'Goodbye to love' khởi đầu cho 'nhạc trữ tình bùng nổ'
(Thethaovanhoa.vn) - Vào tháng 7/1972, nhóm Capenters, sau thành công của những bài hit như Ticket to ride, Close to you…, đã tung ra ca khúc mới nhất của họ, Goodbye to love. Đây là một bài gây sóng gió nhiều chiều.
>>> Nghe những nhạc phẩm bất hủ tại đây
Như Thể thao & Văn hóa Cuối tuần từng đề cập, nếu như bài Still loving you đã làm cho nhóm Scorpions bị phản ứng khi đang từ rock nặng (hard rock) chuyển sang ballad êm đềm thì trường hợp của Goodbye to love lại trái ngược, đang từ ballad bỗng chuyển sang rock. Và điều đó đã khiến nhóm Carpenters bị phản ứng dữ dội.
Từ một cuốn phim kinh điển
Một tối mùa Thu năm 1971, khi trở về nhà sau một chặng nghỉ giữa chuyến lưu diễn dài ngày, Richard Carpenter, người sáng tác chính của Carpenters, mệt mỏi mở tivi nằm xem phim thư giãn.
Trên màn hình là Bing Crosby đang đóng vai nhạc sĩ Oliver Courtney trong bộ phim Rhythm of the river. Bộ phim từ thời 1940 này với tiết tấu chậm rãi làm cho Richard cảm thấy nhàm chán và vô vị.
Nhưng bất giác ông chú ý đến một tiểu tiết trong phim khi nhạc sĩ Oliver Courtney cứ lảm nhảm suốt bộ phim về một bài hát mà ông đã sáng tác, Goodbye to love (Tạm biệt tình em) nhưng nhạc thì chẳng thấy đâu.
Single Goodbye to love của nhóm The Carpenters
Điều này bỗng làm cho Richard cảm thấy hứng thú. Nhỏm dậy, ông viết ngay ra giấy 2 câu ca từ “Xin nói lời tạm biệt tình em/ Rồi thì chẳng ai quan tâm đến chuyện tôi sống hay chết nữa”.
Nhưng chỉ đến đó là hết, Richard cảm thấy tắc tị dù ông thức cả đêm để tìm ý lắp vào. Nhưng dù bế tắc nhưng Richard tin đây sẽ là một cảm hứng dồi dào cho bài hát mới.
Sáng hôm sau, ông đưa bản thảo và ý tưởng cho John Bettis, người sáng tác cùng ông để cả hai tiếp tục khai triển. Nhưng những chuyến lưu diễn lại cứ cuốn họ đi và tiến độ bài hát thì cứ nhích từng chút một. Lúc xong đoạn đầu ở London, lúc hoàn thành điệp khúc ở Berlin.
Phải đến khi về lại Mỹ vào cuối năm đó, cả hai mới thực sự ngồi xuống với nhau và hoàn thành Goodbye to love.
Bài hát có một giai điệu rất đẹp, nhẹ nhàng, tự sự cùng phần lời của John Bettis nhuốm nhiều nỗi buồn phảng phất.
Điều khó nhất cho cả 2 nhạc sĩ này là nên dùng hòa âm kiểu gì bởi họ không muốn nỗi buồn của bài hát lôi người nghe xuống vực thẳm.
Giữa lúc bế tắc ấy, cô em của nhóm, Karen Carpenter xuất hiện. Sau khi nghe xong phần demo, Karen nói rằng bài hát này cần thêm một tiếng guitar điện để xốc dậy toàn bộ tinh thần.
Nghe thấy thế, cả Richard Carpenter và John Bettis chợt bừng tỉnh.
Tiếng guitar xóa nhòa làn ranh âm nhạc
Cuối cùng thì ê kíp sản xuất cũng đồng ý rằng bài hát này cần phải có tiếng guitar điện để “cân” tinh thần cả bài. Nhưng ai sẽ là người lĩnh xướng?
Nhà sản xuất Jack Daugherty đề xuất một loạt cái tên thượng thừa nhưng Richard Carpenter từ chối. Những cái tên như Louie Shelton hay Dean Parks đều đã rất nổi tiếng và họ sẽ không còn cảm giác muốn thể hiện thêm sự sáng tạo của mình. Cần phải có một tay guitar nào đó vẫn còn đầy ắp tinh thần tươi mới và sẵn sàng làm cuộc cách mạng.
“Em nhớ rồi, đó chính là Tony Peluso”, cô em Karen chợt reo lên.
Tony Peluso lúc ấy đang là guitar của nhóm nhạc chưa được nhiều người biết tới, Instant Joy, tuy vậy nhóm này từng có cơ hội được diễn mở màn cho Carpenters và tay guitar của nhóm đã gây ấn tượng cho cô em Karen Carpneter.
Và thế là một cuộc gọi đã diễn ra, đầu dây bên kia, Tony Peluso, không tin người gọi cho mình là Karen. Anh phải hỏi lại 3 lần nữa cho chắc thì mới tin là sự thật. Và Tony càng sốc hơn khi Karen mời anh tham gia vào dự án thu âm cho Goodbye to love.
Sáng hôm sau, Tony Peluso, trong dáng điệu cao, gầy, mảnh dẻ với chiếc áo thun và quần jeans bó chặt, xuất hiện Studio B của hãng đĩa A&M đúng giờ không sai một phút.
Đón anh là Richard Carpenter, người nở nụ cười khá thân thiện và ra luôn đề bài “tôi cần một tiếng guitar mạnh mẽ cho bài hát này”.
Nhạc sĩ Richard Carpenter nhớ lại rằng lúc ấy ông không đưa cho Tony một tờ tổng phổ nào mà trái lại, ông chỉ thổi sáo giai điệu bài hát cho Tony nghe. “Nghe xong, việc xây dựng câu cú, giai điệu cho đoạn guitar hoàn toàn thuộc về Tony”.
Và quả thật, đó là một chiến lược quá sức mạo hiểm bởi Goodbye to love mang trong mình quá nhiều mâu thuẫn. Một bài hát có giai điệu tuyệt đẹp nhưng mở màn bằng một giọng hát buồn đẫm lệ, không cần một câu intro nào dẫn dụ và đỉnh điểm là tiếng guitar của Toney Peluso đã đẩy bài hát sang hẳn một phía khác.
Đúng ra lúc đầu Tony chơi solo guitar khá mềm mại và dịu ngọt nhưng Richard ra sức phản đối “Cậu phải nổi lửa lên, phải đốt cháy hết mọi thứ”. Và cuối cùng, trong cơn hứng khởi gần như mê sảng, như Tony nhớ lại, anh đã biến Goodbye to love thành một bài gần như rock điên dại. Những ngón đàn chạy mải miết, những giai điệu bị đốt thành than, cùng với đó tiếng hát nhẹ nhàng của Karen như thể tạo nên một sự đối nghịch hoàn hảo cho Goodbye to love.
Thu xong, Richard Carpenter hài lòng ra mặt, còn nhạc sĩ John Bettis thì ứa nước mắt vì xúc động.
Sau này nhạc sĩ Richard Carpenter nói rằng Goodbye to love chính là bài hát mở đầu cho dòng power ballad (nhạc trữ tình bùng nổ) hoặc nếu chưa chính xác thì tiếng guitar của Tony cũng chính là những dấu hiệu đầu tiên.
Điều này không phải là không có lý bởi sau Goodbye to love thì xu hướng power ballad bỗng nở rộ, có thể thấy rất rõ điều này qua nhiều bài hit của các nhóm như Styx, Rep Speedwagon, Raspberries, Boston đã rất được yêu thích. Hay xa hơn, vào thập niên 1980 các nhóm như Scorpions, Motley Crue, Cinderella, Dokken… vẫn thường áp dụng.
Tuy vậy, lúc mới phát hành, Goodbye to love bị nhiều đài phát thanh từ chối phát bởi thính giả gửi thư về đài phần nàn rất nặng. Thính giả cho rằng Carpneters đang từ bỏ sở trường của mình để chuyển sang rock, vốn không phải là một thế mạnh của họ. Rất nhiều fan yêu cầu nhóm Carpenters phải thay đổi hòa âm thì họ mới chịu mua đĩa.
Nhưng cũng lại có rất nhiều người khác bày tỏ tình yêu với Goodbye to love bởi bài hát ngoài thông điệp hay còn có một lối hòa âm rất sáng tạo.
Vì tranh cãi nhiều chiều như thế nên Goodbye to love không leo lên được quán quân của Billboard. Sau vài tuần, bài hát này chỉ đứng ở vị trí thứ 2 nhưng đó cũng đủ cho thấy sức sáng tạo của Carpneters vẫn tiếp tục được đón nhận mạnh mẽ.
Nhưng đó là câu chuyện của năm 1972. Bởi vài thập niên sau, khi âm nhạc đã phát triển vượt bậc thì giờ đây, Goodbye to love lại được đem ra và được ghi nhận là một trong những sáng tác bất hủ của nhóm The Carpenters. Và điều nhiệm màu làm nên điều kì diệu ấy, chính là tiếng đàn của Tony Peluso.
Cùng nghe lại ca khúc Goodbye to love:
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần