Hà Nội mơ về phố hoa
(Thethaovanhoa.vn) - Tết năm nay, như thường lệ, người dân Sài Gòn được thưởng ngoạn đường hoa Xuân. Dù đường Nguyễn Huệ đang được chỉnh trang thành Quảng trường đi bộ nhưng đường hoa đã được dời về đường Hàm Nghi.
Người Hà Nội nghĩ mà buồn. Hà Nội đã từng có lễ hội phố hoa trên phố Đinh Tiên Hoàng cạnh hồ Gươm.
Nhiều người còn nhớ lễ hội hoa năm có Đại lễ nghìn năm Thăng Long. Những nghệ nhân hoa, những người dân phố cổ thức thâu đêm để sắp những luống hoa cho phố lung linh. Những Khuê Văn Các, Chiếu dời đô, cầu Long Biên, xích lô, tàu điện… làm bằng hoa nổi trên mặt Hồ. Có cả mô hình cầu Long Biên lớn đến mức người dân đi lại như trên cầu thật ở đường Trần Nhật Duật. Dưới cầu hoa Long Biên này là nước sông Hồng bằng màn màu đỏ nâu đặc trưng sông Cái và cả chiếc thuyền bằng gỗ. Hà Nội hiện lên tươi sắc và lãng mạn lắm.
Nhưng rồi phố hoa tan hoang sau lễ hội. Người ta xông vào quay phim, chụp ảnh, từ nam thanh nữ tú đến những người trung niên, luống tuổi chen nhau bẻ hoa, vặt cành, ai cũng muốn những chậu hoa cho riêng mình.
Bờ Hồ sau phố hoa thành phố rác, cảnh “cướp hoa” trở thành nỗi hổ thẹn của Hà Nội với dư luận. Nhà văn Băng Sơn phát biểu: "Tôi cảm thấy buồn và xấu hổ. Người Hà Nội làm xấu Hà Nội đi. Bao nhiêu năm hội hoa ở Đà Lạt, TP.HCM mà không phải làm hàng rào vẫn giữ được cho đến ngày cuối cùng".
***
Sự tan nát của phố hoa cứ lặp lại như là điều tất nhiên phải xảy ra với lễ hội đường phố Hà Nội. Như nỗi hổ thẹn khi chứng kiến ba cây anh đào được mang từ Nhật Bản trưng bày giữa Thủ đô, đã nhanh chóng bị vặt trụi tại chỗ. Để mấy năm sau, người Nhật với nỗ lực quảng bá giao lưu văn hóa phải mang đến hoa giả. Cành anh đào thật tượng trưng đứng run rẩy sau hàng rào bảo vệ.
Người Hà Nội, Thành phố vì hoà bình thèm phố hoa, nhưng cái thèm văn hóa còn nhiều lắm. Đơn giản, Thành phố vì hòa bình nhưng đố ai tìm được ở đâu đàn chim bồ câu - biểu tượng hòa bình.
Ai từng đặt chân đến quảng trường St.Marco giữa thành phố Venice xinh đẹp, từng đàn chim bồ câu vui đùa trong những tia nắng Địa Trung Hải ấm áp. Hay giữa kinh đô ánh sáng Paris, những đàn chim câu tung cánh trước Khải hoàn môn, trên đại lộ Champs - Élysées, nối hai quảng trường Concorde và Étoile. Và quảng trường Duomo, trái tim thành phố thời trang Milan, từng đàn bồ câu vây lấy du khách phương xa. Người dân thư thái nhấm tách capuccino và ngắm nhìn đàn bồ câu bay lượn trong nắng. Cảm giác thật bình yên.
Còn ở Hà Nội của chúng ta thì sao? Nhiều người có nhớ đàn chim câu 1.000 con phục vụ Đại lễ đã tan tác sau đó? Hay ở Festival cầu Long Biên khi 70 chú “chim hòa bình” vừa thả ra, chưa kịp tung cánh đã bị hàng trăm người xâu xé để chuẩn bị cho... bữa trưa.
Người Hà Nội vẫn thầm nhắc đến câu thơ Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Nhưng sự thật, văn minh không nằm ở địa danh chung chung, mà ở mỗi con người.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa