Giao lưu văn hóa Việt - Nga (kỳ 5 & hết): Khơi sâu dòng chảy chưa bao giờ vơi cạn
(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn lại tiến trình giao lưu văn hóa, văn học giữa Việt Nam và nước Nga trong lịch sử, tuy có thăng trầm nhưng mối liên hệ chưa bao giờ đứt đoạn. Nga vẫn là quốc gia duy nhất có tác phẩm văn học được giảng dạy trực tiếp tại trường phổ thông Việt Nam tại 3 cấp học...
Trước khi Liên Xô tan rã, văn học Nga từng có ảnh hưởng hết sức sâu rộng đối với Việt Nam. Đặc biệt trong thời chiến, sự lên ngôi của văn học Nga Xô Viết ở Việt Nam có tác động không nhỏ đến tinh thần, giá trị sống của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam.
- Giao lưu văn hóa Việt – Nga (kỳ 3): Những học giả bắc nhịp cầu văn hóa
- Giao lưu văn hóa Việt – Nga (kỳ 2): Một 'dòng chảy Nga' trong văn học Việt
- Giao lưu văn hóa Việt - Nga (kỳ 1): Một 'biên niên sử' đặc biệt
Nhân vật Pavel Korchagin trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Ostrovsky là hình mẫu cao đẹp cho lối sống cống hiến hết mình, đã trở thành hình mẫu lý tưởng để tuổi trẻ Việt Nam sẵn sàng cống hiến tuổi xuân cho đất nước.
Sau này, trong bối cảnh lịch sử văn hóa mới, nếu những tác phẩm văn học đậm tính thời sự trong thời đại Xô Viết không còn hấp dẫn thế hệ trẻ, nhất là những người chưa từng trải qua chiến tranh thì những kiệt tác như: “Chiến tranh và hòa bình” của Tolstoi, thơ của A. Pushkin, A.Blok, S.Esenin… vẫn được yêu thích tại Việt Nam.
Những tín hiệu đáng mừng
Sau khi Liên Xô tan rã, dấu mốc ghi nhận mối giao lưu văn hóa Việt - Nga chính thức vượt qua thời kỳ trầm lắng phải kể đến chuyến thăm Việt Nam năm 2012 của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.
Sau thời điểm này, PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học cho rằng: “Dù không thể trở lại thời hoàng kim như đã từng có, nhưng chủ trương tăng cường mối giao lưu văn học giữa hai nước là hết sức cần thiết trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Trong mấy năm gần đây, giao lưu văn học đã được xúc tiến hiệu quả với sự ra đời của Quỹ hỗ trợ Quảng bá văn học Việt Nam với sự đóng góp tích cực của các dịch giả, các nhà nghiên cứu đến từ phía Liên bang Nga và Việt Nam. Đây là tín hiệu rất đáng mừng”.
Tiếp tục khẳng định những ảnh hưởng của tác phẩm văn học Nga ở Việt Nam, ThS Trịnh Đặng Nguyên Hương, Viện Văn học chỉ rõ: “Hiện nay, dù ảnh hưởng của văn học Nga có nhiều giảm sút, song Nga vẫn là quốc gia duy nhất có tác phẩm văn học được giảng dạy trực tiếp tại trường phổ thông Việt Nam tại 3 cấp học: Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông”. Những tác phẩm văn học Nga kinh điển vẫn được giảng dạy trong nhà trường có thể kể đến như: Người ăn xin của Turgennhev, Ông lão đánh cá và con cá vàng của A.Puskin, Người trong bao của A.P. Chekhov…
Nhìn từ góc độ đời sống văn chương người Việt ở Liên bang Nga, theo GS-TS - nhà thơ Bùi Quang Thanh, Nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga chia sẻ: Có một thực tế lịch sử là vào đầu những năm 1990, tại Liên bang Nga đã và đang hình thành, tồn tại đội ngũ những người hoạt động văn học, nghệ thuật, quy tụ từ cộng đồng người Việt Nam sang lao động, học tập và nghiên cứu khoa học. Họ đã tập hợp trong “Hội những người hoạt động văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga”. Đội ngũ hùng hậu trên dưới 100 cây bút sáng tác văn chương và hoạt động nghệ thuật qua hàng chục năm, đã là những hạt nhân góp một phần quan trọng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, phản ánh tâm tư, nỗi niềm của cộng đồng người Việt xa xứ, gửi gắm qua hàng chục tiểu thuyết, tập truyện ngắn và hàng loạt tập thơ mang những giá trị văn chương cũng như giá trị nhân sinh độc đáo, hàng chục đêm thơ nối kết giới sáng tác văn chương Việt - Nga, xứng đáng được ghi nhận. Đồng thời, đó cũng là “nhịp cầu văn hóa” góp phần bảo vệ, giữ gìn, kết nối tình hữu nghị Việt - Nga trong những thời khắc lịch sử đặc biệt.
