Hà Nội bao dung, Sài Gòn nghĩa hiệp
(Thethaovanhoa.vn) - TP.HCM những ngày này luôn bất chợt ngập trong những con mưa lớn, cộng những đợt triều cường và những lo lắng một phần thành phố chìm trong mùi hôi từ bãi rác Đa Phước khổng lồ. Hà Nội thì lo lắng trong nồng nặc khói bụi ô nhiễm, trong nỗi thấp thỏm Hồ Tây và những bức xúc từ tiếng chửi của một hàng ăn lên truyền thông quốc tế, đang át hẳn tiếng thanh lịch Hà thành gây dựng bấy lâu... Toàn những chuyện không vui.
- 'Bóng ma' nguy hiểm hơn 'máy chém' tôn cứa cổ
- Sài Gòn ngập lớn: 1000 xe máy bị nhấn chìm, ai chịu trách nhiệm?
Ở TP.HCM, sau những cơn mưa lớn nhiều tuyến đường chìm sâu trong nước, nhiều nơi nước ngập đến nửa mét, ai cũng ngán ngẩm, buồn bực. Điều làm nhiều người sợ hãi nhất là xe bị chết máy khi lưu thông trên đường bị ngập nước. Dòng người dắt bộ nối đuôi nhau đi tìm chỗ sửa xe.
Với chi phí sửa xe "theo mùa" sau mỗi trận mưa thì nhiều người lại càng ngán ngẩm lắc đầu vì giá cắt cổ, nhưng cũng đành phải cắn răng.
Bảng thông báo sửa xe miễn phí đặt ngay trên vỉa hè. Ảnh: Lê Trai/Zing.vn
Mới rồi, cơn mưa lớn cũng đã nhấn chìm đoạn đường Phan Huy Ích nối giữa quận Tân Bình và Gò Vấp. Đường biến thành sông sau cơn mưa khiến hàng trăm phương tiện bị chết máy do ngập nước. Có 3 chàng trai trẻ gồm Phạm Như Thắng, Nguyễn Tài Dũng và Nguyễn Mạnh Cường mang đồ nghề sửa xe ra trước điểm ngập để sửa miễn phí cho người dân.
Và điều khiến tôi ấn tượng nữa là nhiều người Sài Gòn sửa xong vội chạy đi mua nước ngọt tiếp sức cho các anh tiếp tục công việc.
Chỉ mong sao những người thường nhân cơ hội chém đẹp, hãy nhìn mà tích phúc đức cho con cháu và tích thêm cái tình cho Sài Gòn.
***
Còn ở Hà Nội, sau sự kiện đau lòng, cháu bé va vào xích lô bị tấm tôn cứa cổ tử vong. Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố, tạm giam 3 tháng ông Đinh Ngọc Thạch, chủ chiếc xe xích lô dừng bên đường vô tình gây ra cái chết oan nghiệt. Nhưng gia đình bị hại đã có đơn đề nghị miễn xử lý hình sự ông, một người cựu binh già.
Thực tế, dù ông không cố ý gây ra cái chết thương tâm của cháu bé, nhưng gia đình cháu bé bị nạn hoàn toàn có quyền không can thiệp, lên tiếng. Khi ấy, chẳng khác gì nhân nỗi đau lên gấp bội. Nhưng họ đã mở rộng lòng mình, cho người khác đang trong cơn hoạn nạn thêm cơ hội là một việc làm nhân văn, ấm áp tình người.
Hiện trường vụ tai nạn khiến cháu bé tử vong
Rất nhiều người đã cảm ơn tấm lòng bao dung của gia đình cháu bé. Tuy gia đình rất đau đớn khi mất đi người con, nhưng cha mẹ bé đã khoan dung, xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người lính già đang sống trong nghèo khó. Điều ấy khiến nhân lên một niềm tin, rằng cuộc sống vẫn còn nhiều người tốt, vị tha.
Thực tế, trong cơn phẫn nộ vì cái chết của cháu bé, tôi nghe thấy những lời kêu gọi "ra tay" quyết liệt, đòi cấm các phương tiện cồng kềnh vi phạm pháp luật giao thông. Nhưng tuyệt nhiên không thấy ai kêu gọi xử lý "thủ phạm" là một người cựu binh già đang sống trong cảnh bần hàn, lao động nặng nhọc đổi mồ hôi lấy đồng tiền mưu sinh qua ngày.
Rất nhiều người đã mong mỏi vụ án sẽ khép lại với một kết thúc có tình người như thế.
Qua hai câu chuyện trên đấy thôi, thấy ánh lên một niềm vui, thấy đúng chất một Sài thành nghĩa hiệp và một Hà Nội bao dung. Nó đủ để đối trọng với bao chuyện bức xúc, u ám hằng ngày.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa