Hà Nội chủ động giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, UBND thành phố Hà Nội đã kịp thời chỉ đạo các sở, ngành chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các nhà đầu tư rà soát, lập danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi gửi Bộ Xây dựng để công bố công khai. Đến nay, đã có 3 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đang tiếp cận Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hà Nội và 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) để vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh thành phố Hà Nội triển khai cho các hộ gia đình, cá nhân vay vốn ưu đãi để sửa chữa, cải tạo nhà ở, vay vốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Cùng đó, Sở Tư pháp Hà Nội và Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Chính phủ và công bố công khai trên các cổng thông tin điện tử của thành phố, các sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để các doanh nghiệp, người dân có nhu cầu vay vốn ưu đãi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, cải thiện nhà ở cho nhân dân.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng và phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Qua đó, góp phần ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.
Hà Nội đặt chỉ tiêu đến năm 2025 diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 29,5 m2/người; tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án. Tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đảm bảo tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu 5% và nhà ở cho thuê mua đạt tối thiểu 5% trên tổng diện tích sàn nhà ở chung cư tại dự án.
Đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 32 m2 sàn/người; tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án; tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đảm bảo tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu 5% và nhà ở cho thuê mua đạt tối thiểu 10% trên tổng diện tích sàn nhà ở chung cư tại dự án.
Trên cơ sở Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ phát triển mới khoảng 1,215 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; chuẩn bị đầu tư 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2-3 khu. Tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu theo quy định của Trung ương, nhà ở cho thuê mua phải đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án.
Đáng chú ý, ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"; trong đó, Hà Nội được giao chỉ tiêu 56.200 căn, gồm 18.700 căn giai đoạn 2021-2025 và 37.500 căn giai đoạn 2026-2023.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6/2023, trên địa bàn Hà Nội đã có 4 dự án hoàn thành toàn bộ, 1 dự án hoàn thành 1 phần với khoảng 0,345 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, khoảng 4.168 căn hộ. Hiện có 40 dự án đang triển khai, gồm 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025, với khoảng 0,869 triệu m2 sàn, 12.137 căn hộ; 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 1,689 triệu m2 sàn, 22.400 căn hộ.
Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội đang tổ chức triển khai lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) với tổng quy mô sử dụng đất khoảng 277 ha. Dự kiến, 5 dự án này sẽ bổ sung khoảng từ 2-2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu rất lớn của thành phố và góp phần hoàn thành chỉ tiêu nhà ở xã hội theo Đề án.
Cùng với sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Hà Nội cũng khẩn trương hành động để "tiếp sức" cho thị trường bất động sản. Thành phố đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án đang triển khai; kiến nghị cơ chế và mô hình đầu tư trong phát triển các dự án mới.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Giám đốc các sở, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm việc rà soát, thống kê phân loại cụ thể các dự án, nhất là các dự án chưa có phương án xử lý cụ thể theo từng nhóm, đảm bảo hoàn thành trong quý IV/2023.
Trước mắt, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm còn lại (nằm trong 50 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và 150 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất); tiếp tục kiểm tra, thanh tra và kết luận đối với 93 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý, hoàn thành xong trong tháng 11/2023.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để hợp thức hóa việc gia hạn các dự án chậm triển khai. Đối với các dự án đủ điều kiện tiếp tục rà soát, phân loại vướng mắc theo thẩm quyền để tham mưu đề xuất giải quyết đối với các nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Trung ương và tập trung tháo gỡ dứt điểm khó khăn thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố, nhất là trong giải phóng mặt bằng.
UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chủ trì cùng các sở, ngành làm việc với từng địa phương để chỉ đạo xử lý đối với từng dự án chậm tiến độ, chậm triển khai và phân công Phó Chủ tịch UBND thành phố giám sát, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tháo gỡ, xử lý, giải quyết đến từng dự án; cơ bản ban hành quyết định xử lý thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động, dừng thực hiện dự án xong trong tháng 11/2023.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có trách nhiệm giám sát, đôn đốc các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện thanh tra, kiểm tra và có kết luận đối với từng dự án; làm rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp; quyết liệt xử lý dứt điểm, giải quyết triệt để các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai; thường xuyên rà soát, cập nhật kết quả thực hiện, khẩn trương hoàn thành việc đánh giá, hậu kiểm, thống kê, phân loại và xử lý từng dự án cụ thể theo hướng "rõ người, rõ việc, rõ đầu mối, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ".
Cũng theo chỉ đạo của thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội xử lý nghiêm, triệt để đối với các dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất (đã có quyết định chủ trương, chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư, văn bản giao chủ đầu tư nghiên cứu), đến nay đã quá tiến độ thực hiện (đặc biệt là các dự án kéo dài nhiều năm, dự án điều chỉnh nhiều lần), hoàn thành xong trong tháng 11/2023.
"Tránh tình trạng chủ đầu tư lợi dụng việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để hợp thức hóa việc gia hạn tiến độ các dự án chậm triển khai, kéo dài thời gian phải thực hiện của dự án; dự án đã được phê duyệt theo quy hoạch rồi lại đề xuất điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh lại dự án đầu tư", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh.