Hàn Quốc lo ngại tình trạng số trẻ em trong độ tuổi đến trường giảm mạnh
(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết số lượng học sinh tiểu học và trung học ở Hàn Quốc sẽ giảm xuống dưới 5 triệu trẻ lần đầu tiên vào năm 2026 do tổng số trẻ em trong độ tuổi đến trường liên tục giảm.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc dự kiến số lượng học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn quốc sẽ giảm theo năm, từ 5,28 triệu năm nay xuống 5,21 triệu vào năm 2023, tiếp tục giảm xuống 5,14 triệu vào năm 2024 và 5,04 triệu vào năm 2025.Vào năm 2026, khi lứa học sinh sinh năm 2007, năm có tỷ lệ sinh cao đặc biệt, sẽ tốt nghiệp trung học phổ thông, tổng số trẻ trong độ tuổi đi học của Hàn Quốc dự báo sẽ giảm xuống còn 4,88 triệu. Đáng lo ngại là số lượng học sinh sẽ tiếp tục giảm xuống còn 4,72 triệu vào năm 2027.
Cơ quan Thống kê quốc gia Hàn Quốc năm 2017 dự báo dân số trong độ tuổi đi học của quốc gia này sẽ giảm xuống dưới 4 triệu vào năm 2033.
Số học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hàn Quốc đã đạt mức cao nhất là 8,82 triệu vào năm 1993, trước khi giảm xuống 7,95 triệu vào năm 2000, tiếp tục giảm còn 6,99 triệu vào năm 2011 và 5,88 triệu vào năm 2016.
Tính đến năm 2020, số học sinh trung bình trên mỗi giáo viên giảm xuống còn 14,2 ở cấp tiểu học, 11,8 ở trung học cơ sở và 10,1 ở trung học phổ thông. Số học sinh mỗi lớp cũng giảm ở tất cả 3 cấp xuống còn 21,8 ở cấp tiểu học, 25,2 ở cấp trung học cơ sở và 23,4 em ở cấp trung học phổ thông.
Tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa đang đe dọa trực tiếp chiến lược phát triển quốc gia của Hàn Quốc. Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI) đã đưa ra cảnh báo tỷ lệ sinh thấp, già hóa dân số của nước này đang ở mức có thể đe dọa sự tồn vong của hệ thống kinh tế, xã hội.
- Làn sóng Hàn Quốc năm 2021: Dâng cao, nhưng vẫn chưa chạm đỉnh
- 10 chuyện 'dị' gây tranh cãi nhất Hàn Quốc năm 2021, BTS cũng 'dính'
Các chuyên gia KDI khuyến nghị Chính phủ Hàn Quốc cần lập hệ thống xúc tiến chính sách dân số riêng, tách khỏi chính sách phúc lợi hiện nay đang đặt trọng tâm vào các đối tượng trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi. Trong thời gian tới, tỷ lệ già hóa dân số sẽ tiếp tục tăng mạnh, được dự báo sẽ tăng từ 16% năm 2020 lên 25% năm 2030, tiếp tục tăng lên 34% năm 2040 và 44% năm 2060.
Do đó, Chính phủ cần tiếp cận chiến lược dài hạn, đối phó kịp thời, nâng ngân sách hỗ trợ các gia đình lên tương đương mức bình quân ở các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Ngoài ra, các vấn đề khác nảy sinh từ tỷ lệ sinh thấp cần phải giải quyết như khoảng cách về việc làm, cạnh tranh việc làm và giáo dục, tình trạng không kết hôn hoặc kết hôn muộn ở Seoul và các địa phương lân cận, gánh nặng chi phí giáo dục tư, chi phí nhà ở.
Khánh Vân/TTXVN