Phim 'Hoa Phong Nguyệt Vũ': Đại sứ phim bất đắc dĩ mùa dịch
(Thethaovanhoa.vn) - Đây là cụm từ mà nhiều người đang dành cho phim Hoa Phong Nguyệt Vũ (đạo diễn: Phạm Thanh Hải) ở thời điểm này, vì đường ra rạp hơi gian lao, do Covid-19 tái ám ảnh. Phim khởi chiếu toàn quốc từ đầu tháng 12 này.
Phim được quay trong vòng 30 ngày, với kịch bản ra đời từ ý tưởng ban đầu của Peter Phạm khi bị mắc kẹt tại Việt Nam, không kịp về Mỹ, trong thời gian thực hiện giãn cách. Phim có câu chuyện chủ đạo là về căn bệnh tâm lý của nhân vật, vốn dĩ cũng không quá xa lạ trong đời sống hiện đại, ngột ngạt và căng thẳng. Phim có sự tham gia diễn xuất của Peter Phạm, Lê Thu An, Hải Ngân Brianna, Ellie Mễ Tiên, Hồ Quang Mẫn, Tuấn Voi…
"Đại sứ"… bất đắc dĩ
Thật vậy, với cụm từ “đại sứ phim mùa dịch” có phần bi hài bất đắc dĩ này, hẳn nhiên giới làm nghề muốn đề cập và gọi tên sự dũng cảm của Peter Phạm. Anh là một diễn viên hành động, xuất thân từ nghiệp võ Vịnh Xuân quyền, khi cùng gia đình mình định cư trên đất Mỹ, đồng thời cũng là một nhà sản xuất phim.
Bởi trước phim Hoa Phong Nguyệt Vũ này, Peter Phạm cũng từng tham gia diễn xuất vai chính trong phim hành động võ thuật Đỉnh mù sương, phát hành ngày 15/7/2020, một phim đầu tay của đạo diễn Phan Anh. Đó cũng là thời điểm gần với khoảng thời gian bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai tại Việt Nam, từ khu vực Đà Nẵng lây lan ra. Về phương diện tâm lý và phòng vệ, các sinh hoạt vui chơi giải trí chốn công cộng phải bị hạn chế hoặc đình hoãn, hẳn nhiên cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của các rạp phim khi ấy.
Bộ phim Đỉnh mù sương có kinh phí đầu tư sản xuất ước lượng tầm 12 tỷ đồng (theo trang IMDb), thế nhưng doanh thu phòng vé sau toàn bộ thời gian khởi chiếu tại thị trường Việt Nam chỉ đạt hơn 900 triệu đồng, một con số ắt hẳn rất đau đầu với các nhà đầu tư làm phim. Và bây giờ thì Hoa Phong Nguyệt Vũ xem ra cũng dễ rơi vào tình trạng tương tự, vì phát hành ngay đợt dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát. (Cho đến nay về cơ bản, Việt Nam đã kiểm soát được đại dịch).
Như thế, dù chỉ là tình cờ ngẫu nhiên, với hai lần đặt chân vào điện ảnh Việt, thì Peter Phạm đã hai lần đối mặt trực diện với đại dịch. Thậm chí vô tình gánh vác một vận rủi cho cả giới phát hành phim Việt chiếu rạp trong giai đoạn khó khăn này.
Mô hình điện ảnh “du kích”
Còn nhớ hôm 21/9/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng với Cục Điện ảnh đã tổ chức hội thảo Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19, khiến cho giới làm nghề trong nước khấp khởi mừng vui. Đây cũng chính là tiền đề cho những người làm phim Hoa Phong Nguyệt Vũ có thêm can đảm và đẩy mạnh quyết tâm xây dựng các dự án điện ảnh của mình, với kiểu làm mới, mà họ tạm gọi là Mô hình điện ảnh “du kích” thời Covid-19.
- Liên hoan phim quốc tế Busan 2020: Thành công đáng kinh ngạc giữa mùa dịch
- RM có bài phát biểu thông thái trong ‘BTS MOTS ON:E’ mà ai cũng cần giữa mùa dịch
Mô hình này xác lập kinh phí làm phim ở mức vừa và nhỏ, thời gian thực hiện tác phẩm từ tiền kỳ cho đến hậu kỳ không quá dài như thông thường, ê-kíp làm phim sẽ luôn tinh gọn. Họ hy vọng đây là một giải pháp làm phim giải trí mang tính ứng biến và sáng tạo, tiết kiệm.
Đặc biệt hơn, với mô hình “du kích” này, thì những câu chuyện mang tính cập nhật thời sự sẽ dễ lên phim hơn, mang tính tương tác cao hơn giữa người làm phim và khán giả. Và như thế, lối đi này đã được chính những nhà làm phim trẻ tự nỗ lực mở lối, tìm cách đột phá giữa bối cảnh kinh tế chung đầy bất ổn thời Covid-19. Nếu họ thất bại, cũng đồng nghĩa những ý định thể nghiệm cùng dự án tiên phong nhằm tìm kiếm đường hướng đột phá vòng vây Covid-19 cũng tắc tị.
Hãy cùng liều lĩnh Nhà sản xuất Đỗ Quang Minh nói: “Trong khi các phim lớn đều phải chờ đợi không khí rạp chiếu trở về đầy đặn như thời điểm trước dịch thì mới dám bung ra, thì các phim độc lập vẫn có cơ hội ra rạp. Tôi thuộc dạng liều lĩnh, muốn thử cái mới. Cái mới lúc nào cũng có rủi ro, nhưng tôi không ngại rủi ro. Sau bao nhiêu năm tích lũy làm nghề, tôi muốn lấy kinh nghiệm của mình tạo cơ hội cho các đạo diễn trẻ, ê-kíp trẻ”. |
Châu Quang Phước