'Hít thở' mùa Thu Hà Nội
(Thethaovanhoa.vn) - Đang là mùa Thu Hà Nội, mùa đẹp nhất trong năm thì xôn xao chuyện ô nhiễm không khí.
Liên quan đến dư luận cho rằng, chất lượng môi trường không khí tại một số khu vực trên địa bàn Hà Nội sáng 5/10 bị ô nhiễm nghiêm trọng và Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ nhì thế giới, chiều 5/10, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, thông tin trên chưa chính xác, thiếu cơ sở khoa học và thực tế. Bởi đó chỉ là số đo trong một thời điểm, tại một địa điểm...Người Hà Nội đã có thể thở phào...
Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan về nguy cơ ô nhiễm không khí.
Môi trường ngày càng bị ô nhiễm. Ảnh: VTC
... Trở lại thông tin "Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ nhì thế giới". Số là, căn cứ vào chỉ số chất lượng không khí đo được sáng 5/10 tại khu vực Đại sứ quán Mỹ (phố Láng Hạ, quận Đống Đa) là 245, phía chân cầu Nhật Tân là 187, có thông tin trên các mạng xã hội và báo chí nhận định "không khí Thủ đô được xếp vào nhóm “rất không tốt cho sức khỏe”, từng được ví với “khí quyển ngày tận thế”, "tất cả mọi người đều cần hạn chế hoạt động ở bên ngoài lâu, người có vấn đề về hô hấp cần tránh ở bên ngoài".
Tuy nhiên, các chuyên gia, các nhà khoa học khẳng định, kết quả đo và phân tích chất lượng không khí tại Thủ đô sáng 5/10 tại địa điểm trên chỉ là số đo trong một thời điểm, tại một địa điểm, chưa thể khẳng định toàn thành phố Hà Nội ô nhiễm, vì chỉ số có thể tăng giảm theo giờ. Minh chứng là tính đến chiều 16h40 ngày 5/10, kết quả đo không khí ở khu vực Đại sứ quán Mỹ xuống ở mức 121.
Các chuyên gia cho biết, để đánh giá chất lượng không khí của Hà Nội cần phải dựa trên kết quả đo kiểm tại nhiều điểm khác nhau và các thời điểm khác nhau trong ngày, phải lấy chỉ số trung bình đo của 24 giờ liên tục ngày đó làm đại diện.
***
Vậy không khí ở Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung đang ô nhiễm ở mức nào?
Tại Hà Nội, kết quả quan trắc ô nhiễm không khí, độ ồn do giao thông tại 30 điểm nút giao thông và ô nhiễm bụi tại 94 điểm trong quý 1/2016 cho thấy, các chỉ số đo được đều vượt từ 1,1 đến 6,1 lần so với QCVN/BTNMT.
Trong một bài viết đăng tải cuối tháng 9/ 2016, Tổng Cục Môi trường nhấn mạnh trên cổng thông tin điện tử: theo chỉ số xếp hạng môi trường được công bố năm 2014, chất lượng không khí ở Việt Nam xếp thứ 170/178 quốc gia được xếp hạng, thuộc tốp 10 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất trên thế giới.
Chất lượng không khí tại Việt Nam theo Bảng xếp hạng này thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực như: Singapore, Brunei, Malaysia, Philippines, Indonesia.
***
Những con số dành về mức độ ô nhiễm không khí có thể chỉ là để tham khảo. Nhưng, chúng ta hoàn toàn có thể "hữu hình hóa" câu chuyện ô nhiễm từ những khó chịu bực dọc trong đô thị chật hẹp, từ những khung cảnh khói bụi mịt mù giờ tan tầm.
Trong sự ô nhiễm không khí, chúng ta vừa là nạn nhân, vừa chính là thủ phạm. Bởi, dù có vì lý do gì, thì khởi nguyên của tất cả những sự việc dẫn tới ô nhiễm cũng vẫn là hành động của con người.
Và, không ai khác, chìa khóa để giải quyết mọi chuyện vẫn phải là con người. Từ những quyết sách thượng tầng cho tới những hành vi cá nhân đều cần được đưa ra để chống ô nhiễm không khí.
Thực tế, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia. Theo đó, cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) đã "đặt mục tiệu phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo 80% các cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học xử lý bụi và các khí thải SO2, NOx, CO đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường; kiểm kê khí thải cho 90% cơ sở sản xuất nhiệt điện, 80% cơ sở sản xuất xi măng, 70% cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học…" - Theo thông tin từ Tổng cục Môi trường.
Còn với Hà Nội, UBND TP. Hà Nội vừa được vinh danh ở hạng mục "Ý tưởng" tại giảiBùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội 2016 cho ý tưởng trồng 1 triệu cây xanh, xây 25 công viên trong đó 5 công viên tiêu chuẩn quốc tế. Đến nay, ý tưởng đang được thành phố thực hiện rất quyết liệt để "lọc không khí" Thủ đô.
***
Hà Nội đang trong những ngày mùa thu đẹp nhất trong năm. Không khí giao thời quyện hòa cùng hồn phố luôn tạo nên những mê đắm đặc biệt. Song, Thu này không giống Thu xưa. Những con đường lá giăng lấp lánh trong ánh vàng nhường chỗ cho khói bụi và than thở. Những nụ cười hồn hậu khuất lấp bởi những chiếc khẩu trang to cộ cùng gương mặt khó đăm đăm. Những ao hồ sông ngòi cũng không còn được sự thanh sạch, êm ả...
Đã có những giải pháp quyết liệt từ các cơ quan chức năng để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Nhưng hết thảy, tự bản thân mình, ai trong chúng ta cũng nên chú ý tới từng hành vi nhỏ nhất có thể ảnh hưởng tới bầu không khí chung.
Có như vậy, chuyện Hà Nội mùa Thu, bụi giăng mịt mù mới mong "cái kết có hậu".
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa