Ca khúc 'Love Will Tear Us Apart' của Joy Division: Tình yêu xé nát hôn nhân
Tình yêu mang hai con người xa lạ gắn kết với nhau, đó là điều kỳ diệu không còn xa lạ. Nhưng lại có thứ tình yêu khiến người ta phải xa nhau, đến cách biệt âm dương như trong Love Will Tear Us Apart.
Vào thời điểm qua đời, Ian Curtis đang đưa Joy Division lên tới đỉnh cao, được coi là ban nhạc lớn nhất nước Anh. Khi đó, anh mới 24 tuổi, lại có vợ hiền và con gái đáng yêu. Những tưởng mọi thứ đều đang đẹp nhất…
Đỉnh cao danh vọng
Vào thập niên 1970, những giấc mơ rực rỡ của punk đang ngả sang màu xám diệt vong. Thành Manchester (Anh) bắt đầu chùng xuống trước những giai điệu hợp âm ba khinh khỉnh. Đó là lúc Ian Curtis và ban nhạc Joy Division của anh mở ra một lối đi hoàn toàn mới, thành người tiên phong của phong trào post-punk, cuốn cả thành phố đi theo mình.
Sau khi thu hút được sự chú ý từ những nhân vật tiếng tăm làng nhạc là Tony Wilson và Rob Gretton, có được hợp đồng với hãng đĩa Factory, Joy Division có chỗ chống lưng vững chãi và lao lên với sức mạnh không thể cản phá với hàng loạt đĩa đơn mạnh mẽ cùng album nổi tiếng Unknown Pleasures (1979), ngay trước thời điểm thu âm Love Will Tear Us Apart năm 1980.
Gần như không có ca khúc nào trong danh mục của Joy Division như Love Will Tear Us Apart, có thể là do nó được viết như là cầu nối từ thành công tràn bờ của Unknown Pleasures với vùng đất hứa của một âm thanh hoàn toàn mới. Nhưng không dễ dàng để thu âm nó.
Sau hàng loạt nỗ lực thu âm tới nửa đêm với nhà sản xuất Martin Hannett, Joy Division cảm thấy mệt mỏi và không quá mặn mà với Love Will Tear Us Apart. Thêm một trận cãi vã, tay trống Stephen Morris liền đòi về nhà ngủ. Đến giờ, Morris vẫn ấn tượng xấu với ca khúc bởi vào 4h sáng, anh bị Hannett dựng dậy, bắt tới phòng thu thu lại Love Will Tear Us Apart. Lý do là bởi Hannett cảm thấy đây sẽ là ca khúc bất hủ, trường tồn với thời gian và vì thế, phải làm cho thật đặc biệt.
Sau này nghĩ lại, tay bass Peter Hook cảm thấy Love Will Tear Us Apart là tác phẩm hay và tiêu biểu nhất của Joy Division khi có mọi thứ: Dòng bass tuyệt vời, synth (1 loại nhạc cụ điện tử) hay, màn trống đỉnh cao, guitar đơn giản nhưng hiệu quả. Dù khi hoàn thành phần âm thanh, nhóm khá bất ngờ với kiểu giai điệu tương đối pop, thương mại. Nhưng chính sự bay bổng này càng khiến ca khúc đặc biệt khi đối nghịch với ca từ u ám.
“Tôi thấy ca khúc khá đáng sợ về mặt ca từ. Nó hoàn toàn trái ngược với âm nhạc. Tôi nghĩ nó rất “Joy Division” - nó ru bạn vào cảm giác sai lầm về sự thân thiện đầm ấm rồi sau đó xé nát con tim bạn” - Hook chia sẻ.
Trong vài năm nay, các thành viên Joy Division đã khá quen thuộc với kiểu ca từ vui buồn lẫn lộn này, thế nên, khi nó được hằn sâu trong Love Will Tear Us Apart, họ cũng coi là tự nhiên. Đáng buồn, bây giờ nhìn lại, mọi người mới nhận ra đó là điềm báo bi thảm cho hồi cáo chung. “Chúng tôi chưa bao giờ nói về âm nhạc của mình, chúng tôi chỉ làm mà không phân tích. Giờ mọi người đọc ca từ cậu ấy viết sẽ nhận ra ngay” - Hook ngậm ngùi - “Nhưng chúng tôi hồi đó thì không. Chúng tôi thường nghe theo những gì Ian nói với chúng tôi và cậu ấy luôn nói rằng mình ổn”.
Ngọt đắng tình yêu
Nặng nề và kinh điển là vậy nhưng Love Will Tear Us Apart ra đời khá nhanh chóng.
Trong Joy Division, Ian Curtis thật ra không đảm nhiệm vai trò viết nhạc. Thay vào đó, anh sở hữu năng khiếu về cảm âm. Curtis sẽ ngồi yên nghe các thành viên mày mò giai điệu này giai điệu kia, và khi cảm thấy có gì đặc biệt, sẽ giúp họ phát triển giai điệu lên. Với Love Will Tear Us Apart cũng vậy. Bắt đầu bằng đoạn riff của Hook, Curtis nhanh chóng tóm lấy, phát triển nó rồi đưa ra các ý tưởng về trống, guitar,… Cuối cùng, phần lời được anh nghệch ngoạc trong ít phút.
Đây không phải sự cẩu thả mà có lẽ là “tức nước vỡ bờ”. Thành công quá mức tưởng tượng của Unknown Pleasers, dẫn tới vị thế hàng đầu của Joy Division, ít nhiều trở thành áp lực với Curtis khi anh bị chẩn đoán mắc bệnh động kinh vào năm 1979. Thế nhưng, lý do chính là hôn nhân tan vỡ.
Curtis gặp vợ, Deborah Woodruff, qua lời giới thiệu của một người bạn. Họ hẹn hò khi đều mới 16 tuổi và ba năm sau, ở tuổi 19, quyết định tiến tới hôn nhân. Bốn năm sau, năm 1979 dấu mốc, họ đón chào con gái đầu lòng.
Mọi việc sẽ thật hoàn hảo nếu như vào buổi diễn của Joy Division tháng 10/1979, Curtis không gặp nhà báo, nhà quảng bá âm nhạc người Bỉ Annik Honoré.
Dù cực kỳ kiểm soát vợ, giảm thiểu tối đa khả năng vợ gặp người đàn ông khác, Curtis lại phải lòng Honoré. Curtis đau khổ khi gây ra nỗi đau khổ cho vợ và chắc chắn là cho cả con gái nhưng lại không thể ngừng khao khát Honoré. Một bi kịch lớn khi yêu hai người!
Honoré sau này khẳng định quan hệ của hoàn toàn thuần khiết, rằng họ không quan hệ tình dục do Curtis đang phải dùng thuốc. Cô còn khẳng định Curtis viết cho mình rằng quan hệ với vợ đã kết thúc từ trước khi họ gặp nhau. Vợ Curtis, không ngạc nhiên, nói những điều hoàn toàn ngược lại. Không thể biết chắc đúng sai, nhưng có một điều rõ ràng rằng Honoré đã ảnh hưởng rất lớn tới Curtis, gần như là thao túng. Các bạn cùng nhóm vẫn nhớ rằng từ sau khi qua lại với Honoré, Curtis trở nên xa cách và kiêu kỳ với bạn bè. Anh thậm chí ăn chay - có lẽ theo lệnh của Honoré - vì khi không có mặt người tình, Curtis vẫn ăn thịt bình thường.
Ở anh dường như luôn có hai con người, một là trước mặt người khác và một là với Honoré.
