HLV Riedl và hành trình gian nan tìm người cứu mạng
(Thethaovanhoa.vn) – Là người gần gũi và thân thiết nhất với HLV Alfred Riedl trong hành trình tìm người cho thận của ông thầy người Áo ở Việt Nam, cựu bác sỹ ĐTQG Nguyễn Trọng Hiền đã chia sẻ với Thethaovanhoa.vn toàn bộ câu chuyện mà ông cũng là người trong cuộc.
- HLV Alfred Riedl: ‘Tôi rất ấn tượng với đội tuyển Việt Nam’
- Alfred Riedl triệu tập ‘Messi Indonesia’, quyết hạ tuyển Việt Nam
- Đối thủ của tuyển Việt Nam thua đậm đoàn quân HLV Alfred Riedl
- Indonesia mời HLV Riedl trở lại
- Thông tin HLV Riedl qua đời không chính xác
Ban đầu quan hệ giữa chúng tôi chỉ là ở khía cạnh công việc thuần túy, nhưng khoảng năm 2005, khi HLV Riedl có dấu hiệu suy thận độ 3 (giai đoạn cần được điều trị thay thế bằng ghép thận hoặc lọc máu - PV) thì chúng tôi có sự bàn bạc, trao đổi nhiều hơn, và từ đó mối quan hệ mới trở nên riêng hơn một chút. Thế nhưng, thực ra đấy cũng không hẳn là quan hệ riêng, bởi việc chăm sóc sức khoẻ cho Riedl là trách nhiệm của tôi”.
Theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa, HLV Riedl đã bị suy thận mạn tính từ hơn 10 năm trước khi ông tới Việt Nam lần đầu tiên. Nguyên nhân dẫn tới căn bệnh suy thận của HLV Riedl là do ông thầy người Áo bị tăng huyết áp từ thời trẻ, nhưng không có điều kiện chữa trị triệt để do không ở một nơi nào cố định, và cuối cùng biến chứng thành suy thận.
Trong giai đoạn từ năm 1998 tới 2006, căn bệnh suy thận của HLV Riedl chỉ được theo dõi điều trị theo dạng triệu chứng tạm thời, chứ không xử lý dứt điểm, và đến cuối năm 2006, bệnh tình của HLV Riedl đã nghiêm trọng đến mức chỉ còn cách duy nhất là ghép thận.
Thế nhưng, lúc này lại nảy sinh vấn đề là ghép thận ở đâu, ai sẽ cho thận và tổ chức ghép thận như thế nào. Thông qua mối quan hệ của bác sỹ Hiền, HLV Riedl được đưa đến kiểm tra ở Viện quân y 103 và nhận được sự giúp đỡ của GS Viện trưởng Phạm Văn Khánh cùng một số GS khác.
Tại đây, HLV Riedl được cung cấp bản danh sách những người có khả năng hiến thận, nhưng sau khi kiểm tra thì tất cả đều không tương thích và phù hợp với HLV Riedl. Cuối cùng, HLV Riedl buộc phải nhờ tới báo chí để thông báo tìm người hiến thận.
Tổng cộng đã có khoảng 60, 70 người tìm đến với HLV Riedl, trong đó có cả những người ở rất xa, và dù ở đâu thì HLV Riedl cũng phải chịu mọi chi phí ăn ở rồi kiểm tra nên tốn khá nhiều tiền, song HLV Riedl vẫn không tìm được quả thận phù hợp. Bác sỹ Hiền giải thích: “Sở dĩ như thế vì tiêu chuẩn ghép thận của Việt Nam hơi chặt, nhưng chặt là do chưa bằng công nghệ của châu Âu”.
Cuối cùng, bác sỹ Hiền và HLV Riedl đã phải ngồi lại bàn bạc với nhau và thống nhất cần phải thay đổi, “bởi nếu tìm thế này thì như tìm kim đáy bể, không thể thành công”. Bác sỹ Hiền cũng khuyên HLV Riedl nên quay về tham khảo ý kiến của các chuyên gia hàng đầu về ghép thận tại quê nhà Vienna xem người ta tư vấn thế nào.
Thế là sau đó HLV Riedl đã đưa ra một tiêu chuẩn mới, theo đó chỉ cần 3 hoặc 4 điều kiện tương thích là có thể tiến hành ghép thận. Nhờ vậy, HLV Riedl đã tìm được 4 người tương thích để ghép thận, nhưng về sau có 3 người đổi ý, chỉ còn lại người cuối cùng đồng ý cho thận.
Sau khi nhận được quả thận từ anh K., HLV Riedl vẫn thường xuyên gọi điện về Việt Nam để thăm hỏi tình hình sức khỏe của anh K., có thể thông qua bác sỹ Hiền hoặc có thể HLV người Áo trực tiếp gọi điện cho anh K. vào những dịp như lễ Tết. Trong bất cứ cuộc điện đàm nào với bác sỹ Hiền, HLV Riedl cũng luôn rất quan tâm tới sức khỏe của anh K., ông Riedl còn đề nghị hàng năm anh K. phải đi khám sức khoẻ định kỳ 2 lần.
Không những thế, HLV Riedl còn hỏi thăm cả chuyện gia đình của anh K. Giữa HLV Riedl, bác sỹ Hiền và anh K. đã có thỏa thuận rằng chỉ khi nào người hiến thận chấp nhận thì mới cho công bố tên tuổi công khai.
Huy Anh