(Thethaovanhoa.vn) - 1. Lệ thường, đầu tháng 7, kỳ thi tuyển sinh đại học bắt đầu, Thủ đô và các thành phố lớn lại đón triệu người đổ về, tay xách nách mang.
Không khí khoa cử thì vẫn vậy. Hàng vạn con người lần đầu đặt chân về kinh kỳ để chạm vào giấc mơ đại học với tất cả sự lo lắng, háo hức lẫn niềm tự hào ngấm ngầm về tương lai được nở mặt nở mày với đời.
Về thành phố có muôn vạn nỗi lo: lo ăn, lo học, lo chỗ trọ và cả lo đi… cầu cúng. Văn Miếu Quốc Tử Giám lại chật cứng người, khi cụ rùa trong Văn Miếu được canh giữ nghiêm cẩn thì các sĩ tử lại sờ cái khác: gác chuông, đầu rồng… miễn là được sờ lấy may. Người có điều kiện hơn thì mua sớ “cầu đỗ trạng”.
Cả thời gian và không gian như dồn lại. Với kẻ trong cuộc, nó nén lại 12 năm đằng đẵng trên ghế nhà trường. (Cũng có khi là 13, 14 năm với những sĩ tử đã lỡ “trượt vỏ chuối” kỳ thi năm trước và phải lụy hai, ba lần đò để qua cầu Kiều).
Trường thi còn là sự dồn nén tâm trạng của hàng chục triệu con người liên can, từ bố mẹ, họ hàng, dòng tộc đều mong người thân đỗ đạt. Ngày thi, ở thành phố, đâu đâu cũng bắt gặp những gương mặt thất thần, những ánh mắt đầy vẻ hy vọng của mẹ cha đồng hành cùng con trong ngày trọng sự.
Cuộc thi bắt đầu, những khuôn mặt sĩ tử đầy căng thẳng. Những ánh nhìn đầy lo lắng của phụ huynh dán vào cánh cổng trường khép chặt.
2. Cảnh tượng lại chẳng khác những cảm thán của cụ Ngô Tất Tố khi viết Lều chõng: “Ngày nay nghe đến hai từ "lều chõng", có lẽ nhiều người sẽ lấy làm lạ vì những từ ấy từ biệt chúng ta mà đi tới chỗ mất tích đã gần ba chục năm nay. Nhưng mà trước hơn hai chục năm đi ngược trở lên, cho đến hơn một nghìn năm, "lều" "chõng" đã làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ mà người ta tán khoe là bốn nghìn năm văn hiến.
Những ông ngồi trong miếu đường làm rường cột cho Nhà nước, những ông ở nơi tuyền thạch, làm khuôn mẫu cho đạo đức phong hóa, đều ở trong đám "lều chõng" mà ra…
Với chúng, nước Việt Nam trong một thời kỳ rất dài kinh qua nhiều cảnh tượng kỳ quái, khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rụng rời hồn vía”.
3. Cứ nhìn cảnh thi cử, thì thấy trong xã hội người ta vẫn đang coi con đường vào đại học là con đường duy nhất…tiến thân. Lại nhớ câu “Học là học có nghề có nghiệp” trong Bài ca cổ động thực học của trường Đông Kinh nghĩa thục từ trăm năm trước.
Các sĩ phu cấp tiến đã mạnh dạn gạt bỏ con đường tiến thân duy nhất nhờ khoa cử, theo lối tầm chương trích cú để đoạt bảng vàng, thăng tiến trên hoạn lộ.
Những người Đông Kinh nghĩa thục đã nhìn ra một con đường giáo dục tiên tiến, hợp xu hướng thời đại mới, “Học là học có nghề có nghiệp”. Tiếc rằng, Đông Kinh nghĩa thục tồn tại chưa được… 1 năm. Và ngày nay, dù “thừa thầy, thiếu thợ”, nhưng không thể phủ nhận người ta vẫn chỉ lao vào con đường mong làm thầy, làm quan.
Năm nay, Bộ GD&ĐT cho biết, toàn quốc có hơn 2 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ là hơn 6 trăm nghìn. Dù có trừ đi một số thí sinh “ảo”, không nói thì ai cũng biết, sẽ có cả triệu sĩ tử phải gác bỏ giấc mơ đại học sau cuộc lều chõng vất vả hôm nay.
Biết vậy, nhưng ai cũng hy vọng. Trong xã hội này, đố ai tìm được mối lo nào cũ kỹ và cao vọng hơn mối lo thi đại học.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa