Góc nhìn: Ai bảo Wenger là chuyên gia thất bại?
(Thethaovanhoa.vn) - Jose Mourinho lại bắt đầu một cuộc tổng tấn công vào kình địch Arsene Wenger khi mỉa mai rằng “Giáo sư” là một chuyên gia thất bại. Liệu những lời lẽ ấy có chính xác?
1. Thật ra, chính Wenger là người châm ngòi trước khi bình luận rằng việc Mourinho tự đánh giá thấp cơ hội của Chelsea chẳng qua là vì sợ thất bại. Đáp lại, Mourinho phát biểu trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu rằng “Wenger là chuyên gia thất bại còn tôi thì không. 8 năm không danh hiệu thì đúng là một thất bại. Nếu là tôi thì tôi chẳng còn mặt mũi nào trở lại London”.
Về logic, nếu lấy danh hiệu làm thước đo cho thành công, thì quả thật chiến lược gia người Bồ có quyền vênh váo. Trong 8 năm mà Wenger trắng tay cùng Arsenal, Mourinho đã giành tới 11 danh hiệu cùng 3 CLB khác nhau (Chelsea, Inter Milan, Real Madrid). Trong gần một thập kỷ qua, Arsenal luôn trải qua sự mong manh, dù họ luôn là đội bóng chơi đẹp nhất, cống hiến nhất. Trái lại, triết lý của Mourinho là chiến thắng bằng mọi giá, và hiệu quả được đặt lên đầu tiên.
Nhưng rõ ràng thành công trong bóng đá không chỉ gói gọn ở số lượng chiếc cúp trong phòng truyền thống của mỗi CLB. Khi mỉa mai Wenger, có bao giờ Mourinho đặt câu hỏi rằng tại sao một HLV đã trải qua gần 9 năm không danh hiệu vẫn được coi như một tượng đài ở Arsenal? Tới bất cứ đâu, việc đầu tiên của Mourinho là thâu tóm quyền lực trong phòng thay đồ cũng như ban lãnh đạo CLB để củng cố chiếc ghế của mình. Wenger không cần chiêu trò để chiếm lòng tin từ phía các CĐV và ban lãnh đạo bởi đơn giản, ông không chỉ là một người làm thuê.
2. Wenger không có khả năng ứng biến cao như Mourinho, nhưng hệ thống triết lý của ông là cả một cuộc cách mạng. Từ khi thay thế George Graham ở sân Highbury năm 1996, Wenger đã có những bước đi làm thay đổi Arsenal nói riêng và bóng đá Anh nói chung.
Wenger là người đầu tiên đưa dinh dưỡng vào thể thao, với sự ví von rằng “Thức ăn cũng như… dầu máy. Nếu bạn tra dầu không đúng chỗ, chiếc xe của bạn sẽ không thể nào chạy nhanh được”. Ông đã đưa cá hấp, mì, và rau vào thực đơn của các cầu thủ, và cách làm này được nhân rộng cho nhiều đội bóng ở Anh. Hai năm một lần, Wenger lại bắt các học trò kiểm tra tâm lý, để đưa ra cách thức giải quyết. Trên sân tập, Wenger không hướng dẫn học trò theo mô phạm thông thường mà khuyến khích sự tìm tòi. Rất nhiều người đã hồi sinh nhờ Wenger, như Tony Adams - một kẻ nghiện rượu, Thierry Henry - sau khoảng thời gian tồi tệ trên đất Italy, và cả van Persie - một gã trai ngông nghênh. Với liệu pháp tâm lý, Wenger đã khiến các cầu thủ hiểu sâu sắc giá trị của việc chơi bóng.
Wenger còn là một trong những người tiên phong trong việc khai thác tối đa năng lực những cầu thủ ngoại, điều mà người Anh, với sự bảo thủ vốn có, cho rằng không thể. Vieira, Henry, Bergkamp,… là những minh chứng. Cũng chính Arsenal là đội đầu tiên xây dựng được hệ thống đào tạo và tìm kiếm tài năng trẻ một cách quy củ
3. Mourinho đã hả hê khi khoe rằng Chelsea đã sinh lời 23 triệu bảng ở kỳ chuyển nhượng mùa đông. Ông muốn thể hiện sự khôn ngoan trong việc đáp ứng luật công bằng tài chính. Song nên nhớ, đó là phương châm mà Wenger đã áp dụng từ hơn 10 năm trước. Nguyên tắc của Wenger là không chi tiêu vượt quá những gì bạn kiếm và đó là một tư tưởng đi trước thời đại.
Và cho dù đã trải qua 8 năm không danh hiệu, cần phải nhớ rằng Arsenal đã dự Champions League suốt từ mùa giải 1997-98 đến nay, và đều vượt qua vòng bảng, kể từ mùa giải 2000-01 đến nay. Đó là một sự ổn định đáng kinh ngạc. Chính nền tảng cực kỳ vững chắc ấy khiến cho các ông chủ của Arsenal không bao giờ nghi ngờ năng lực của Wenger và không dễ để tìm kiếm một người thay thế ông.
Vậy thì Wenger có phải một chuyên gia thất bại?
Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa