Gốm Sài Gòn có gì lạ?
(Thethaovanhoa.vn) - Khoảng 20 năm gần đây, gốm Sài Gòn là cách gọi gộp chung cho các dòng gốm chính yếu tại Sài Gòn - Chợ Lớn xưa, trong đó có gốm Cây Mai, vì thế, đôi lúc loạn xì ngầu về nhận diện.
Gốm tại Sài Gòn nói chung đã kế thừa, tiếp thu từ các dòng gốm chính như thái dứu đào (men màu, Quảng Đông), hắc dứu đào (men đen, Phước Kiến), bạch dứu đào (men trắng, Triều Châu). Trong đó, gốm Cây Mai thuộc thái dứu đào, còn gốm Sài Gòn thuộc bạch dứu đào.
Trong cuốn sách Gốm Sài Gòn (NXB Trẻ, quý 4/2015) vừa xuất bản, nhóm tác giả Huỳnh Ngọc Trảng - Nguyễn Anh Kiệt - Hồ Hoàng Tuấn đã chỉ ra sự khác biệt căn bản giữa gốm Sài Gòn so với các dòng gốm khác tại đây. Và cũng cho biết địa bàn của gốm Sài Gòn trải dài từ cầu Ông Lãnh (quận 1) cho đến chợ Hòa Bình (quận 5), trong khi “tổng hành dinh” của các lò gốm Cây Mai, nơi đặt Đào lư hội quán, lại ở gần đình Phú Hòa (phường 12, quận 6).
Theo khái niệm được tách bạch trong sách vừa nêu, thì gốm Sài Gòn có mấy đặc điểm chính. Thứ nhất, nó thuộc dòng bạch dứu đào, với cao lanh nhập từ bên ngoài về sản xuất, do Sài Gòn không có cao lanh. Phối hợp với màu xanh nước biển, nên gốm Sài Gòn có màu xanh trắng chủ đạo.
Thứ hai, nếu chia gốm thành 3 loại chính: thổ khí (terracotta: đất nung), đào khí (ceramic: tráng men), và từ khí (porcelain: sứ), thì gốm Sài Gòn thuộc sứ, nhưng chỉ bán sứ. Khi kỹ thuật này về đến Lái Thiêu (Bình Dương), do nơi đây không nhập cao lanh, thành ra sản phẩm trở lại với thổ khí, giá bán rẻ, dân chúng dễ mua bán.
Thứ ba, gốm Sài Gòn được sản xuất nhiều chủng loại, đặc biệt các sản phẩm cho công nghệ, với kỹ thuật vẽ trau chuốt, giàu tính mỹ thuật…
Gốm Sài Gòn ra đời nửa đầu thế kỷ 20, tồn tại đến khoảng 1957 thì di dời khỏi địa bàn, do quá trình đô thị tác động và nguồn vật liệu nơi đây khó khăn.
Như Hà