(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày qua, báo chí nhiều lần dùng đến cụm từ mà có lẽ người đọc từ điển hoặc các nhà ngôn ngữ khó có thể tưởng tượng ra: Tôn cứa cổ. Đi kèm với nó là những từ ngữ đáng sợ như “bóng ma”, “máy chém”. Nó bắt đầu từ sự việc cháu bé 9 tuổi, đi xe đạp trên đường va chạm vào tấm tôn trên một xe xích lô đang đỗ, bị tôn cứa vào cổ gây tử vong.
Cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và sẽ xử lý nghiêm người vi phạm dẫn đến vụ tai nạn. Người chở tôn khốn khổ bị tạm giữ hình sự và có thể có những bản án mà ông phải đối mặt...
Lực lượng chức năng nhanh chóng ra quân xiết chặt hoạt động xe thô sơ, xe ba bánh, các phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá tải... Lực lượng CSGT Hà Nội đã đề xuất tịch thu ngay phương tiện vi phạm.
Dù muộn nhưng còn hơn không, để đường phố bớt đi tai nạn từ những chiếc xe không biết gọi bằng xe gì, để không còn những đứa bé ngã xuống vì những vật thể nguy hiểm nghênh ngang giữa đường. Một cháu bé mất mạng bởi một tấm tôn như một lưỡi dao lộ thiên lừng lững trên đường như thế đã quá đủ.
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc cháu bé bị tôn cứa vào cổ tử vong. Ảnh: FB BEATVN
Sau tai nạn, trên trang cá nhân của bác sĩ Ngô Đức Hùng, người cấp cứu cháu bé xấu số đã có những chia sẻ về nỗi đau ấy. Thực tình, tôi và có lẽ nhiều bậc cha mẹ không dám đọc những dòng tin, nhìn những hình ảnh hiện trường mà báo chí và mạng xã hội đã lan truyền. Nhưng nó vẫn đập vào mắt.
"Chuyện không may” mà bác sĩ Hùng chia sẻ có lẽ là một “chuyện chép ở bệnh viện” đau đớn, kinh hoàng nhất mà chúng ta từng đọc. Nó được các trang báo điện tử khai thác lại nhưng quả thực tôi không dám trích ra đây. Xin trích một câu duy nhất rằng: “Mình tiếp tục ký giấy chuyển cháu bé xuống nhà đại thể. Cảm giác tuyệt vọng dâng lên một cách khủng khiếp”.
***
Đọc những dòng chia sẻ của bác sĩ tôi chợt nhớ rằng, đất nước ta, có rất nhiều đứa trẻ mà đưa ra khỏi hiện trường vụ tai nạn các em không bao giờ có cơ hội đi gặp bác sĩ, mà đến thẳng nhà tang lễ hoặc được người nhà “đưa về”.
Chỉ cách vụ tôn cứa cổ một hôm là hai em học sinh chết đuối ở tỉnh Bình Thuận. Tất nhiên, nó là chuyện thường ngày, nên báo chí đưa tin ít hơn, dư luận cũng ít “rúng động” hơn. Ở đó có một “hình ảnh lặp lại”, mọi người nhìn thấy hai đôi dép, hai bộ đồ trẻ con và hai túi bánh để ngay ngắn trên bãi biển. Sau đó, ôi thôi, họ tìm thấy hai cái xác.
Mọi người hẳn còn nhớ những thảm nạn trẻ em chết tập thể. Những thảm nạn lặp lại đến phát sợ, một đám tang tập thể, cùng một vùng quê, một trường học hay cùng một gia đình và cùng một lý do. Theo số liệu mới nhất của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, mỗi năm có khoảng 3.500 trẻ bị chết đuối, nghĩa là mỗi ngày có 9 đến 10 đứa trẻ chết đuối.
Lên Sa Pa bây giờ, bạn có thể bị đeo bám bởi một số người bán hàng rong, mà đa phần là trẻ em và người già.
Hàng ngàn sinh mạng của những đứa trẻ không bệnh tật bị cướp đi mỗi năm, chúng ta không thể không đặt câu hỏi: Vì sao nỗi đau liên tục lặp lại? Ai phải chịu trách nhiệm? Có xử lý gì không? Có cần phải rốt ráo như sau vụ em bé xấu số bị tôn cứa cổ không? Mỗi khi có thêm đứa trẻ xấu số ra đi, những người lớn lại giật mình, đau đớn, chia sẻ. Rồi mọi chuyện lại thế. Đâu cũng là mạng người, lại là mạng con trẻ, sao để nỗi đau tiếp diễn liên tục?
Ai bảo vệ con em chúng ta, dù kỹ năng sống được học ầm ầm trong cuộc chạy đua của các trường nhưng hiếm khi được thực hiện. Không một lớp học kỹ năng sống nào đủ để thay thế những trải nghiệm hàng ngày mà người lớn tạo dựng cho con trẻ. Trước tiên cần bắt đầu từ người lớn, các con phải được dạy đi qua đường thế nào, đi lạc xử trí ra sao, biết bơi lội ra sao, biết cách gọi trợ giúp khi cần thiết, khi bị kẻ xấu đe dọa, lạm dụng... Nhất là trước tình trạng giao thông lộn xộn, các em có biết tự bảo vệ mình, biết tránh xa những tấm tôn cứa cổ…
Những hiểm nguy này như những bóng ma khủng khiếp, chẳng khác những tấm tôn cứa cổ, khi ngày ngày đang “bền bỉ” cướp đi sinh mạng nhiều đứa trẻ.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa