Hà Nội xấu hơn hay đẹp hơn?
(Thethaovanhoa.vn) - “Hà Nội bây giờ rất xấu. Trong một nỗi xót xa nào đó, tôi ước gì mình là thị trưởng, là chủ tịch UBND thành phố, là giám đốc Sở Văn hóa…” - nhà thơ phát biểu trong tọa đàm tối 9/9.
Sau khi đặt giả thiết, Vi Thùy Linh thừa nhận: “Nhưng điều đó rất khó xảy ra. Chắc tôi sẽ mãi mãi vinh dự là người cầm bút chứ không phải quan chức”.
Tọa đàm Hà Nội thay đổi như thế nào? diễn ra tối 9/9 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội với 4 diễn giả: kiến trúc sư Phó Đức Tùng, nhà nghiên cứu văn hoá Trần Quang Đức, nhà thơ Vi Thùy Linh và họa sĩ Nguyễn Thế Sơn. Sự kiện thu hút tới khoảng 350 khán giả trong khi hội trường chỉ có 250 chỗ ngồi.
Phát biểu cuối cùng sau các diễn giả nam, trong bài nói khá dài, nhà thơ Vi Thùy Linh mở đầu lời “tỏ tình” với Hà Nội bằng câu: “Hà Nội bây giờ rất xấu”.
Vi Thùy Linh nhắc đến vai trò của người Pháp trong việc xây dựng và lưu giữ những hình ảnh ký ức về Hà Nội. Chị nói: “Những góc phố, những hàng cây, những hàng kem, đó là ký ức của chúng ta. Mỗi khi tôi nghĩ đến những ký ức ấy, tôi lại không thể kìm được nước mắt. Hà Nội thành phố cây hồ của tôi, thì cây bị chặt, hồ bị lấp. Lá phổi ấy của chúng ta khi nó sống cũng bị tè bậy, bị đổ dầu nhớt cho đến chết để kinh doanh”.
Khán giả chia sẻ tình cảm của Vi Thùy Linh với Hà Nội nhưng cũng có ý kiến không đồng tình với cái nhìn cực đoan rằng Hà Nội “xưa tốt, nay xấu”.
Trước đó, nhà nghiên cứu văn hoá Trần Quang Đức nhận định: “Văn hóa phong tục ở Hà Nội có những mặt tốt đẹp nhưng cũng có những mặt tiêu cực. Khi nhìn lại, không phải cứ Hà Nội ngày xưa là đẹp là yên bình, đất ngàn năm văn vật. Chúng ta có tâm lý cứ quá khứ mới là tốt đẹp, phủ định cuộc sống hiện tại, cho nó là bê bối và xấu xa, đi tìm những ký ức tốt đẹp xa xưa”.
Anh lấy ví dụ, người Hà Nội ngày xưa từng có hình phạt phụ nữ gian dâm rất tàn bạo là cho voi giày xéo, hình thành một nơi gọi là “vũng voi giày” ngày nay là công viên Lê Nin. Ngoài ra, từ “đồ ranh con” cũng là cách nói rủa chết đứa trẻ. “Chữa ranh” là giết băm xác và quăng khắp nơi để đứa trẻ không thể quay lại đầu thai vào nhà mình. Nghĩa là, Hà Nội từng có không ít hủ tục.
Còn họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, người từng gây chú ý với triển lãm Nhà mặt phố và nhiều triển lãm khác về Hà Nội, giới thiệu những bức ảnh của anh về bộ mặt đô thị Hà Nội ngày nay.
Trong đó, điểm nổi bật nhất là “mặt tiền đã trở thành tiền mặt”. Các ngôi nhà mặt phố dù lớn hay nhỏ đều đã trở thành không gian treo biển quảng cáo cỡ lớn choán hết toàn bộ chiều cao nhà. Đó là điều rất độc đáo ở bộ mặt đô thị Hà Nội mà anh không thấy ở các đô thị lớn khác trên thế giới. Với cách trình bày của Nguyễn Thế Sơn, đây không hẳn là một thay đổi tiêu cực của Hà Nội.
Nhưng, như kiến trúc sư Phó Đức Tùng nhận định, góc nhìn của cả 3 diễn giả đều “nghiễm nhiên coi Hà Nội không vượt ra 4 quận nội thành cùng khu phố Pháp và khu phố cổ”. Anh phân tích: “Diện tích Hà Nội hiện nay là khoảng 33.000 héc ta, gấp mấy trăm lần cái chị Linh coi là Hà Nội và gấp mấy chục lần cái anh Sơn coi là Hà Nội”.
Như vậy, kiến trúc sư Phó Đức Tùng đã đặt ra một vấn đề vô cùng lý thú: dù Hà Nội đã mở rộng từ năm 2008 nhưng dường như trong tâm thức của rất nhiều người, Hà Nội vẫn nhỏ hẹp như xưa.
Liệu quan niệm đó có còn phù hợp? Cá nhân kiến trúc sư Phó Đức Tùng cho rằng: “Hà Nội mở rộng chưa chắc đã xấu hơn Hà Nội cổ. Đó là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau, nó không phải là một thứ, nên không thể so sánh từng thứ một. Đối với tôi, Hà Nội hiện nay vẫn đẹp nhiều hơn xấu dù có những nhược điểm. Hy vọng giới trẻ sẽ nhìn thấy ưu điểm và 100 năm sau họ vẫn còn nhớ và yêu Hà Nội”.
Nha Đam
Thể thao & Văn hóa