Góc nhìn 365: Một ngày 10/10 đặc biệt
(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội đang chuẩn bị đón ngày 10/10 của năm 2021.
Thực tế, từ hàng chục năm qua, thời điểm này vẫn mặc định được coi là ngày cả nước hướng về Hà Nội và vì Hà Nội, khi nó gắn với một trong những cột mốc đẹp nhất của lịch sử thành phố: Ngày giải phóng Thủ đô năm 1954. Và, trong dịp đặc biệt ấy, văn hóa, truyền thống, mỹ tục và những gì ưu tú nhất của Hà Nội cũng thường xuyên được nhắc tới và nhìn nhận, bên cạnh những chuỗi hoạt động văn hóa đặc biệt.
Nhưng ngày 10/10 năm nay hơi khác. Chúng ta đón nó trong bối cảnh Hà Nội vừa trải qua một giai đoạn khá căng thẳng trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.
Làn sóng thứ tư của đợt dịch ấy đã kéo dài vài tháng. Và theo cách nói vui của nhiều người, Hà Nội một lần nữa lại trở thành “chiến trường lớn” trong cuộc chiến với bệnh dịch - như cách mà lịch sử đã nhiều lần chọn Hà Nội là chiến trường bởi vị trí quan trọng về văn hóa, xã hội và địa chính trị của thành phố này.
Trong cuộc chiến đặc biệt ấy, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, y bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyên viên...đã bước lên “tuyến đầu” để thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ, cũng như vận hành nhuần nhuyễn hệ thống phòng chống dịch với quy mô cực lớn bất kể ngày đêm, trong mọi điều kiện thời tiết. Và, điểm tựa vững chắc cho họ chính là sự quyết tâm chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở cũng như của hàng triệu người dân Thủ đô.
Để rồi bây giờ, khi dịch bệnh đã từng bước bị đẩy lùi, chúng ta đang đứng trước một ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô với màu sắc tươi vui hơn rất nhiều so với không khí u ám của vài tháng trước.
***
Sẽ rất dễ để dùng những mỹ từ ca ngợi trách nhiệm, sự dũng cảm, đức hy sinh... của cộng đồng tại Hà Nội trong những ngày vất vả vừa qua. Nhưng ở đây, người viết muốn nhìn thêm một câu chuyện khác: Dòng chảy văn hóa của Hà Nội.
Dòng chảy ấy vẫn được nối dài ngay cả khi thành phố phải giãn cách vì dịch bệnh.
Đó là hàng chục cuộc triển lãm, trưng bày và cả biểu diễn nghệ thuật được tổ chức theo hình thức trực tuyến, là những cuộc vận động sáng tác lấy chủ đề về cuộc chiến chống Covid-19, cũng như về mọi khía cạnh văn hóa của Hà Nội. Ở đó, mỗi công dân bình thường của thành phố đều có thể là khán giả, và cũng đều có thể tự đặt mình vào vị trí người sáng tác để sẻ chia tình cảm với Hà Nội tới cộng đồng.
Đó là những cuộc chuẩn bị công phu và kiên nhẫn trong bối cảnh bệnh dịch, để những sản phẩm nghệ thuật có chất lượng cao nhất sẽ sớm xuất hiện trước người dân Thủ đô trong thời gian tới. Đơn cử, trong những ngày qua, hàng loạt vở diễn đang được gấp rút tập luyện trên sàn diễn của các Nhà hát tại Hà Nội – mà đáng chú ý nhất là dự án dựng lại “Chén thuốc độc”, vở kịch nói đầu tiên trong lịch sử sân khấu Việt Nam của 100 năm trước.
Và tất nhiên, cũng không thể bỏ qua Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14 - 2021, giải thưởng thường niên của báo Thể thao & Văn hoá (TTXVN). Dự kiến diễn ra trong tuần tới, đó là cơ hội để cộng đồng tôn vinh những việc làm, ý tưởng, tác phẩm hay những con người đã đóng góp cho thành phố trong năm qua, với nhiệt huyết, năng lực sáng tạo và tình yêu Hà Nội thuần khiết của mình.
Những ngày cuối của cuộc chiến giằng dai với đại dịch Covid-19 có thể khiến chúng ta không được đón một ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô như cách mà nó diễn ra những năm trước. Nhưng, hãy nhìn vào dòng chảy văn hóa của Hà Nội, để thêm hi vọng khi nghĩ tới một thực tế: Văn hóa sẽ luôn là động lực để phát triển cho mỗi thành phố.
Trí Uẩn