Góc nhìn 365: Di sản từ... đáy biển
Từ cuộc trưng bày chuyên đề “Tinh hoa di sản từ những con tàu cổ” vừa diễn ra tại Quảng Ngãi, hình ảnh về hàng trăm cổ vật quý hiếm được vớt từ đáy biển đã liên tục được chia sẻ trên không gian mạng trong những ngày cuối tuần qua.
Đây không phải là lần đầu tiên, người xem được tiếp cận những cổ vật vớt từ đại dương. Nhiều cuộc trưng bày tương tự đã được tổ chức - điển hình là các triển lãm “Báu vật dưới đáy đại dương” tại Hà Nội năm 2019 hoặc “Gốm sứ theo những con tàu khai quật ở biển Việt Nam” tại Đà Nẵng năm 2020.
Dù vậy, mỗi lần xuất hiện, những cổ vật ấy vẫn luôn khiến cộng đồng tò mò và háo hức...
Bởi, bên cạnh giá trị tự thân của những món cổ vật, câu chuyện đi kèm với chúng luôn đầy ắp sự ly kỳ, khi gắn những con tàu đắm tại vùng biển Việt Nam hàng trăm năm trước.
Những con tàu đó đều là thương thuyền quốc tế, chạy dọc trục đường biển Việt Nam khu vực Nam Trung Bộ trở xuống - vốn là tuyến hàng hải giao thông Đông - Tây nhộn nhịp trong quá khứ. Do đặc thù dùng buồm gió khi đó, các đội thương thuyền này (có thể lên tới vài chục hoặc cả trăm tàu cho mỗi chuyến) thường giữ cự ly gần bờ biển để thuận tiện cho định hướng, cũng như tiếp vận. Để rồi, khi bị đánh chìm bởi gặp bão, hỏa hoạn hoặc hải tặc, rất nhiều tàu hàng trong số đó nằm dọc bờ biển Việt Nam, với những món hàng hóa về gốm, sứ, đồ mỹ nghệ... mang theo chúng.
Tính từ đợt khai quật con tàu đắm đầu tiên tại Hòn Cau (Vũng Tàu) năm 1990, Việt Nam đã có hơn 30 năm khám phá kho tàng cổ vật mà tuyến giao thương cực thịnh khi xưa mang lại. 9 con tàu đắm đã lần lượt được trục vớt, với hàng trăm ngàn cổ vật mang niên đại từ thế kỷ 13 - 18 được thu về. Và như khẳng định của giới nghiên cứu quốc tế, đó chỉ là một tỉ lệ rất nhỏ, so với tiềm năng về những điểm có dấu hiệu tồn tại tàu đắm dọc miền Trung...
***
Sự háo hức của người xem trước những cổ vật từ đáy đại dương vừa qua cho thấy: Chúng ta đang có tiềm năng rất lớn để hình thành một hệ thống những bảo tàng chuyên đề về di sản biển. Ở đó, ngoài cổ vật, mọi hiện vật khác, cũng như những tư liệu về lý lịch, hải trình của những con tàu đắm - thậm chí là những xác tàu được bảo tồn hay phục dựng toàn bộ - đều có thể là nguồn tài nguyên đặc biệt cho du lịch và nghiên cứu khoa học.
Nhưng để làm được điều đó, câu chuyện lại phụ thuộc vào nguồn đầu tư về cơ sở vật chất - và quan trọng hơn, một đội ngũ chuyên gia đủ mạnh để có thể chủ động khảo sát, trục vớt và bảo tồn những con tàu đắm trong tương lai.
- Trưng bày 'Tinh hoa Di sản từ những con tàu cổ' - bảo vật Quốc gia
- Tàu cổ Bình Châu - một công trình gỗ lớn và quý hiếm
- Bộ VH,TT&DL cấp phép khai quật tàu cổ Dung Quất
Cần nhắc lại: Hầu hết các cuộc khai quật tàu cổ trong 30 năm qua đều được thực hiện bởi sự phối hợp với các nhà đầu tư (đa phần là nước ngoài) - theo đó phía Việt Nam chỉ được hưởng từ 30 - 33% lượng cổ vật thu về. Rồi, cũng vì thiếu trình độ, kỹ thuật và kinh phí, ý tưởng bảo tồn, khôi phục các xác tàu đắm từng trục vớt cũng chưa thành hiện thực.
Và, trong khi phòng khảo cổ dưới nước của Viện Khảo cổ học Việt Nam chỉ mới ra đời cách đây 9 năm, thì hầu hết các nước có biển đã phát triển rất mạnh ở lĩnh vực này - tới mức, nhiều chuyên gia đã khẳng định rằng chúng ta đang đi chậm hơn khoảng... 50 năm so với các nước phát triển và khoảng... 20 năm so với khu vực.
Chỉ có sự quyết tâm, cộng cùng những cơ chế đặc biệt để thu hút nguồn lực của xã hội, mới có thể giúp những cổ vật dưới đáy biển của Việt Nam phát huy hết giá trị tiềm ẩn của chúng.
Trí Uẩn