của mình. 30 năm trước, trong thời tiết se lạnh, mùi thơm của hoa sữa tạo ra sự lãng mạn cho những đôi trai gái đi bộ dọc trên phố Nguyễn Du, vòng ra Quang Trung. Mùi hương ấy được rất nhiều bạn trẻ yêu thích.
Nhưng quả thật, khi đến nhà một vài người bạn ở những nơi có hoa sữa được trồng dày đặc, mùi hương quá đậm này luôn gây ra cảm giác ngột ngạt, khó thở, đặc biệt với những người có bệnh về hô hấp. Nếu có sự tính toán, được trồng với mật độ rất vừa phải ở những nơi có không gian rộng dành cho sinh hoạt cộng đồng – như hồ Thuyền Quang - hẳn người ta không kêu ca nhiều đến thế về loại hoa này.
***
Như ý kiến một số nhà chuyên môn từng đưa ra, hoa sữa là loài cây hấp thụ chất ô nhiễm cực tốt, lại có ưu thế khử bớt mùi hôi nhờ 34 hợp chất tạo thơm, nếu trồng ở những nơi mật độ dân cư thưa thớt thì sẽ không gây hiệu ứng ô nhiễm không khí vì mùi của phấn hoa. Di dời hoa sữa về bãi rác Nam Sơn, nếu những cây hoa sữa được đánh chuyển tạo ra hiệu ứng tích cực, giúp nơi đây bớt mùi mùi hôi thối do rác thải gây ra thì cũng là một điều có thể chấp nhận.
Tất nhiên, đó là sự chấp nhận với thực tế hiện có. Còn về lâu dài, câu chuyện trồng hoa sữa ở bãi rác phải được bàn bạc, tính toán kỹ lưỡng cũng như có sự nghiên cứu và kiểm nghiệm cụ thể. Chúng ta đừng một lần nữa lại vội tính đến chuyện ồ ạt trồng hoa sữa theo cách ấy.
Nhìn chung, từ câu chuyện này, cũng đến lúc phải nhìn lại cách chúng ta ứng xử với hoa sữa nói riêng và các loài cây hoa nói chung. Có lẽ thành phố cần tìm hiểu, biết được rõ tính chất của từng loài cây cũng như mức độ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân để tìm ra loại cây, áp dụng cách thức trồng phù hợp nhất đối với từng khu vực. Bởi, về bản chất, bất cứ loài cây nào cũng đều có những thế mạnh riêng, khi lựa chọn chúng ta phải thận trọng cân nhắc chứ không thể trồng “ngẫu hứng”.
Hoa sữa có ngọt ngào hay không, phụ thuộc rất lớn vào chính chúng ta.
Quốc Thắng