Góc Hồng Ngọc: Khi bóng đá Việt nằm trọn trong tay doanh nhân
(Thethaovanhoa) - Đa số các đội bóng dự V-League thuộc sở hữu doanh nghiệp, VPF được thành lập với thành phần chủ chốt là lãnh đạo doanh nghiệp để điều hành V-League, và giờ thì đến lượt lãnh đạo chủ chốt của VFF cũng là doanh nhân. Triển vọng thao túng của các doanh nghiệp với bóng đá Việt Nam là chủ đề của Cà phê thể thao tuần này với nhà báo Hồng Ngọc.
* Cà phê thể thao: Chào anh Hồng Ngọc! Khi chức danh Chủ tịch và Phó chủ tịch phụ trách tài chính mới của VFF đều rơi vào tay các doanh nhân thì bóng đá Việt Nam hầu như đã nằm trọn trong quyền điều hành của các doanh nhân. Anh có lo ngại nguy cơ bóng đá Việt Nam sẽ được chèo lái theo hướng hoàn toàn phục vụ cho các doanh nghiệp làm bóng đá?
Hồng Ngọc: Phát hiện thật thú vị! Có lẽ đây là lần đầu tiên bóng đá thế giới có một nền bóng đá gần như hoàn toàn nằm trong tay các doanh nhân. Họ sở hữu các đội bóng, nắm quyền điều hành giải đấu cao nhất, và giờ nắm thêm quyền làm chính sách, chiến lược cả nền bóng đá. Giờ thì chúng ta không còn gọi đây là quá trình xã hội hóa bóng đá nữa, mà là doanh nghiệp hóa bóng đá! Nguy cơ bạn nói rõ ràng là hiển hiện về nguyên tắc. Vì ai cũng theo đuổi lợi ích của cá nhân và của thành phần xã hội mà mình có trong đó.
Thế nên mới có khái niệm “nhóm lợi ích”. Khi một nhóm lợi ích quá mạnh, có vị thế áp đảo trong bộ máy quyền lực, họ có thể thao túng toàn bộ quá trình lập chính sách và ra quyết định. Hiển nhiên khi không có sự đối trọng xứng đáng, quá trình thảo luận để tìm ra phương án tốt cho lợi ích chung sẽ bị thu hẹp, và quan trọng hơn là quá trình ra quyết định sẽ không có ai ngăn cản họ theo đuổi một đường lối có lợi cho thành phần của mình.
* Có lưu truyền rằng thời bao cấp, những nhà quản lý thể thao từng “mắng” doanh nghiệp muốn nhảy vào lĩnh vực bóng đá rằng: Các anh thì biết quả bóng có bao nhiêu múi mà đòi làm bóng đá! Điều gì đã thay đổi khiến bóng đá Việt Nam đảo lộn vậy?
- Do thay đổi người nắm nguồn lực kinh tế thôi. Thời bao cấp, nguồn lực nằm chủ yếu trong tay công an, quân đội, hải quan và cảng biển, nên những đội bóng hàng đầu đều từ các thành phần đó. Giờ là nền kinh tế thị trường hóa, các lực lượng trên về nguyên tắc không trực tiếp nắm kinh tế nữa, mà chuyển sang doanh nghiệp.
Vì thế doanh nghiệp chiếm dần vai trò của chủ thể làm bóng đá. Nhưng có hai điểm giống nhau mà các nhà quản lý thể thao thời bao cấp không để ý. Thứ nhất, dù là thời đó hay thời bây giờ, thì những người nắm quyền điều hành các đội bóng đều không biết quả bóng có bao nhiêu múi (ngụ ý biết chuyên môn về bóng đá, chứ thú thật, tôi cũng không để ý quả bóng có bao nhiêu múi!).
Thứ hai, vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của điều trên, là bóng đá xứ ta đều không tự nuôi nổi bản thân mình, phải sống dựa vào một thực thể khác, trước đây là tổ chức nhà nước, giờ là doanh nghiệp rót tiền, trả lương cho mình. Bóng đá cũng như cuộc đời, khi ta không tự chủ được về kinh tế mà dựa vào kẻ khác, ta phải chấp nhận bị lệ thuộc thôi!
* Nếu phải làm phép so sánh thời bóng đá lệ thuộc Nhà nước và bóng đá lệ thuộc doanh nghiệp như bây giờ, theo anh điều nào tốt hơn?
- Tôi tin rằng về xu hướng, bóng đá lệ thuộc vào doanh nghiệp sẽ tốt hơn lệ thuộc vào Nhà nước. Nếu mỗi đội bóng đại diện cho một doanh nghiệp làm bóng đá, những trận đấu sẽ là một cách thể hiện sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Còn khi bóng đá lệ thuộc Nhà nước, thì Nhà nước chỉ có một, tuy có các sở khác nhau, và những trận đấu có thể biến thành việc “nội bộ” vì còn có “nhiệm vụ chính trị”.
