"Giải mã" kho thành ngữ về chú lợn
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2019, theo lịch can chi là năm Kỉ Hợi, còn gọi là năm Con Lợn. Kỉ là tên thứ 6 trong 10 tên của Thiên Can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỉ, Canh, Tân, Nhâm, Quý). Hợi là tên cuối trong 12 tên của Địa Chi (Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi).
Chúng ta đọc Tây Du Kí (tác giả: Ngô Thừa Ân) hẳn biết đến Trư Bát Giới (còn gọi là Trư Ngộ Năng) - một nhân vật nổi tiếng có ngoại hình giống hệt “chú Ỉn” với bản tính tham ăn, nhưng có tính cách bộc tuệch, ngộ nghĩnh, đáng yêu. Nhân Tết Kỉ Hợi, ta thử xem “họ nhà Trư” xuất hiện trong tục ngữ, thành ngữ tiếng Việt thế nào.
Nói toạc móng heo mới ra vấn đề
“Thôi cậu còn ngần ngừ gì nữa? Mọi chuyện đã rõ như ban này. Thôi cứ nói toạc móng heo cho xong”. Ta vẫn thường nghe mọi người dùng thành ngữ “nói toạc móng heo” với nội dung ngữ nghĩa là: “Nói thẳng, nói thật, nói rõ ràng, tường minh về những điều mà người đó (hoặc ai đó) đang có ý định che giấu hoặc khó nói”.
Nghĩa sử dụng là như vậy và có lẽ, mọi người Việt chúng ta đều đã rõ. Nhưng vẫn có sự rắc rối nếu ta đi sâu tìm hiểu các thành tố tạo nên câu thành ngữ này. Sao người đời lại lôi “con heo” vào đây? Vậy có gì cần bàn về cơ chế tạo nghĩa mang tính dân gian này nhỉ?
“Nói toạc”, theo Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2017) là “nói thẳng ra một cách rõ ràng, không che đậy, úp mở”. Ngữ nghĩa từ “nói toạc” này như vậy không khác gì mấy với “nói toạc móng heo”. Tuy nhiên, nếu ta dùng thành ngữ này thì tính biểu cảm mạnh hơn, nghe thú vị hơn. Vậy sự thú vị nằm ở “cái móng heo” kia chăng?
Chúng ta biết “móng heo” là cách gọi khác của “móng lợn”. Lợn hay heo (cách nói của phương ngữ Nam) đều là từ chỉ một loài “thú guốc chẵn, chân ngắn, mõm dài và vểnh, ăn tạp, nuôi để lấy thịt và mỡ”. Ở nông thôn, nhiều gia đình vẫn thường nuôi lợn trong nhà. Lợn ăn bèo, khoai, cám, bã hay thức ăn thừa. Chú lợn, hay chú ỉn, hay con vật “họ nhà Trư” này chỉ biết ăn no rồi nằm khoèo cả ngày. Bốn chân lợn đều có móng sừng. Móng heo (tức móng lợn) là một loại sừng bao bọc kín hết các ngón chân của chúng.
Khi làm thịt heo, người ta chặt các chân của chúng (gọi là chân giò) có cả các móng mà ta chưa thể nhìn thấy cái gì dưới lớp móng đó. Vậy thì chỉ có cách hơ móng trên lửa nóng (cho mềm) rồi dùng dụng cụ (như dao chắc) mà ghè cho “toạc ra”. Móng heo bị đập văng ra, để lộ lớp thịt sụn phía trong. Lúc đó người ta mới đem chế biến, như nấu cháo (cho các bà mẹ mới sinh ăn lấy sữa), nấu giả cầy hay hầm với măng để làm món “bún bò giò heo” rất quen thuộc với những quán ăn ở miền Trung hay miền Nam.
Làm “toạc móng heo”, “toạc móng lợn” là một quy trình chế biến chân giò. Tết đến xuân về, nhiều nhà làm thịt heo chắc sẽ nhiều chân giò được xử lí. Trước hết, nó mang nghĩa đầu tiên là “làm mất đi cái vỏ bề ngoài để lộ ra cái bên trong”. Đấy chính là căn cứ để dân gian “chuyển nghĩa”, liên tưởng đến hành vi nói năng, sao cho rõ ràng, minh bạch, không giấu giếm.
Thái độ úp mở, nước đôi, không dám nhìn thẳng vào sự thật, không muốn cho mọi người biết cái điều mà có thể ai đó đã biết là thái độ rất không nên. “Cái kim trong giẻ lâu ngày cũng ra”. Người ta đã biết (dù biết mong manh hay biết rõ) thì sự che giấu kia có thể gây hoài nghi, khó cho ứng xử của ai đó, không có lợi cho mọi quan hệ với nhau. “Một sự bất tín, vạn sự không tin” mà!
Ở đời nói toạc móng heo
Cho nhiều người biết, cho nhiều người tin…
Đầu gà má lợn có đúng là ngon?
“Đầu gà” dĩ nhiên là phần trên cùng của con gà rồi. “Má lợn” là phần hai bên của thủ lợn (má: phần hai bên mặt, từ mũi và miệng đến tai và ở phía dưới mắt). Má lợn thường to và nhiều thịt. Đầu gà, má lợn là hai bộ phận đặc biệt, một của gà (một loại gia cầm nuôi ở mỗi gia đình, để lấy thịt và trứng) và một của lợn (thú guốc chẵn, chân ngắn, mõm dài và vểnh, người ta nuôi lấy thịt và mỡ). Vậy hai thứ này có phải là thức ăn ngon nhất trong hai con vật kia không?
Tất nhiên là không. Bởi với con gà, chắc đa số mọi người đều thống nhất là, đùi và lườn của gà là ngon hơn cả, bởi đây là bộ phận có nhiều nạc, ít xương. Dân gian còn có câu “thứ nhất phao câu, thứ nhì đầu cánh” (phao câu: phần thịt có mỡ và xương mềm ở cuống đuôi các loài chim) cho rằng đó là hai bộ phận ngon nhất của con gà.
Má lợn và nói chung thủ lợn ăn cũng ngon, nhưng rõ ràng không phải là phần thịt giá trị nhất của con lợn. Người ta có thể chọn thịt thăn, thịt vai, thịt mông, chân giò. Nhiều người (nhất là dân nhậu) thì chỉ thích món tiết canh, lòng lợn khoái khẩu, v.v...
Nhưng với dân gian, từ xưa, đầu gà má lợn được coi là phần đặc biệt, chỉ những người có địa vị (có quyền hành trong bộ máy chính quyền hay những người già, có vai vế trong dòng tộc…) mới được hưởng. Đây chính là hai thứ tiêu biểu, biểu trưng cho bổng lộc mà không phải ai cũng có quyền được nhận.
Ngày trước, và bây giờ ở nhiều vùng, trong nhà có đám (cưới hỏi, mừng nhà mới, việc họ hay tang ma…), mâm cỗ nào có bày món đầu gà, má lợn luộc là mâm dành riêng cho các vị chức sắc hay các bậc bề trên (đàn bà con gái, người trẻ tuổi và nhất là trẻ con, không được ngồi). Ngay trong mâm cỗ sính lễ mà nhà trai mang đến nhà gái, trên mâm xôi nhất quyết phải có con gà luộc còn nguyên đầu trong tư thế ngóc lên trên, hoặc cả chiếc thủ lợn với phần má nguyên vẹn, nom rất “oách”.
Nếu không thì mâm cỗ to mấy cũng không có giá trị. Quan niệm về bối cảnh ăn (Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp) và thứ được ăn (đầu gà má lợn) của người xưa chính là một quan niệm phổ biến về giá trị trong đời sống dân sinh cộng đồng làng xã.
Muốn đưa dâu thảo về nhà
Đầu gà má lợn có là xong ngay…
Lợn lành chữa (thành) lợn què
Dân gian ở một số vùng thuộc Đồng bằng Bắc Bộ vẫn truyền tụng câu chuyện về ông Cả Chiêm (Ý Yên, Nam Định) nuôi gia súc (trâu, bò, dê, lợn…) nổi tiếng một thời. Có lần, ông mua được một đàn lợn con, giống lợn ỉ (một loại lợn ta, mặt ngắn và nhăn, lưng võng, chân thấp, thịt thơm ngon) rất đẹp. Khi lợn con bắt đầu tách mẹ (cai sữa, cho ăn riêng) người ta phải hoạn (thiến bằng cách cắt bỏ tinh hoàn của lợn đực và buồng trứng của lợn cái, cho chúng không phát dục) để nuôi cho nhanh lớn và vỗ béo.
Lần ấy, không biết thế nào ông Cả Chiêm mời một tay hoạn lợn vãng lai (dân hoạn lợn hay đi rao mời khắp các thôn xóm). Tay này khoác lác chứ tay nghề mới tập tọng chẳng ra gì. Thế là anh ta đè nghiến cả lợn đực lợn cái ra xử lí như nhau.
