Góc Hồng Ngọc: U19 Việt Nam, thất bại để tránh ngộ nhận
-Hồng Ngọc: Cảm ơn bạn! Dù sao thì U19 Trung Quốc đã vượt qua vòng bảng, còn U19 Hàn Quốc thì bị loại. Nhưng có lẽ tôi đúng nếu nhìn vào màn trình diễn chung của họ tại vòng bảng, cũng như khi các đối thủ này đụng độ với U19 Việt Nam.
Anh lường trước việc bị loại, nhưng có lường trước được màn trình diễn của các cầu thủ U19 Việt Nam không?
- Cũng như hầu hết những ai yêu mến và theo dõi đội tuyển U19, tôi bị sốc với diễn biến và tỷ số hiệp 2 trận đấu với U19 Hàn Quốc. Còn lại thì các cầu thủ thể hiện đúng những gì chúng ta đã biết về họ, đội bóng đã khiến chúng ta yêu mến. Vì vậy, hãy vui vì các em đã thể hiện được mình, và thu thập thêm được những kinh nghiệm trong một sân chơi lớn, thay vì thất vọng bởi không thực hiện được giấc mơ.
Đội tuyển U19 của chúng ta còn thiếu gì, đẳng cấp hay kinh nghiệm để có thể vượt qua vòng bảng trước các đối thủ như trên?
-Với tôi là cả hai. Đội bóng của chúng ta có chất lượng là rõ ràng, nhưng đẳng cấp thì còn thiếu. Đẳng cấp là ta chơi bóng theo cách của mình trước mọi đối thủ, với sự vững vàng, tự tin và hiệu quả. Chúng ta vỡ trận ở hiệp 2 trước U19 Hàn Quốc, bao gồm cả đánh mất lối chơi và hoảng loạn tinh thần.
Trước U19 Nhật Bản, lối chơi của chúng ta triển khai được còn hạn chế. Lối chơi và sự tự tin chỉ thể hiện được tốt nhất trước đối thủ có trình độ kỹ thuật kém nhất trong bảng là U19 Trung Quốc, nhưng đội bóng của chúng ta còn thiếu sự vững vàng trong phòng thủ, và thiếu chút lạnh lùng trong việc kết thúc các pha tấn công.
Về kinh nghiệm, sự thua kém là điều rõ ràng. Chúng ta để thua ở những thời điểm quan trọng nhất. Thua bàn mở tỷ số ở phút cuối hiệp 1 trước U19 Hàn Quốc, thua 2 bàn ở những phút bù giờ trước U19 Nhật Bản, và để gỡ hòa trong những phút cuối cùng trước U19 Trung Quốc. Đó không chỉ là vấn đề thể lực, mà còn là vấn đề tập trung.
Tập trung là trạng thái mà các cầu thủ thường chỉ được rèn luyện trong thực tiễn thi đấu ở những trận đấu chính thức và quan trọng. Các cầu thủ của chúng ta từ lò HAGL Arsenal JMG đều tập chay, chỉ “xuống núi” trong 1 năm qua, với 2 giải đấu chính thức ngắn ngày là vòng loại U19 châu Á và giải U19 Đông Nam Á. Không có giải đấu quốc nội nào, chỉ có các trận đấu tập huấn, các giải đấu giao hữu.
Tất nhiên, đội bóng này đã được ưu ái đặc biệt nên đã có những giải đấu giao hữu chất lượng để họ học hỏi, nhưng đó không thể là tiến trình bình thường cho sự phát triển của các đội trẻ ở mọi cấp độ để họ tích lũy kinh nghiệm mà không đòi hỏi chi phí quá lớn.
Đây là vấn đề của mô hình đào tạo Arsenal, khi các cầu thủ thiếu thực tiễn thi đấu cho đến tận khi ra lò. Và cũng là vấn đề trầm trọng của bóng đá trẻ Việt Nam, mỗi năm chỉ có vài trận vòng loại, và vượt qua vòng loại thì có vài trận dự vòng chung kết giải trẻ toàn quốc.
