Họa sĩ Đào Hải Phong: 'Xe máy chẳng thể theo chúng ta mãi'
(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Như đã đưa tin trong các số báo trước đây, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các bộ và UBND 5 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) tập trung triển khai đề án thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng. Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu tới quý độc giả ý kiến của họa sĩ Đào Hải Phong liên quan tới vấn đề này.
Giới mỹ thuật vẫn biết đến anh như một “họa sĩ đại gia” với những bức tranh giá "khủng" cùng căn nhà rộng hàng trăm mét ở mặt đường Bà Triệu. Song Đào Hải Phong không sở hữu bất cứ một chiếc xe máy hay ô tô nào. Phương tiện đi lại hàng ngày của anh là taxi và… xe đạp.
Đào Hải Phong là người khái tính. Anh ít cởi mở với báo giới về những vấn đề ngoài tranh. Nhưng khi nghe ý tưởng “Thí điểm xe đạp công cộng ở 5 thành phố lớn”, họa sĩ nổi tiếng hứng thú lạ.
Nhẩn nha trong quán cà phê quen tại phố Triệu Việt Vương (Hà Nội), họa sĩ Đào Hải Phong nói: "Nghĩ tới xe đạp là lúc ta thoát được tư tưởng lệ thuộc phương tiện là trang sức. Và đây cũng là tín hiệu cho thấy sự đi lên của đời sống xã hội. Bởi khi cuộc sống đủ đầy, người ta dần rời xa những vầng hào quang ảo óng ánh từ những chiếc xe đắt tiền (nhưng không phù hợp mục đích sử dụng). Thay vào đó, người ta trở về với sự tiện ích và giá trị sống đích thực".
* Bàn chuyện giá trị sống quanh vấn đề áp dụng thí điểm xe đạp công cộng có phải là “nâng cao quan điểm” quá không, thưa anh?
- Không. Khi tôi đem tranh đi triển lãm ở các quốc gia, tôi đã thấy sự phồn thịnh của họ, từ kinh tế tới văn hóa qua những chiếc xe đạp trên phố.
Họ không cắm đầu đạp xe thật nhanh, nhưng tôi cũng không thấy sự trễ nải khi họ di chuyển. Ngược lại, họ đón nhận cuộc sống với phong thái rất bình tâm và cần mẫn. Nó phần nào giúp cân bằng lại với sự gấp gáp, vội vã của cuộc sống hiện đại.
Hơn thế, đặc điểm của xe đạp là ta bỏ năng lượng ra bao nhiêu, ta thu lại được ngần ấy tốc độ. Cảm giác luôn luôn lao động, luôn luôn dịch chuyển bằng đôi chân của mình là rất tuyệt. Tôi cảm nhận được sức sống của mình trong từng vòng xe.
Vì vậy, nếu được thí điểm ở các thành phố Việt Nam, xe đạp công cộng không chỉ giải quyết vấn đề giao thông và môi trường mà còn giải quyết cả những vấn đề khác của xã hội. Đặc biệt là cân bằng phần nào sự xô bồ, nhốn nháo trong tâm tính con người.
* Vậy việc để xe máy tràn vào Việt Nam gây nên thảm cảnh giao thông ngày nay là sai lầm của quá khứ?
- Không hẳn. Đó là đoạn đường mà xã hội nào cũng đi qua, là cái giá của của sự phát triển.
Thực tế, ngay bản thân chuyện xe cộ của tôi cũng phần nào phản ánh sự thăng trầm của văn hóa phương tiện. Tôi có chiếc xe đạp đầu tiên năm 8 tuổi. Đó là một chiếc xe do bác tôi đi Liên Xô mang về tặng. Lên đại học, bố tôi cho tôi một chiếc mini. Lúc sắp ra trường mẹ tôi lại mua cho tôi một chiếc xe cuốc.
Sau đó, “làn sóng” xe máy ập vào Việt Nam. Vừa qua một thời gian dài trước Đổi mới, chúng ta rất lạc hậu. Phàm đã lạc hậu thì luôn khao khát công nghệ. Cũng không ngạc nhiên khi lúc đó, những chiếc xe Cup “kim vàng giọt lệ” trở thành ước mơ của bất cứ thanh niên Việt Nam nào.
* Anh cũng không ngoại lệ?
- Hẳn nhiên vậy. Sau một thời gian, tôi có một chiếc xe DD đỏ. Thời điểm đó, tôi tự hào về chiếc xe của mình lắm. Song khi sử dụng một thời gian, tôi nhận ra xe máy chỉ là phương tiện tức thời. Xe máy không hợp với mình và không theo mình mãi và tôi chóng quay lại với xe đạp.
* Đặc thù công việc của anh tương đối tự do, anh không chịu nhiều áp lực thời gian. Còn với những người bận rộn, hay làm theo những khung giờ của tổ chức, xe đạp công cộng nghe chừng không thích hợp lắm…
- Thứ nhất, nếu ai có công việc quá bận rộn tới mức không thể đi xe đạp, tôi thấy họ là những người thiệt thòi.
Thứ hai, song song với triển khai xe đạp công cộng, chúng ta nâng cấp hệ thống xe buýt. Nếu cùng lúc hai phương tiện công cộng này được triển khai tốt, tôi nghĩ bận rộn đến mấy cũng có thể đáp ứng được.
* Nghe cũng khá hay và dễ dàng. Nhưng chuyện xe đạp công cộng còn rất phức tạp bởi ý thức công cộng của người dân còn chưa được tốt. Đấy là chưa kể những rủi ro như xe đạp công bị đánh cắp chẳng hạn.
- Con tôi du học Mỹ cũng vừa mất một chiếc xe đạp bên đó. Xe khóa bánh mà bị tháo khung mang đi. Bạn đừng bảo ý thức công cộng người dân Mỹ kém đấy nhé!
Đâu cũng có người này người kia. Quan trọng là ngay từ khi đưa xe đạp vào các thành phố, ta phải đưa ra những quy định, điều luật chặt chẽ. Khi chế tài chặt, guồng quay sẽ vào nếp. Lúc đó, giao thông sẽ bớt đi những chiếc xe máy ồn ào, nguy hiểm và bụi bặm.
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Họa sĩ Đào Hải Phong sinh năm 1965 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh năm 1987. Năm 1992, anh bắt đầu làm thiết kế cho xưởng phim truyện Việt Nam và sớm làm trưởng nhóm. Bên cạnh thiết kế xưởng phim, Đào Hải Phong còn là họa sĩ nổi tiếng với nhiều tranh được mua với giá cao ở các triển lãm nước ngoài. Nhiều người cũng biết đến anh bởi căn nhà rộng 161m2 của anh ở mặt tiền phố Bà Triệu chỉ để ở, không cho thuê. Đặc biệt, cùng với họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Đào Hải Phong là số ít người trong giới hội họa Việt coi xe đạp như một phương tiện đi lại chính. |
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa