Góc nhìn 365: An toàn để… học tập
(Thethaovanhoa.vn) - Năm học mới vừa bắt đầu được hơn tuần lễ, vậy mà có khá nhiều những bất cập liên quan đến an toàn học đường đã bộc lộ. Thôi thì đủ cả, từ cổng trường bị đổ, rồi tường rào cạnh trường bị sập, đến quạt trần treo trong lớp cũng… rơi tự do xuống đầu học sinh ngồi học. Xe đưa đón thì lặp lại câu chuyện học sinh bị bỏ quên trên xe, rất may là em học sinh này tự mở được cửa để vào lớp.
Những câu chuyện này xảy ra khiến cho các gia đình có con em trong độ tuổi đến trường hết sức lo lắng.
Cái thời chúng tôi còn cắp sách đến trường, tôi nhớ tai nạn học đường hay xảy ra nhất là những dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Khi ấy việc sản xuất pháo vẫn chưa bị cấm, nhiều cậu con trai nghịch ngợm hay làm sẵn pháo ở nhà, đến lớp nhét vào ngăn bàn rồi châm ngòi. Pháo nổ làm những người xung quanh bị bỏng hoặc rách quần áo. Nhiều trường hợp ném pháo vào các bạn gái gây thương tích bỏng. Thậm chí có bạn còn bị cháy xém cả mái tóc dài… Cũng có một vài trường hợp tai nạn do đùa nghịch trong giờ ra chơi, do bàn ghế gãy hoặc do đá bóng dưới lòng đường bị xe cộ va phải…
Đã bước sang năm thứ 20 của thế kỷ 21, cứ tưởng rằng chuyện tai nạn học đường sẽ thuyên giảm. Ai dè nó chuyển sang những dạng khác so với trước đây. Chúng ta lo lắng về an toàn giao thông, bố trí xe đưa đón nhưng lại bỏ quên các em trên xe. Chúng ta đóng tiền cho con em ăn bán trú nhưng vấn đề kiểm soát thực phẩm được thực hiện ra sao để các em phải nhập viện vì ngộ độc thức ăn? Trong các khoản phải thu đầu năm học, hầu như trường nào cũng có khoản đóng góp xây dựng trường. Phụ huynh một số nơi còn vận động ủng hộ lắp điều hòa mới, quạt mới…, vậy mà...
Nhìn hình ảnh chụp tại Trường Tiểu học Nghĩa Hưng (Bắc Giang): Khi trời vừa tạnh mưa, giáo viên đã yêu cầu học sinh ra dọn dẹp khu vực mái sảnh tầng 2 đầy rong rêu, dễ trơn trượt và không có rào bảo vệ, bệnh “nghề nghiệp” trong tôi lại trỗi dậy. Ngay đến một công ty vệ sinh chuyên nghiệp như chỗ tôi đang làm việc cũng không bao giờ cho phép nhân viên ra làm vệ sinh tại các vị trí như vậy trong tình trạng trên người không có dây thắt lưng an toàn, không có đồ dùng chuyên dụng... Bức ảnh này cũng nói lên một điều rằng, ngay đến cả một số người thầy, người cô ở ngôi trường này cũng thiếu những kỹ năng cơ bản về an toàn lao động, vậy thì làm sao có thể hướng dẫn đầy đủ được cho các em cách phòng tránh những rủi ro tai nạn?
Vẫn biết rằng là chúng ta cũng không thể đòi hỏi trường học nào cho các em cũng phải long lanh, lung linh như các tòa nhà văn phòng hay là những tổ hợp cao ốc. Nhưng trong khi những nơi làm việc của người lớn luôn được đảm bảo về cơ sở vật chất, đảm bảo trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh sạch sẽ các khu nhà vệ sinh… Vậy tại sao trường học cho các em không làm được như thế?
- Gần 23 triệu học sinh cả nước khai giảng năm học mới 2020-2021
- Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân dịp khai giảng năm học mới 2020-2021
Tiêu chí an toàn cũng cần phải rõ ràng chứ không được chung chung. Tôi ví dụ như là nhà vệ sinh cho các em, cho dù thiết bị vệ sinh không phải cao cấp nhưng phải đảm bảo có nước, sạch sẽ không có mùi hôi, sàn nhà vệ sinh luôn luôn được lau khô sau khi đã làm sạch. Nhiều lần đón con ở trường, tôi ghé qua khu toilet của các cháu, hầu hết là có nước đọng, sàn ướt rất dễ xảy ra trượt chân ngã, cực kỳ nguy hiểm…
Thêm nữa là cần phải cụ thế ai là người chịu trách nhiệm khi xảy ra tai nạn học đường? Nhà trường hay là chính quyền địa phương? An toàn học đường phải được kiểm tra trước và cả trong năm học theo thời gian định kỳ chứ không phải qua loa khi sắp đến ngày khai giảng. Đừng giống như dịp cuối năm học trước, sau khi xảy ra các vụ cây đổ tại sân trường, nhiều trường mới tiến hành thanh kiểm tra.
Làm tốt được những điều ấy đi đã rồi hãy bàn tới chuyện cho các em học cái gì. Trong lao động chúng ta có khẩu hiệu "An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn". Trong nhà trường càng phải như vậy. Không an toàn thì làm sao các em có thể học tập tốt được?
XUÂN AN