Giải pháp 'giữ chân' nhân viên y tế trong hệ thống công lập
"Làn sóng'' nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Ninh Bình. Điều này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập. Ở Ninh Bình, thực trạng này dù chưa ở mức "báo động", song ngành Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm "giữ chân" nhân lực y tế khu vực công.
Nhân viên y tế khu vực công “dứt áo ra đi”
Là bệnh viện hạng I tuyến tỉnh, từ năm 2020 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã có 12 cán bộ, y, bác sĩ xin chuyển công tác và nghỉ việc. Điều này không chỉ gây xáo trộn về nhân sự tại đơn vị mà còn làm ảnh hưởng đến năng lực khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân. Thạc sỹ Trịnh Văn Thái, Phó Trưởng Khoa Chuẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu là do áp lực công việc, rất khó có cơ hội học tập chuyên sâu; điều kiện làm việc thiếu, nhất là ở cơ sở y tế tuyến huyện, xã và thu nhập không tương xứng. Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống y tế tư nhân, mức lương thường cao hơn nhiều lần đã khiến nhiều y, bác sĩ không còn mặn làm việc trong các cơ sở y tế công lập.
Không chỉ ở tuyến tỉnh, tại Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn, từ năm 2020 đến nay, 24 nhân viên y tế chuyển công tác và nghỉ việc. Ông Đặng Tiến Hải, Giám đốc Trung tâm cho rằng, nếu không có chính sách tốt hơn về thu nhập, môi trường công tác, đãi ngộ và môi trường tiến thân để "giữ chân" nguồn nhân lực, hệ thống y tế cơ sở sẽ không còn người tài. Y tế cơ sở sẽ chỉ còn là nơi đào tạo ban đầu.
Hiện nay, ở khu vực công, tỉnh Ninh Bình có 9 bệnh viện; 8 trung tâm y tế huyện/thành phố; 143 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Số lượng nhân viên y tế đang công tác trong khu vực công là 4.242 công chức, viên chức và lao động hợp đồng; trong đó, số cán bộ, nhân viên chuyên ngành Y tế là 3.603 người. Theo Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, từ năm 2020 đến nay, 78 nhân viên y tế đã nghỉ việc; trong đó có 5 nhân viên y tế dự phòng và 15 nhân viên y tế cơ sở. Mặc dù tỉnh đã đạt chỉ tiêu bác sĩ/100.000 dân và cơ bản khắc phục được tình trạng mất cân đối, thiếu hụt bác sĩ giữa hệ điều trị với hệ dự phòng, giữa tuyến tỉnh với tuyến huyện, nhất là tuyến xã nhưng nhìn chung nhân lực y tế vẫn chưa hợp lý cả về cơ cấu và chất lượng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho rằng, dù chưa nghiêm trọng như ở các tỉnh, thành phố lớn nhưng tình trạng nhân viên y tế rời khỏi cơ sở y tế công lập ở Ninh Bình đã và đang dẫn đến những hệ lụy như thiếu hụt nguồn nhân trong chăm sóc, điều trị cho người bệnh, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc y tế. Như vậy, đối tượng chịu thiệt cuối cùng chính là người bệnh. Đáng chú ý, nhiều trường hợp nghỉ việc đều là y, bác sĩ lâu năm, có kinh nghiệm, chuyên môn cao. Trong khi đó, các cơ sở y tế công lập khó tìm người thay thế, nếu tìm được cũng mất thời gian đào tạo, huấn luyện về trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc.
Giải pháp “giữ chân”
Xác định nhân lực là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân, Ninh Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực y tế bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu phù hợp trong các lĩnh vực chuyên khoa và các tuyến. Tỉnh đã ban hành các nghị quyết hỗ trợ, thu hút đội ngũ thầy thuốc có trình độ cao nhằm bổ sung, khắc phục kịp thời tình trạng thiếu bác sĩ tại các cơ sở y tế.
Từ năm 2011 đến nay, địa phương đã triển khai hiệu quả chính sách thu hút bác sĩ, dược sĩ về công tác tại tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế. Từ năm 2006 - 2019, tỉnh đã phối hợp với các đơn vị đào tạo 166 bác sĩ, dược sĩ theo địa chỉ sử dụng và 33 bác sĩ, dược sĩ cử tuyển, góp phần quan trọng trong việc bổ sung kịp thời nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành Y tế, khắc phục hiệu quả tình trạng mất cân đối, thiếu hụt bác sĩ, dược sĩ giữa hệ điều trị với hệ dự phòng, giữa tuyến tỉnh với tuyến huyện, nhất là tuyến xã.
Bà Phạm Thị Phương Hạnh, Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình cho biết, thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tập trung triển khai đồng thời, hiệu quả việc sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động; tập trung nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, phát triển dịch vụ kỹ thuật mới, tăng nguồn thu từ công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, góp phần từng bước cải thiện đời sống cho cán bộ, nhân viên.
Bên cạnh đó, ngành sẽ quan tâm, đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa cơ sở hạ tầng; mua sắm, bổ sung máy móc, trang thiết bị kỹ thuật; cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho các cơ sở y tế; đảm bảo chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, hưu trí, nâng bậc lương…
Giai đoạn 2021 - 2025, ngành Y tế Ninh Bình tiếp tục tuyển dụng, thu hút đủ số lượng, cơ cấu nhân lực y tế theo đề án vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng đơn vị trực thuộc và của toàn ngành; tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế, nhất là đội ngũ bác sĩ nhằm nâng cao chất lượng nhân lực y tế.