Hà Nội rất cần một bức tượng Văn Cao
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà sử học - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc chia sẻ với người viết như vậy, trước thông tin gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao chính thức đề nghị hiến tặng ca khúc Tiến quân ca (Quốc ca Việt Nam) cho Quốc hội.
- CHÍNH THỨC: Đề nghị truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho nhạc sỹ Văn Cao - tác giả Quốc ca
- 20 năm ngày mất Văn Cao: Một họa sĩ trọn vẹn và rộng rãi
“Việc hiến tặng này vốn là tâm nguyện của cha tôi lúc sinh thời” - nhạc sĩ Văn Thao (con trai cố tác giả Văn Cao) chia sẻ với người viết. “Mẹ tôi và các con chỉ thực hiện những việc làm cần thiết để hợp thức hóa nguyện vọng ấy chứ không đòi hỏi thêm điều gì”.
Cẩn thận, ông còn cho biết thêm: lá đơn hiến tặng nhạc phẩm Tiến quân ca của gia đình cố nhạc sĩ đã có đầy chữ ký của tất cả các thành viên có quyền thừa kế và có chứng thực của bên Tư pháp.
Cần nói thêm, gần 1 năm trước, một cuộc tranh cãi gay gắt đã diễn ra trong dư luận, khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN lên kế hoạch thu tác quyền ca khúc Tiến quân ca trong một số trường hợp nhất định. Và, dù ý tưởng này chưa thành hiện thực, chúng ta cũng có thể thấy một thực tế: tác quyền của Tiến quân ca là vấn đề cần được giải quyết trọn vẹn, để ở mọi nơi mọi lúc, chúng ta đều có thể đủ nhiệt tâm hát (và nghe) ca khúc đặc biệt này.
Bởi thế, chỉ có thể dùng từ nhiệt tâm và chí tình để nói về cách giải quyết chủ động của gia đình cố tác giả Quốc ca. Và ngược lại, dù gia đình không đặt vấn đề, chúng ta cũng tin rằng Quốc hội và các cơ quan chức năng cũng sẽ có những ứng xử và tri ân hợp lý với gia đình cố nhạc sĩ để đáp lại tấm thịnh tình ấy.
Như lời nhà sử học Dương Trung Quốc, một trong những hành động nên làm trước mắt chính là việc dựng một bức tượng bán thân của nhạc sĩ Văn Cao tại vườn hoa Cổ Tân (cạnh Nhà hát Lớn Hà Nội), nơi ông đã từng bắt nhịp cho quần chúng cùng hát bài Tiến quân ca vào ngày 19/8/1945 lịch sử.
Cũng cần nhắc lại, theo những tài liệu nghiên cứu đã công bố, nhạc sĩ Văn Cao - người từng viết nhiều ca khúc lãng mạn thời tiền chiến – trong những ngày tiền khởi nghĩa cũng chính là tổ trưởng một tổ công tác đặc biệt chuyên trừ gian, diệt ác. Vậy nhưng, đúng vào ngày 19/8/1945, ông lại không cầm súng mà đóng vai trò đứng bắt nhịp cho quần chúng say sưa hát bài Tiến quân ca trước thềm Nhà hát Lớn.
Nghĩa là, một câu chuyện thú vị đã diễn ra ở không gian đặc biệt này: Văn Cao thành danh tại Hà Nội, cầm súng theo cách mạng và lại được trở lại đúng với con người nghệ sĩ của mình trong ngày lịch sử của Hà Nội ấy. Và cùng với câu chuyện của cố nhạc sĩ này, ai cũng nhìn rõ một thực tế: lá cờ đỏ sao vàng và bản Tiến quân ca chính là 2 biểu trưng gắn với quảng trường Nhà hát Lớn trong ngày 19/8/1945 lịch sử.
Như lời nhà sử học Dương Trung Quốc, trong một số cuộc tọa đàm về việc tổ chức không gian tại quảng trường 19/8 (trước Nhà hát Lớn), ông cũng đã chuyển tới lãnh đạo Hà Nội đề xuất về việc dựng 2 bức tượng: một bức tượng bán thân nhỏ của tác giả Quốc ca tại vườn hoa Cổ Tân, và một biểu tượng lá cờ đỏ sao vàng được cách điệu và đặt tại vị trí phù hợp trong quảng trường. (Hiện tại, khu vực quảng trường này mới chỉ có một tấm bia nhỏ để nhắc lại sự kiện ngày 19/8/1945).
Hà Nội đã có đường Văn Cao. Nhưng, cũng là xứng đáng với tác giả Quốc ca Việt Nam, nếu chúng ta có thêm một bức tượng nhỏ về ông, trong không gian gắn liền với ca khúc lịch sử ấy.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa