Gửi các bạn trẻ đang làm hàng rào sống giữa trưa hè!
Các bạn sinh viên tình nguyện thân mến!
Tác nghiệp trước địa điểm thi, tôi chứng kiến các bạn hàng giờ phơi nóng giữa mặt đường rát bỏng, đầu căng như dây đàn vì các phương tiện giao thông qua lại rầm rập. Cũng không ít phụ huynh hạch sách đòi “xé rào” vì ngại đi xa. Tôi đã nghe nhiều lời lẽ không hay dành cho các bạn từ những người này ngay lúc các bạn đang đảm bảo trật tự cho kỳ thi và cho chính phụ huynh cũng như con em họ.
Những người chứng kiến ái ngại nghĩ các bạn sẽ rất buồn khi mệt mỏi vì thời tiết, vì giao thông và vì những lời lẽ không khiếm nhã dành cho mình khi các bạn đang làm việc. Nhưng thực tế, tôi vẫn thấy các bạn nghiêm túc thực hiện những điều có ích, vẫn nhẹ nhàng trả lời những lời khiếm nhã, và quan trọng hơn, vẫn mỉm cười trên mặt đường khắc nghiệt.
Song, tôi không biết, các bạn còn cười nữa không khi sau những ngày vất vả, các bạn lướt web?
Gần đây, hình ảnh hàng trăm sinh viên làm “hàng rào sống” giữa trưa nắng 40 độ C để đảm bảo trật tự trước các điểm thi trên cả nước bỗng chốc trở thành tâm điểm của các cuộc “tranh cãi” trên mạng.
Người cho rằng hành động ấy là vô tác dụng, chỉ cần căng dây phân cách là xong. Kẻ cho hay các bạn sinh chỉ có lòng nhiệt tình còn không có sự thông minh cần thiết để giải quyết vấn đề “đơn giản”. Quan điểm khác lại cho hay các bạn nên quan tâm đến bản thân mình trước khi quan tâm đến những người xung quanh...
Nhưng với ai trực tiếp chứng kiến quang cảnh trước các cơ sở thi, họ sẽ thấy “hàng rào người” của các sinh viên tình nguyện hiệu quả thế nào. Ngay cả khi các bạn sinh viên đã đứng sát cạnh nhau, nhiều người vô ý thức vẫn mong “xé rào” thì những sợi dây thừng phân cách như đề xuất liệu có hiệu quả?
Bên cạnh đó, cái nóng hơn 40 độ ngoài trời cùng mặt đường nhựa hầm hập khiến người ta không còn tỉnh táo. Theo bản năng tâm lý, nếu không có "hàng rào sống", các ngã tư, ngã rẽ các bạn đứng sẽ được ken chặt bởi các bậc phụ huynh mong ngóng con thi. Nhờ các sinh viên tình nguyện, những khoảng trống giữa mặt đường rát bỏng đã không còn. Phụ huynh tìm những nơi quang mát khắc khoải đợi con. Vậy nên, những “thuyết âm mưu” của những người ngồi sau bàn phím nghe tưởng thuyết phục mà thật ngờ nghệch trong thực tế.
Thật tình cờ, đề thi môn Ngữ Văn năm nay hỏi về thói vô cảm. Đề thi có đoạn như sau: “Trong cuộc hành trình lâu dài, gian khổ của một đời người, cái mất và cái được không phải đã được nhận ra một cách dễ dàng. Mất một đồng xu, một miếng ăn, mất một phần cơ thể, mất một vật sở hữu, con người nhận biết ngay. Nhưng có những cái mất, cái được nhiều khi lại không dễ gì cảm nhận được ngay. Nhường bước cho một bà già cao tuổi, nhường chỗ cho một bà mẹ có con nhỏ trên tàu xe chật chội, biếu một vài đồng cho hành khất,…có mất có được nhưng không phải ai cũng đã nhận ra cái gì mình đã thu được; có khi là sự thăng hoa trong tâm hồn từ thiện và nhân ái. Nói như một nhà văn lớn, người ta chỉ lo túi tiền rỗng đi nhưng lại không biết lo tâm hồn mình đang vơi cạn, khô héo dần”.
Không biết các thí sinh làm bài như nào, song các sinh viên tình nguyện vòng ngoài xứng đáng được điểm 10 với đề thi ấy.
Hay như nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng từng nói: “Nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ/ Chỉ dựng xây đời là khó khăn thôi”. Các sinh viên tình nguyện, những người đã hết lòng “dựng xây đời” bằng sức trẻ, các bạn hãy vui vẻ cười (như các bạn đã từng) khi đọc được những lời không hay của những người ngồi trong điều hòa và hình dung thế giới qua cửa sổ máy tính.
Hãy cười thật tươi, vì các bạn mới là người đang sống cuộc sống thật.
Phạm Mỹ