Lẽ ra lợn đực chỉ cần dùng dao hoạn khía bìu dái (phía dưới bụng, gần hâu môn) rồi bỏ tinh hoàn, khâu lại là xong. Đằng này anh ta lại rạch ngang mạng sườn (dưới bụng) và thò tay để móc cái “hoa” (tức buồng trứng) như mọi con lợn cái. “Hoa chân múa tay” mãi trong bụng lợn chả được gì. Kết cục là lũ lợn đực này, con thì bị ốm (vì bị chột), con thì chết (do rối ruột hoặc tổn thương phủ tạng). Thế là lũ lợn đang khỏe thành ra lợn “phế phẩm”.
Từ câu chuyện liên quan tới lợn này, dân gian có câu “lợn lành chữa (thành) lợn què”, “lợn lành thành lợn què”, “lợn lành hóa lợn què”… để ví những trường hợp “dụng cụ, máy móc, đồ dùng… đang yên lành, chẳng hỏng hóc gì, nhưng tự nhiên lại mang đi tân trang, sửa chữa để biến những vật dụng này thành ra hỏng thật (để chuốc lấy sự thiệt hại)”. Ví dụ: “Các cậu đừng có táy máy gì nhé. Không hiểu biết gì mà cứ thích đụng vào thì không khéo, lợn lành thành lợn què đấy!”. Trong cuộc sống, không hiếm những chuyện “cười ra nước mắt” như thế.
Không biết thì chớ có liều
Lợn đang lành hóa bao nhiêu lợn què…
Giàu nuôi chó, khó nuôi heo nuôi gì chẳng được?
“Giàu (thì) nuôi chó, khó (thì) nuôi heo”. Đây là câu tục ngữ nói về kinh nghiệm chọn con gì để chăn nuôi của người Việt.
Chó và lợn đều là hai vật nuôi tại gia. Chó là “gia súc thuộc nhóm ăn thịt, nuôi để giữ nhà hay đi săn”. Còn heo là tên gọi phương ngữ Nam, chỉ con lợn. Heo nuôi chỉ duy nhất một mục đích, phục vụ cho việc lấy thịt, mỡ - hai thứ thiết yếu cho nhu cầu thực phẩm của người Việt. Mỗi con đều có đặc tính riêng và đây chính là cơ sở hình thành nên ngữ nghĩa của thành ngữ này.
Do chó rất tinh, rất nhanh nhẹn và có tài quan sát, đánh hơi rất giỏi lúc bình thường cũng như trong đêm tối. Khi xuất hiện con vật lạ hay người lạ là chó phản ứng tức thì bằng việc sủa ngậu lên ngay. Chúng sủa cho đến khi nào con vật lạ (gà, vịt, chuột và cả chó lạ nữa), người lạ (người ở nơi khác đến hay kẻ gian, kẻ trộm…) bỏ đi hoặc chủ nhà nghe tiếng cho sủa chạy ra. Tiếng sủa của lũ chó trở thành “chuông báo động” rất lợi hại cho gia chủ.
Vậy là với các “đại gia” nhà giàu, lắm tiền nhiều của, để an toàn, họ bèn mua chó về nuôi để vào vai “người lính gác” hữu hiệu. Những “chiến sĩ cảnh vệ” này nuôi vừa vui nhà vui cửa, vừa giữ nhiệm vụ cảnh giới liên tục 24/24 mà chi phí nuôi chúng cũng không tốn mấy. Và dù có ô sin trông nhà giữ cửa, có camera “mắt thần” theo dõi, có két sắt giữ tiền, thì có lũ chó vẫn yên tâm và an toàn hơn cả.
- Chọn tuổi xông nhà mùng 1 Tết tốt nhất năm Kỷ Hợi 2019
- Những lời chúc Tết ý nghĩa, bình an, may mắn và tài lộc năm Kỷ Hợi
- Cách chọn tuổi xông đất năm Kỷ Hợi 2019 để phát tài, phát lộc
Còn với những người có gia cảnh khó khăn, nghèo khó, thì nuôi mấy chủ ỉn là thượng sách về kinh tế. Bởi nuôi lợn vốn vừa phải, chi phí nuôi lợn cũng thấp (chỉ bèo rau cám bã là được, cũng có thể thả lợn ra vườn, ra rừng cho chúng tự kiếm ăn) mà khi lớn bán cũng được khoản tiền, góp cho việc “thoát nghèo” và đảm bảo cho cuộc sống gia đình. Dân gian còn có câu “giàu nuôi lợn nái, khó nuôi chó cái, gà con” cũng mang nghĩa tương tự về cách ứng xử của nhà nông trong chăn nuôi tại gia.
Có tiền nuôi chó giữ nhà
Không tiền nuôi lợn để mà làm ăn…
PGS.TS Phạm Văn Tình/Theo Báo Văn hóa