Bono của U2, khi đó nài nỉ Hartin Hannett sản xuất album Boy của họ, cũng nhận thấy cuộc đấu tranh giữa hai nhân cách của Curtis: “Nói chuyện với Ian Curtis là một trải nghiệm kỳ lạ bởi anh ấy rất ấm áp. Anh nói năng nhẹ nhàng, lịch thiệp và chừng mực. Nhưng khi đứng sau micro, anh ấy thật sự bùng nổ, có một năng lượng khác hẳn. Có vẻ như anh ấy có hai con người, và mọi người biết đó, Love Will Tear Us Apart, nó cũng vậy… Như thể có hai nhân cách khác nhau, tách biệt, xé nát nhau”.
- Album 'Unlimited Love' của Red Hot Chili Peppers: Trở về nhà trong tình yêu bất tận
- Album 'Love Sux' của Avril Lavigne: Sự trở lại của nữ hoàng pop punk
- Album 'Love For Sale' của Tony Bennett & Lady Gaga: Cuộc hẹn âm nhạc cuối cùng của bộ đôi siêu nhân
Curtis nghĩ ra cái tên Love Will Tear Us Apart như phản ứng mỉa mai cho hit nhạc pop năm 1975 của Captain & Tenille Love Will Keep Us Together (thật rùng mình trước định mệnh khi hai ca khúc này thậm chí thu cùng ở một nơi!). Hook nói anh hi vọng sẽ không ai viết về mình như trong ca khúc bởi nó quá đáng sợ. Đó là khi tình yêu chứng tỏ rằng nó có thể mang tới bao nhiêu hạnh phúc thì cũng có thể trừng phạt bằng bấy nhiêu bất hạnh. Curtis và vợ, hai người hãy còn yêu nhau, nhưng giữa họ giờ chỉ là nước mắt trong giấc mơ, sự phẫn uất trong cảm xúc, vị tuyệt vọng trong miệng, giữa căn phòng uyên ương nay lạnh lẽo. Tình yêu xé nát họ từ bên trong và giọt nước tràn ly là khi Deborah làm thủ tục ly hôn đầu năm 1980, sau khi chồng không thể dứt khỏi Honoré.
Sức khỏe đi xuống, sự nghiệp áp lực, bất lực trong các mối quan hệ, vào buổi chiều gặp vợ xin hàn gắn hôn nhân, buổi tối lên kế hoạch đi diễn với ban nhạc nhưng vào rạng sáng 18/5/1980, Curtis quyết định tự sát. Trước bức ảnh chụp hạnh phúc ngày cưới cùng ảnh con gái trên tường, Curtis để lại thư tuyệt mệnh cho Deborah, nói rằng bất chấp chuyện vụng trộm với Honoré, anh vẫn mãi yêu vợ. Những bấp bênh giữa ánh sáng và bóng tối, niềm vui với nỗi buồn, tất cả đều trở về hư vô.
Love Will Tear Us Apart trở thành văn bia trên mộ Ian Curtis. Tình yêu thật sự đã chia cắt họ mãi mãi.
Di sản “Love Will Tear Us Apart” Joy Division là ban nhạc có ảnh hưởng và được giới phê bình ca ngợi nhưng họ không bán được nhiều đĩa. Love Will Tear Us Apart phát hành vào tháng 4/1980 dưới tên Penine version, nằm ở mặt B và như các đĩa đơn khác của nhóm, không lọt BXH. Sau cái chết của Curtis ba tuần, ca khúc được tái phát hành vào tháng 6 và trở thành hit đầu tiên cũng như duy nhất của nhóm. Love Will Tear Us Apart sau đó đạt chứng chỉ bạch kim ở Anh, bán được hơn 600.000 bản và trở thành di sản định hình thời đại. NME tôn vinh Love Will Tear Us Apart là đĩa đơn vĩ đại nhất mọi thời đại còn Rolling Stone xếp ca khúc đứng thứ 41 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại. Khi Joy Division thành lập, họ thống nhất sẽ tan rã nếu mất thành viên. Sau cái chết của Curtis, ba thành viên còn lại lập thành New Order và trở thành một trong những ban nhạc thành công nhất nước Anh. |
Thư Vĩ (tổng hợp)