Kinh nghiệm hạn chế nhất của đội bóng này là khả năng thích nghi, điều chỉnh nhịp độ trận đấu, và tổ chức, thực hiện việc phòng ngự. Họ chơi nhanh rất tốt, nhưng khi đối thủ không cho họ chơi nhanh thì họ không chơi chậm lại được. Họ tấn công rất tốt, nhưng khi đối thủ không cho họ có bóng thì họ còn thiếu kỹ năng giành lại bóng để liên tục tấn công. Họ biết cách lao lên gây sức ép, nhưng còn hạn chế trong việc lùi lại khi cần trong những pha rủi ro mà việc lao lên là 5 ăn 5 thua. Họ biết truy cản đối phương đúng luật, nhưng còn chưa biết truy cản đối phương tuy có thể trái phép nhưng có thể không bị trọng tài thổi phạt, cũng như có thể bị phạt nhưng cần thiết.
Bầu Đức quan niệm rằng đội bóng này phải chơi đẹp. Đá láo, cãi trọng tài là ông đuổi thẳng cổ khỏi Học viện? Hình như anh không ủng hộ bầu Đức rồi?
-Tôi ủng hộ việc chơi đẹp. Nhưng cũng ủng hộ chiến thắng. Chiến thắng của đội bóng chơi đẹp là sự tôn vinh cho lối chơi đẹp, và thúc đẩy các đội khác cũng chơi đẹp. Vì thế chơi đẹp mà chiến thắng có giá trị lớn hơn rất nhiều so với chơi đẹp để nhận thất bại.
Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng toàn cái đẹp cả, đặc biệt khi ta phải đối phó với cái xấu, vì như thế có thể tiếp tay cho cái xấu. Trận đấu là cuộc chơi để giành phần thắng, nên đừng nói chuyện đạo đức về việc nhường phần thắng cho đối phương. Đạo đức ở đây là việc tôn trọng thân thể cầu thủ đối phương (có thể phạm lỗi nhưng tránh gây chấn thương), và tôn trọng nhân phẩm của họ.
Việc cãi trọng tài là một khái niệm mơ hồ. Quan trọng là thái độ, chứ không phải ở việc tranh luận. Trên sân cỏ không có ai bảo vệ bạn ngoài chính bạn, đội trưởng, và trọng tài. Nhưng cũng có khi trọng tài không làm tốt phần việc của họ, cầu thủ tuy không được chống đối nhưng cần phải có ý kiến để tránh nguy cơ bị chính trọng tài chèn ép.
Anh nhìn nhận tương lai của đội bóng này như thế nào? Và bóng đá Việt Nam nữa?
- Mô hình Arsenal không đào tạo ra một đội bóng hoàn chỉnh mà hướng tới đào tạo những cầu thủ giỏi. Nó luôn cần sự bổ sung cầu thủ từ bên ngoài để tạo nên một đội bóng thật sự. Nên đội bóng này cũng cần tăng cường những cầu thủ từ nơi khác.
Vấn đề là tăng cường cầu thủ từ đâu? Chờ đợi vào các lò đào tạo kém hơn thì không khác gì việc cầu nguyện, và thực tế là chúng ta đang phải cầu nguyện, vì toàn là lò đào tạo ở dưới tầm Học viện HA.GL Arsenal JMG. Chúng ta cần nhiều hơn những lò đào tạo tương tự, có thể là theo mô hình khác. Và để theo đuổi nó, cần những ông bầu thật sự tâm huyết với bóng đá, dám nghĩ khác, làm khác, và có hoài bão.
Nhưng lấy đầu vào từ đâu cho các lò đào tạo lại là vấn đề của bóng đá học đường. Và duy trì áp lực cho cầu thủ trẻ trong suốt quá trình đào tạo thì cần tổ chức đào tạo theo mô hình sinh hoạt câu lạc bộ.
Cuối cùng, bóng đá Việt Nam phải tổ chức lại hệ thống thi đấu bóng đá trẻ, cho cầu thủ được học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thi đấu từ sớm. Vì có những tình huống chỉ diễn ra khi thi đấu, và những phẩm chất chỉ được bộc lộ, rèn luyện qua thi đấu.