'Hành vi… nịnh'
(Thethaovanhoa.vn) - Đề án Văn hóa công vụ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong các quy định của đề án ấy, có nội dung: đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ “không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng”.
Giữa hàng loạt quy định của đề án, thông tin “không nịnh bợ” được quan tâm đón nhận hơn cả.
Có những ý kiến tán đồng. Có những băn khoăn rằng chuyện đúng - sai khi nịnh bợ là điều mà ai cũng hiểu nhưng có nhất thiết phải đưa vào quy định? Và có cả những băn khoăn, rằng quy định ấy thì đúng, nhưng liệu có dễ thực thi trong cuộc sống - khi mà có ai đủ sức kiểm soát chuyện này?
Sự thực, nịnh bợ ở công sở, xét cho cùng, cũng chỉ là sự phản chiếu từ hiện thực ngoài xã hội, nơi thói nịnh bợ có thể diễn ra với hàng loạt mối quan hệ khác, ở khắp mọi nơi. Đó luôn là một ma trận “thiên biến vạn hóa”, với hàng loạt biểu hiện rất đa dạng, phức tạp và tinh vi.
Không chỉ ở Việt Nam, mà cả nhân loại nhìn chung đều thích… được khen. Giống như nhiều người vẫn nói rằng giữa khen và nịnh có khi chỉ cách nhau chưa đầy nửa bước, việc xác định khoảng cách ấy phải dựa vào các biểu thức ngôn từ và hành động, được hiện thực hóa qua ngữ cảnh.
Bởi thế, trong cuộc sống, có những lúc khen quá lời có thể chấp nhận với mục đích động viên hay an ủi người khác, nhưng lại vẫn có thể trở thành chuyện nịnh bợ, nếu người nói muốn trục lợi cho mình.
Chẳng phải ngẫu nhiên, mà chúng ta đã có cả kho truyện cười, từ tiếu lâm dân gian tới hiện đại về cách nịnh bợ - mà chắc chắn bất cứ ai cũng được nghe ít nhất một lần.
Và xa hơn, thực tế ấy không chỉ có ở Việt Nam. Đơn cử, chỉ riêng trong môi trường công sở, những ai thích đọc Chekhov đều có thể tìm thấy điều này, qua hàng loạt truyện ngắn về thân phận thảm hại của những anh công chức tại Nga giữa thế kỷ 19.
Như thế, chuyện nịnh bợ là vấn đề đã tồn tại, và chắc chắn sẽ còn tồn tại, như một phần tất yếu của xã hội. Để ý tưởng “không nịnh bợ” trở thành điều thường xuyên được ý thức (chứ chưa dám nói là triệt tiêu), dù chỉ ở tại các công sở, đó không thể là câu chuyện của một sớm một chiều.
Nhưng, khi đã được nêu rõ bằng văn bản như một thói tật nơi công sở (và sau đó được truyền miệng bởi cộng đồng), chúng ta vẫn có thể hy vọng hơn vào lòng tự trọng và sự tự ý thức của những người trong cuộc. Đó là điểm tích cực từ đề án.
***
Tới đây, người viết lại nhớ một câu chuyện cũ - khi vài năm trước, dư luận từng sôi sục “ném đá” một luận án Tiến sĩ có tên: “Hành vi nịnh trong Tiếng Việt” của một nghiên cứu sinh ngành ngôn ngữ.
Đã có rất nhiều lời bình phẩm ác ý được đưa ra quanh đề án ấy. Chẳng hạn, “Ngôn ngữ học hết đề tài thật rồi nên mới đi nghiên cứu chuyện này”; “Thêm một tiến sĩ giấy”; “Lại có một nhà Nịnh học ra đời”… Cho dù, trên thực tế, gần như tất cả những người bình phẩm chỉ mới đọc qua tiêu đề, mà chưa hề tiếp xúc với nội dung luận án.
Và cảnh “ném đá” kéo dài tới mức, các GS ngôn ngữ tham gia hướng dẫn luận văn ấy phải lên tiếng giải thích. Như lời họ, luận văn muốn khảo sát, thống kê và miêu tả một cách hệ thống mọi mặt biểu hiện, mọi bản chất ngữ nghĩa của “hành vi nịnh”. Nói cách khác, đó là sự miêu tả khách quan chuyện nịnh như nó vốn có, trong đời sống và trong tiếng Việt hiện nay. Còn lại, việc nghiên cứu một hiện tượng, để tránh khỏi nó là điều rất bình thường trong khoa học.
Bây giờ, với sự ra đời của Đề án công vụ, không hiểu có ai tiếc rằng khi đó, chúng ta không tranh luận và mổ xẻ nghiêm túc về luận án “hành vi nịnh”.
Tiếc chỉ để mà tiếc. Bởi ngoài chuyện nịnh bợ, thói quen “ném đá” khi chưa tìm hiểu vấn đề cũng là một tật xấu phổ biến hiện nay.
Sơn Tùng