Điều quan trọng hơn là khi bóng đá thuộc về doanh nghiệp, những người làm bóng đá sẽ được tiếp xúc với tiền và việc kiếm tiền, họ sẽ học hỏi được trong quá trình đó và nếu có thêm khát vọng tự chủ, sẽ có ngày họ xây dựng một đội bóng tự chủ, chứ không phải như những người làm bóng đá thời bao cấp sẽ hầu như chỉ tập trung vào những vấn đề đại loại như quả bóng có bao nhiêu múi, vì bóng đá thời đó không quan tâm đến việc tạo ra tiền, dù là chỉ tạo ra gián tiếp như bóng đá thời doanh nghiệp hiện nay.
Thế nhưng, sự tiến triển trong quá trình này còn phụ thuộc tâm thức của những doanh nhân đang làm bóng đá hiện tại. Nếu họ coi bóng đá đơn thuần như một thú chơi hoặc tô điểm cho doanh nghiệp, họ sẽ can thiệp trực tiếp vào đội bóng nhiều hơn và phục vụ các lợi ích ngắn hạn. Như thế, rất khó để những người làm bóng đá thuần túy có cơ hội được tiếp xúc và trưởng thành với việc kiếm tiền trong bóng đá.
Nếu họ thật sự muốn trợ giúp bóng đá Việt Nam phát triển, họ sẽ hướng tới việc xây dựng mô hình hoạt động tối ưu cho bóng đá, còn họ chỉ là nhà đầu tư và kiểm soát để bảo đảm tiền của mình đạt được mục tiêu phục vụ sự phát triển của đội bóng. Trên thực tế, rất ít đội bóng trên thế giới có lãi dù họ là những đội bóng chuyên nghiệp thật sự. Nhưng tiền của các nhà đầu tư giúp họ tồn tại và lớn mạnh, điển hình là Chelsea và Manchester City mới đây.
Nếu như Abramovich tương đối thao túng Chelsea, thì các ông chủ của Manchester City rất ít hiện diện trong hoạt động nghề nghiệp của đội bóng. Thậm chí Manchester City còn sao chép mô hình của Barcelona, và thuê luôn những nhân vật chủ chốt của Barca về làm giám đốc thể thao và đào tạo của đội bóng này.
Trong một mô hình khác, tỷ phú Perez khi làm Chủ tịch Real Madrid có lẽ cũng không biết quả bóng có mấy múi, nhưng đã đưa CLB này trở lại thời hoàng kim và giàu nhất thế giới bóng đá. Về thể thao, ông luôn có những cánh tay phải đắc lực giúp mình xây dựng đội bóng, trước đây là Valdano luôn được coi là quyền lực số 2 tại CLB trước khi có xung đột với Mourinho, giờ là Zidane đầy tài hoa và uy tín trong giới bóng đá.
* Anh có hy vọng tân Chủ tịch Lê Hùng Dũng và tân Phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức sẽ đi theo hướng tương tự?
Không có nhiều! Như tôi từng nhận xét, ông Lê Hùng Dũng là con người hành động, hơn là người vạch chiến lược và thể chế hóa hệ thống để theo đuổi chiến lược phát triển đó. Bầu Đức khi mới làm bóng đá cũng chính là người tạo ra tiền lệ “phí lót tay” cho các cầu thủ, giờ đã hủy hoại toàn bộ hệ thống chuyển nhượng. Bầu Đức cũng đẩy việc “đi sâu đi sát” đội bóng đến mức can thiệp vào đội hình, và cũng là người đi đầu trong việc tùy hứng móc tiền thưởng ngay trên sân sau một trận thắng.
Tất cả những cách thức đó về lâu dài đều phá hủy đội bóng, vì nó không xây dựng mà phá hủy các cơ cấu ổn định để phát triển bền vững. Trớ trêu thay, các cầu thủ, huấn luyện viên, và cả người hâm mộ của ta thích điều đó, coi đó là hào phóng, là quan tâm đến đội bóng, và đó là lý do càng làm hài lòng cầu thủ thì bóng đá Việt Nam càng tụt lùi trong những năm qua. Vì thế, tôi trông chờ những doanh nhân đầu tư và lãnh đạo bóng đá Việt Nam phải dẫn dắt nền bóng đá này ra khỏi nhận thức ngắn hạn đó thì mới phát triển được, chứ không phải chỉ bằng cách cho bóng đá tiền, càng không phải bằng cách biến bóng đá thành công cụ kiếm tiền cho doanh nghiệp của họ.
* Cảm ơn anh về cuộc trao đổi thú vị và chắc chắn đề tài này sẽ chưa dừng lại ở đây bởi... bóng mới chỉ vừa về chân của doanh nghiệp mà thôi.
Thể thao & Văn hóa cuối tuần