Góc nhìn 365: "Gạch nối" lịch sử mang tên Phạm Thận Duật
Một sự kiện đáng chú ý trong đời sống sử học vừa diễn ra cuối tuần trước tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội): Lễ trao giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 24 và cũng là dịp kỷ niệm 139 năm ngày mất của danh nhân này (29/11/1885 - 2024).
Có rất nhiều câu chuyện để kể về cuộc đời ông - cũng như giải thưởng sử học mang tên ông đã tồn tại 24 năm qua.
Các tư liệu để lại cho thấy: Phạm Thận Duật (1825 - 1885) là một đại thần triều Nguyễn, từng giữ nhiều vai trò quan trọng thời vua Tự Đức trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thủy lợi, quốc phòng. Khi Pháp chiếm kinh thành Huế, ông là người thuộc phái chủ chiến, từng tham gia phò vua Hàm Nghi và soạn chiếu Cần Vương. Sau khi bị người Pháp bắt khi ra Bắc chiêu tập nghĩa sĩ, Phạm Thận Duật mất giữa trên đường đi đày tới đảo Tahiti.
Đáng nói, từng giữ chức Phó tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn, danh nhân này cũng là một nhà sử học lớn, được giao trọng trách tổng duyệt bộ quốc sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục và chỉnh sửa một phần trong bộ Đại Nam thực lục.
Như lời nhà sử học Dương Trung Quốc, với ông và các đồng nghiệp, Phạm Thận Duật có thể được coi là "một đồng nghiệp sử học tiền bối, làm vẻ vang giới sử học trước những thử thách của đất nước và dân tộc".
Bởi thế, vào năm 2000, khi được cố kĩ sư Phạm Đình Nhân (hậu duệ 5 đời của Phạm Thận Duật) đề xuất ý tưởng và đóng góp nguồn lực vật chất, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã rất nhiệt tình cùng tham gia lập Quỹ Giải thưởng Sử học mang tên danh nhân này. Để rồi, trong suốt 24 năm qua - nghĩa là gần 1/4 thế kỷ - đây là một trong số hiếm hoi những giải thưởng sử học thường niên tại Việt Nam.
Dành cho các luận án tiến sĩ sử học, giải thưởng này có những quy định khá chặt chẽ - khi các luận án được xét trao giải phải được các hội đồng cấp Nhà nước đánh giá xuất sắc. Đồng thời, các thành viên Hội đồng xét giải - bao gồm những tên tuổi lớn trong giới sử học - đều tham gia thẩm định, xếp hạng các luận án. Để rồi, với 6 giải thưởng được trao trong năm 2024 này (gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì và một giải Ba), tổng cộng đã có 131 tiến sĩ được trao giải trong 24 năm qua.
Như nhận định của PGS-TS Trần Đức Cường (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), đây không chỉ là giải thưởng đầu tiên và chính thức của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam mà còn là giải uy tín và danh giá do tính chất nghiêm cẩn của việc xét giải. Thực tế, nhiều luận án sau khi nhận giải đã được xuất bản và được đánh giá cao về giá trị phục vụ yêu cầu phát triển sử học Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Ở một góc độ khác, trong vài năm gần đây, một số nghiên cứu khoa học chuyên sâu cũng đã làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề về cuộc đời và những đóng góp của Phạm Thận Duật - người mà theo GS Vũ Minh Giang (Chủ tịch Hội đồng xét thưởng của giải) hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh ở vị thế của một danh nhân văn hóa lớn tại Việt Nam. Cũng rất thú vị, theo GS Giang, danh nhân này còn là một trong những nhà sử học - liệt sĩ mà hậu thế cần ghi nhận.
Để rồi, trong lễ trao giải thưởng mang tên ông vừa qua, bà Trịnh Thị Liên (Phó chủ tịch Quỹ, phu nhân của cố kĩ sư Phạm Đình Nhân) chia sẻ một tin vui khác: Đón năm 2025 tới, tỉnh Ninh Bình (quê hương Phạm Thận Duật) vừa ban hành một văn bản thông qua chủ trương thực thi nhiều hoạt động trong lĩnh vực văn hóa giáo dục nhân kỉ niệm 200 năm sinh và 140 năm ngày mất của ông, trong đó dự kiến có những cuộc thi lịch sử, triển lãm hay hội thảo quốc tế về Phạm Thận Duật.
Như thế, trong gần 1/4 thế kỷ vừa qua, như lời các chuyên gia, giải thưởng sử học Phạm Thận Duật đã trở thành một gạch nối lịch sử thật đẹp giữa hiện tại với quá khứ bi hùng của triều đại phong kiến cuối cùng tại Việt Nam.