GÓC ANH NGỌC: U23 Việt Nam vào chung kết, và dự cảm 20 năm!
(Thethaovanhoa.vn) - Tôi không có mặt ở Việt Nam vào thời điểm người hâm mộ cả nước sôi lên vì hạnh phúc sau bàn thắng của Công Vinh vào lưới Thái Lan, đem đến cho chúng ta chức vô địch AFF Cup 2008. Nhưng tôi có mặt ở Hà Nội vào cái đêm mà chúng ta đánh bại Thái Lan 3-0 ở bán kết Tiger Cup 1998...
- Nhà báo Anh Ngọc: Nụ cười của Văn Thanh và niềm tin U23 Việt Nam
- Tập 2 ‘Tuyệt đỉnh song ca - Cặp đôi vàng’: Chị em 'đào hát' Thanh Ngọc – Ngân Quỳnh giành giải Ấn tượng
- Quả bóng vàng 2017: Nhà báo Anh Ngọc bầu cho những ai?
Đấy là một cảm giác tuyệt vời mà cho đến chết, chắc tôi không thể quên. Giải đấu diễn ra ở Hà Nội và trận đấu được đá ở sân Hàng Đẫy, cách nhà tôi vài bước chân. Thành phố bùng lên trong một cơn sốt chưa từng có sau một trận đấu mà chúng ta chơi nhanh như điện giật và hào hứng, mạnh mẽ, thậm chí có một cảm giác điên cuồng, để đánh bại một đối thủ đã luôn cản đường bóng đá Việt Nam trên đấu trường khu vực. Những cuộc đua xe đã diễn ra trong đêm đó, những lá cờ đã được phất lên mạnh mẽ, những con đường tràn ngập cờ hoa và những tiếng hò reo.
Tôi chưa từng được chứng kiến những đêm trắng vì bóng đá như thế ở nước mình, cũng chưa từng được sống như một người yêu bóng đá nội theo cách ấy. Những niềm vui chiến thắng của người hâm mộ trên thế giới, khi đội tuyển của họ vô địch World Cup hay EURO ta đã được xem trên truyền hình vào các mùa hè, đã khiến ta thèm khát được ăn mừng như họ khi đội tuyển nước mình làm nên một điều kỳ diệu nào đó trên những sân chơi lớn. Những năm ấy, một thế hệ vàng của chúng ta đã dệt nên nhiều giấc mơ, trong đó có những giấc mơ lớn như sau trận thắng Thái Lan năm 1998 ấy, mơ về một chức vô địch, cho một quốc gia điên cuồng về bóng đá như chúng ta.
Nhưng cái lưng của Sasi Kumar đã giết chết giấc mơ ấy. Trận thua Singapore 0-1 đã đẩy tất cả vào một cơn ác mộng nặng nề. Không có những cuộc đua xe hay diễu hành nào trên đường phố trong đêm chung kết ấy. Chỉ có một nỗi buồn vô tận bao trùm tất cả, khi những ánh sáng của giấc mơ tan biến như ảo ảnh, để lại phía nỗi thất vọng, và sau đó, bắt đầu những trách móc, chỉ trích, cả những tức giận, nghi ngờ, trong một hành trình tâm lý kéo dài nhiều tháng, nhiều năm sau đó. Kể cả khi một thế hệ vàng khác, thế hệ của Văn Quyến, tiếp nối, thì những nỗi đau từ trận thua ở Hàng Đẫy 1998 ấy vẫn dai dẳng, sau đó trở thành một nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với nhiều người hâm mộ, khi chính lứa ấy lại thất bại, và Quyến từ một thần tượng trở thành tội đồ, khi vụ dàn xếp tỉ số bị phanh phui.
10 năm sau Tiger Cup 1998, chiến thắng của đội tuyển ở AFF Cup lại thổi bùng lên một lần nữa tình yêu bóng đá của người hâm mộ, vốn đã bị thử thách và phản bội nhiều lần trong những năm trước đó. Những giấc mơ lại dược dệt lên, những khát vọng hồi sinh, những người hùng của đội tuyển trở thành những nhân vật được ngợi ca. Để rồi sau đó lại là một khoảng trống kinh khủng của thành tích, với những thất bại tiếp nối, những tranh cãi, những lần người hâm mộ cảm thấy bị phản bội.
Không có ở đâu mà người hâm mộ cuồng nhiệt nhưng cũng có những cảm giác bị lừa dối nhiều như ở ta. Không có ở đâu mà những chiến thắng dù chỉ là ở sân chơi rất nhỏ-giải đấu khu vực, ở lứa các U, chứ không phải ĐTQG, được ăn mừng rầm rộ như thế trong cả nước, nhưng cũng không có ở đâu mà cứ thua là người hâm mộ lại đặt câu hỏi có chuyện gì đằng sau thất bại ấy, và từ lâu đã có câu cửa miệng “đá như bán độ”.
Một điều có thể nhận ra sau hành trình tuyệt diệu của U23 Việt Nam chính là bóng đá Việt Nam không thiếu những cầu thủ tài năng, không thiếu những thế hệ tài năng, và thậm chí không thua kém những đối thủ lớn trong khu vực. Nhưng họ luôn dừng bước trước những trận đấu lớn, thường là ở bán kết, đơn giản bởi thiếu những người thầy như ông Park Hang Seo, và điều quan trọng, không ít cầu thủ không đá hết mình vì màu cờ sắc áo, vì bị chi phối bởi những thế lực nào đó muốn điều khiển tỷ số.
20 năm sau, lứa vàng U23 bây giờ tạo cho người hâm mộ những cảm giác rất khác, tin tưởng hơn nhiều, sung sướng và hạnh phúc hơn nhiều. Cái cách mà họ chiến đấu và chiến thắng, đặc biệt là chiến thắng trong hai loạt luân lưu chỉ cách nhau vài ngày đã khiến họ trở thành những người hùng thực sự, là biểu tượng của lòng quả cảm, bền bỉ, không sợ hãi. Một cuộc lột xác thực sự, bởi không ít người trong số họ đã có mặt trong đội hình U22 và thua Thái Lan 0-3 ở Malaysia cách đây 5 tháng.
Khi trận chung kết đã đến rất gần, những hình ảnh của 20 năm trước lại ùa về, nhưng không còn ám ảnh như trước, không còn là một dự cảm buồn cho thế hệ những ai đã từng sống qua ngày đó. Đơn giản, bởi người ta không còn nghĩ đến cái đêm Hàng Đẫy ấy nữa, khi sự kỳ vọng đã lên đến đỉnh điểm bởi Singapore được đánh giá thấp hơn chúng ta. Nỗi ám ảnh sẽ không còn, kể cả khi các chàng trai U23 Việt Nam không vượt qua được U23 Uzbekistan, đối thủ rất mạnh của họ, trong trận chung kết này. Họ đã cho chúng ta sống trong hai tuần tuyệt đẹp của bóng đá, của những giấc mơ, những kết nối giữa người với người, làm bùng cháy tinh thần dân tộc và tình yêu Tổ quốc. Người ta yêu các cầu thủ U23 ấy, bởi họ được truyền cảm hứng sống và sự hy vọng.
Hy vọng vào một tương lai tươi sáng của bóng đá, thứ bóng đá của tuổi trẻ, của sự bền bỉ, dũng cảm, của nhiệt huyết, và của sự trong sạch.
Anh Ngọc