Bài toán dịch thuật
Chia sẻ tại hội thảo, bà Natalia Shafinskaya- Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội - bày tỏ: Trong môi trường hội nhập văn hóa quốc tế, độc giả Việt Nam luôn dành sự ưu tiên cho văn học Nga cổ điển và đương đại. Các dịch giả có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phổ biến các tác phẩm văn học Nga tại Việt Nam.
Ngoài ra, bà Natalia cũng đưa ra đề xuất mong muốn những tác phẩm văn học mới tại Nga có giá trị, phản ánh được cuộc sống đương đại được các dịch giả, các nhà nghiên cứu quan tâm dịch và giới thiệu tại Việt Nam.
Tuy nhiên những vấn đề bất cập của việc dịch, giới thiệu và phổ biến tác phẩm văn học hiện nay cũng được nhiều dịch giả, nhà nghiên cứu đề cập tại hội thảo. GS Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học nhấn mạnh: Ngày nay, các nước trong đó có Liên bang Nga về khả năng và điều kiện dịch văn học Việt Nam vẫn có nhiều hạn chế. Một phần là vì những lý do khách quan của nước bạn, một phần cũng là vì chúng ta chưa có những tác phẩm thích hợp, tầm cỡ để cho họ có thể dịch và giới thiệu.
Trong khi đó, PGS-TS Đào Tuấn Ảnh, Viện Văn học, cho rằng: Việc dịch tác phẩm văn học hiện nay là công việc rất khó khăn. Bởi tiếng Nga thay đổi rất nhiều, tiếng Nga thời Puskin đã có sự ổn định nhưng đến giai đoạn hiện nay đã có nhiều biến động.
Để việc dịch và giới thiệu tác phẩm văn học có hiệu quả trong hoạt động giao lưu văn hóa, theo dịch giả Đoàn Hùng, hiện nay, những dịch giả, không phải chỉ cần biết ngoại ngữ mà phải biết cả nền văn hóa rất sâu và có sự đối chiếu, không những đối chiếu về ngôn ngữ mà đối chiếu hai mảng văn hóa để làm sao truyền đạt được những nội dung trong tác phẩm văn học phù hợp với người đọc. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đào tạo những đội ngũ phiên dịch về mảng văn hóa.
Chia sẻ về vấn đề này, dịch giả Vũ Thế Khôi cho rằng, phía Việt Nam cũng cần có đề xuất dịch và giới thiệu tác phẩm văn học Việt Nam bằng tiếng Nga trong giai đoạn hiện nay bên cạnh đề xuất dịch và giới thiệu tác phẩm văn học Nga đương đại sang tiếng Việt.
Năm 2019 được tuyên bố là năm chéo văn hóa Nga và Việt Nam, đã có thêm một tập truyện ngắn Việt Nam được dịch sang tiếng Nga. Đó là tập truyện ngắn của hai mươi nhà văn Việt Nam đương đại mang tên Tiếng chuông trôi trên sông. Tập truyện được dịch bởi bởi Igor Britov - nhà báo kiêm cán bộ giảng dạy đại học Nga, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in tại Hà Nội. Đây là một dấu hiệu cho thấy những hiệu quả từ việc tăng cường giao lưu văn hóa thông qua tác phẩm văn học dịch.
Công Bắc