GÓC CHIẾN THUẬT: Vì sao Việt Nam thua Nhật Bản?
(Thethaovanhoa.vn) - Trước trận đấu chúng ta đã hi vọng có thể kiếm điểm trước Nhật Bản nhờ lợi thế sân nhà và trong bối cảnh các “Samurai xanh” đang có phong độ không tốt. Nhưng chúng ta không làm được.
LỊCH WORLD CUP 2022 - KẾT QUẢ - BXH
LỊCH WORLD CUP 2022 - KẾT QUẢ - BXH
- Lịch thi đấu và trực tiếp bóng đá Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022 châu Á
- Kết quả bóng đá vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á
- Bảng xếp hạng vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á
Có 2 lí do chính khiến tuyển Việt Nam thất bại dù tỷ số thua 0-1 có vẻ rất tích cực nhưng rõ ràng nó không phản ánh đầy đủ sự vượt trội của Nhật Bản ngay ở Mỹ Đình.
Chúng ta từng đối đầu Nhật Bản ở tứ kết Asian Cup 2019 và cũng thua sát nút 0-1. Trận thua năm ấy gây nhiều tiếc nuối khi chúng ta không cho Nhật Bản có nhiều cơ hội nguy hiểm thực sự và ở chiều ngược lại, chúng ta vẫn tạo ra được một số cơ hội để ghi bàn.
Nhưng đội Nhật Bản này của Moriyasu, trong trận đấu này với Việt Nam ở Mỹ Đình, chơi rất khác với đội Nhật Bản đã thắng chúng ta ở tứ kết Asian Cup 2019.
Khác biệt rõ rệt nhất là trong cuộc chiến phải giành 3 điểm bằng mọi giá này Nhật Bản chơi áp sát rất nhanh và rất triệt để. Họ áp sát ngay gần vòng cấm Việt Nam, áp sát ngay khi cầu thủ chúng ta nhận bóng, áp sát không rời các cầu thủ quan trọng nhất của chúng ta đã được họ nhận diện là Quang Hải, Hoảng Đức, Tiến Linh.
Lối chơi rất khó chịu này khiến chúng ta không thể tấn công hay phản công như ý muốn. Các cầu thủ chúng ta chuyền hỏng nhiều, mất bóng nhiều, các pha phối hợp lên bóng của chúng ta bị bẻ gãy từ khá sớm.
Trong số ít lần có bóng ở gần vòng cấm Nhật Bản thì cầu thủ chúng ta cũng phải dứt điểm vội vàng vị bị đối thủ bám sát, dẫn đến pha dứt điểm kém chính xác.
Trong khi không thể đe dọa khung thành đối phương đúng nghĩa, không tạo được các pha lên bóng nguy hiểm thực sự thì ông Park lại chọn cách tiếp cận mạo hiểm là cho tuyển Việt Nam chơi với hai tuyến phòng ngự và tiền vệ dâng cao trong khi cầu thủ chúng ta lại thua kém đối thủ về tốc độ thay vì chơi với hai tuyến sau lùi sâu để hạn chế khoảng trống và che lấp khiếm khuyết về tốc độ của các hậu vệ và tiền vệ Việt Nam.
Ông Park có vẻ muốn chơi ăn miếng trả miếng sòng phẳng với Nhật Bản hơn là đá đúng nghĩa như một đội “cửa dưới”, chịu trận và chấp nhận bỏ trung tuyến, để đối thủ gây sức ép rồi rình rập thời cơ phản công nhanh.
Nhưng đây là Nhật Bản, dù đang có phong độ không tốt thì họ vẫn là đội hàng đầu Châu Á với dàn cầu thủ giàu kinh nghiệm, có đẳng cấp cao hơn chúng ta, có tốc độ trên tầm chúng ta, có thể lực tốt hơn chúng ta.
Hệ quả của lối chơi dâng cao là chúng ta phải trả giá bằng bàn thua. Bàn thua của chúng ta bắt nguồn từ tình huống hàng tiền vệ và phòng ngự đều dâng cao trong khi lại thất bại trong tranh chấp bóng ở trung tuyến, dẫn đến việc Minamino có bóng và tăng tốc, khiến Duy Mạnh không thể theo kịp trước khi căng ngang quá thuận lợi cho Ito phá lưới Tấn Trường.
Việt Nam cũng may mắn không thua bàn thứ 2 do Tanaka việt vị nhưng cần phải nói tình huống Nhật Bản đưa bóng vào lưới chung ta lần thứ 2 đó bắt nguồn từ một pha phản công cực nhanh của họ khi cầu thủ chúng ta đã dâng lên quá nhiều và quá cao và một lần nữa bị đối thủ khai thác. Chúng ta chỉ thoát thua vì Tanaka việt vị khi chạm bóng sau cú sút quá hiểm hóc của Ito.
Có thể hiểu vì sao ông Park lại chọn kiểu tiếp cận rõ ràng là rất mạo hiểm này. Sau 4 trận thua liên tiếp, ông muốn làm gì đó khác đó, muốn đội tuyển có được điểm số đầu tiên, muốn mang đến cái gì đó tích cực hơn cho người hâm mộ khi chúng ta đá sân nhà, trước hơn một ván khản giả.
Nhưng cần nhắc lại, đây là Nhật Bản, không phải Thái Lan, Malaysia ở Đông Nam Á, hay thậm chí không phải UAE mà chúng ta từng thắng 1-0 ở Mỹ Đình, không phải Trung Quốc chúng ta từng thất bại đầy tiếc nuối cách đây chưa lâu.
HT