Hành lý của mùa Xuân
(Thethaovanhoa.vn) - Trong hành lý của những người phương Nam về quê ăn Tết hoặc của người xứ Bắc vào Nam dịp này, tôi thấy phần đông mọi người mang theo cành đào Hà Nội. Đó là món quà xứ Bắc. Đó là một thứ hành lý đặc biệt - hành lý của văn hóa, của mùa Xuân.
Ngành hàng không đã có chủ trương cho hành khách được mang cành đào lên máy bay vào Nam, nhưng mỗi người cũng chỉ được mang mỗi một bó, tối đa hai cành đào, nhưng phải bó lại, quấn bọc bảo vệ bên ngoài. Thật cảm động bởi cái ngoại lệ ấy, bởi cành đào dẫu không mấy trọng lượng, nhưng bao giờ cũng cồng kềnh nếu không bó gọn và bọc kỹ.Tôi cho việc ngành hàng không Việt Nam cho khách đưa cành đào lên máy bay là một ngoại lệ đẹp - ngoại lệ cho hoa đào. Trong khi ngành đường sắt thì không cho hành khách mang theo hoa đào lên toa khách, chỉ nhận chở theo hình thức hàng hóa.
Hoa đào cành chỉ có “tuổi xuân” chừng non nửa tháng, cho nên để đào về phương Nam nở đúng Tết, phải chọn những cành đào chỉ mới có nụ. Nụ càng bé thì càng lâu nở hoa…Ôi cái thứ hoa khi chưa cắm vào lọ, vào bình thì thoạt nhìn cứ ngỡ là những bó củi khô, nhưng đáng quý lắm đấy, khi về cắm vào bình có nước, là hoa lại phát triển, búp sẽ thành lá và nụ sẽ nở hoa.
Phương Nam nằng ấm vì vậy phải hãm hoa khéo thì đúng Tết hoa nở rộ, tô thắm cho mùa Xuân phương Nam, để Bắc Nam về gần nhau hơn trong ngày Tết cổ truyền dân tộc. Hàng không giá rẻ JPA còn quy định, mỗi hành khách được chấp nhận vận chuyển dưới dạng hành lý ký gửi 1 bó/chuyến bay. Nếu mai, đào vận chuyển ở dạng cành thì không quá 2 cành/bó. Mỗi chuyến bay, JPA chỉ nhận vận chuyển tối đa 30 bó/chuyến.
Đối với mai, đào, quất dạng cây hoặc có chậu, có đất chỉ được vận chuyển riêng bằng đường hàng hóa.
Riêng Vietnam Airlines, việc chuyên chở cành đào, cành mai chỉ được thực hiện trên các chuyến bay nội địa, khai thác bằng các loại máy bay B777, A330, A321 và A320.
Bạn tôi, một nhà thơ sống ở TP.HCM, nhưng năm nào cũng vậy, tầm rằm tháng Chạp đã nghe anh réo gọi qua điện thoại: “Ông ra ngay làm ly Tất niên nghen, quán 13… Lê Duẩn”. Hắn thường ra Bắc dịp này và bù khú với bạn bè, hôm sau lại bay về Nam, và hành lý duy nhất của gã là mấy cành đào bó bọc cẩn thận. Trong câu chuyện bạn bè Tất niên gã bảo: Đào Hà Nội năm nay hơi muộn, đó là do thời tiết năm nay rét muộn. Nhưng khỏi lo, Sài Gòn ấm áp nên vẫn có hoa đón Tết mừng Xuân đúng hẹn.
Đúng là “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa” - tôi trêu bạn. Gã cười khềnh khệch bảo: Nhớ Hà Nội hổng chịu nổi, năm nào cũng phải làm chuyến “Bắc hành”. Gặp gỡ bạn bè xong ra tận vườn đào tự chọn lấy đôi cành đep vừa ý mới yên tâm là có… Tết. Thì ra hắn dù là người Nam nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Thảo nào mà cứ tìm cách ra Bắc mỗi năm một lần dip cuối năm. Trước là “đi Tết” bên ngoại, sau nữa là…
“Nói chung là “ba trong một” - gã bộc bạch. Thế mới biết thú chơi cũng lắm công phu. Và cái Tết Việt mới thiêng liêng làm sao! Và thú chơi hoa đào là một nét đẹp truyền thống góp vào cái di sản Tết Việt. Cảm ơn ngành hàng không đã có một ngoại lệ cho loại “hành lý đặc biệt”: Hoa đào…
Tân Linh
Thể thao & Văn hóa