Hoa hậu và hiệu trưởng - 'đã yếu thì đừng ra gió'
(Thethaovanhoa.vn) - Trong cuộc sống, nếu ta không biết về một kiến thức nào đó, chưa chắc đã phải là một điều đáng xấu hổ. Bể học mênh mông, như lời hát trong phim Bao Công, “chỉ có thể nói là biết nhiều hay biết ít, khó có nói là biết cho đủ”.
1. Cho nên việc một thanh niên hay một hoa hậu kém cỏi về ngoại ngữ cũng không phải là điều đáng chê trách. Để ý ta sẽ thấy, mỗi khi chứng kiến một ngôi sao hay thậm chí là một quan chức nào đó, trả lời phỏng vấn trơn tru bằng tiếng Anh, công chúng vẫn có một sự ngưỡng mộ đặc biệt.
Mà gần đây nhất, Top 5 Hoa khôi Áo dài Phương Linh cũng gây ấn tượng khi trả lời trực tiếp câu hỏi của giám khảo Henri bằng tiếng Anh trong đêm chung kết (cuối cùng giành ngôi Á khôi).
Ở Việt Nam như thế là “hiếm”. Trong khi đó, như một bài báo từng viết, rất hay gặp cảnh một người dân Ấn Độ bình thường trả lời phỏng vấn Reuters (tất nhiên là bằng tiếng Anh) như bắn súng liên thanh.
Trong bối cảnh đó thì việc Hoa hậu Đông Nam Á Vũ Trần Triều Thu có hạn chế về mặt tiếng Anh không phải là điều gì đáng xấu hổ. Nhưng sự việc đó đã trở nên rất đáng tiếc, khi cô bộc lộ nhược điểm đó trong một chương trình truyền hình lớn ở nước bạn - cuộc thi Nam Vương Philippines - gây ra một tình huống quá “mất mặt”, khiến khán giả cười rộ.
Hoa hậu Đông Nam Á 2014 - Vũ Trần Triều Thu
Ở đây, tôi không nói rằng cô phải “giấu dốt”. Ngược lại, cô có thể công khai nói rằng, do trình độ tiếng Anh của tôi hạn chế, hoặc do “đài từ” của tôi yếu, hoặc do tôi không tự tin khi phải diễn đạt bản thân bằng tiếng Anh trên sân khấu lớn; vì thế xin phép được đặt câu hỏi bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi v.v…
Rõ ràng, vấn đề không chỉ là kiến thức mà là bản lĩnh ứng xử của cô hoa hậu này. Ra nước ngoài, nhận lời của người ngồi ghế giám khảo - tức là ở vị trí cầm cân nảy mực cho chương trình - thì cô phải có sự chuẩn bị kỹ càng. Nếu chọn cách diễn đạt bằng tiếng Anh thì phải chuẩn bị trước đến mức trơn tru. Còn nếu không thì cứ “thực thà” với tiếng mẹ đẻ, không ai cười chúng ta nói bằng tiếng mẹ đẻ của mình.
Nghe Hoa hậu Triều Thu chém bão tiếng Anh tại đây:
2. Người khiêm tốn và có trách nhiệm thì luôn lường trước những hạn chế của mình và có sự chuẩn bị chu đáo trước khi bắt tay vào những công việc dự liệu là “quá sức” của bản thân.
Hoa hậu Triều Thu, biết mình như thế thì đừng nhận lời sang "chém bão” ở Philippines làm gì. Tương tự cô Nguyễn Thị Kim Liên, hiệu trưởng của trường Tiểu học Phù Ninh - Phú Thọ, nếu tự biết mình không thạo các kiến thức xã hội, thì đã không lên Ai là triệu phú.
Và nếu có lên thì cũng đừng ngay từ đầu đã “chém gió phần phật” là mình thường xuyên đạt các giải nhất và “ít nhì” trong các cuộc thi từ tiểu học, đến cao học, thi về quản lý thì không có lý do gì để trả lời sai một câu khá cơ bản.
Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Liên thi Ai là triệu phú
Kết quả là cô nhận được 8 câu hỏi mà 4 câu phải nhờ trợ giúp. Trong trường hợp tẽn tò của cô hiệu trưởng, quả thực, không đáng trách lắm, nếu cô không biết ai là nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp trong 4 người Roger Federer, Coco Chanel, Bill Gates và Alex Ferguson; không biết ai là tác giả ca khúc Còn tuổi nào cho em… Nhưng rất đáng trách khi cô không biết Nghĩa trang Hàng Dương nằm ở đâu - một kiến thức tiểu học mà hầu như bất kỳ ai, chưa nói đến cô giáo hiệu trưởng cấp học này, cũng đều phải biết. Bởi đó là một kiến thức về lịch sử dân tộc, mà với trách nhiệm “uống nước nhớ nguồn”, không ai được phép lãng quên.
Tôi không quá khắt khe. Con người ta, ở trong trạng thái tâm lý không tốt, “tẩu hỏa nhập ma”, có thể trót quên một vài kiến thức hoặc thực hành không tốt một kỹ năng nào đó. Không vì thế mà kết tội hay lăng mạ người đó.
Chỉ tiếc là, cô hoa hậu cũng như cô hiệu trưởng đã không ý thức được những hạn chế của mình, không chịu trau dồi, mài giũa. “Đã yếu lại ra gió”, lại “chém bão phần phật” thì bị chê cười quả thực không oan.
Hy vọng rằng sau những cú sốc như thế này, các cô sẽ tỉnh táo nhìn lại bản thân.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa