Giá trị của sự yên lặng
Một cuộc tranh luận nho nhỏ đang diễn ra trên mặt báo và không gian mạng, khi vài ngày trước, ứng dụng Grab tại Việt Nam vừa thử nghiệm cung cấp tính năng “chuyến xe yên lặng” cho khách hàng.
Vắn tắt, với tính năng này, khi sử dụng dịch vụ của Grab, người dùng sẽ hạn chế trò chuyện với tài xế trong suốt chuyến đi để “tận hưởng” sự yên lặng - đúng như tên gọi. Ngược lại,
các tài xế của Grab cũng được yêu cầu không trao đổi với hành khách, ngoại trừ những thông tin cần thiết như xác nhận điểm đến, hay nhắc nhở an toàn. Và câu hỏi ở đây: Quyền được yên lặng có phải là một sự áp đặt không cần thiết?
Thực tế, những giao đãi qua lại giữa hành khách và người lái taxi hoặc xe ôm vốn không hề xa lạ với mỗi chúng ta. Đó có thể là những câu hỏi thăm, chia sẻ từ tài xế quanh nhu cầu di chuyển của khách, là những tò mò của người dùng về điểm đến sắp tới - và nhiều khi, cũng chỉ là những câu chuyện phiếm vô thưởng vô phạt.
Với nhiều người, sự tiếp xúc ấy sẽ phát huy hiệu quả tích cực - nếu họ coi sự im lặng là nhàm chán và muốn xóa bỏ nó trên suốt quãng đường. Và xa hơn, không chỉ mang lại hứng thú cho bản thân, những câu chuyện ấy phần nào cũng có thể coi là biểu hiện của sự thân thiện mà khách hàng dành cho tài xế - khi coi họ như một thực thể của cộng đồng, thay vì… những con robot cung cấp dịch vụ trong một xã hội công nghiệp.
Nhưng ở hướng ngược lại, chắc chắn mỗi người trong số chúng ta cũng từng có lúc không muốn cất lời, khi những người bạn đồng hành “bất đắc dĩ” gợi chuyện. Đó có thể là hệ quả từ sự mệt mỏi, uể oải sau một ngày làm việc, từ tâm trạng u ám của một người đang phải suy nghĩ hoặc gặp nhiều chuyện buồn. Thậm chí, đơn giản hơn rất nhiều, chỉ bởi bạn là người hướng nội và không dễ dàng để bắt chuyện cùng một người xa lạ.
Và những lúc ấy, một cách tự nhiên, giải pháp chúng ta thường chọn vẫn là thái độ ậm ừ đưa đẩy, để “đối tác” tự hiểu và chấm dứt những câu chuyện của mình. Còn nếu không hiểu - hoặc không muốn hiểu - thì đành chịu. Bởi, từ phép lịch sự hoặc những ngần ngại của bản thân, sẽ rất ít người muốn thẳng thắn đưa yêu cầu “đề nghị yên lặng” với người đang cố gợi chuyện mình.
***
Bây giờ, tính năng “chuyến xe yên lặng” của Grab đã giúp khách hàng có nhu cầu ấy được thỏa mãn mà không cần vượt qua ranh giới lịch sự của mình. Nhưng, đó chỉ là tính năng tồn tại trong những chuyến xe công nghệ, khi khách hàng được mặc định chủ động đưa ra yêu cầu của bản thân.
Còn lại, ở vô vàn mối liên hệ và tình huống khác trong cuộc sống, khi không có một tính năng được thiết lập sẵn bằng công nghệ như của Grab, chúng ta có dám bày tỏ nhu cầu của mình mà không ngại khiến người khác phiền lòng hoặc bị phán xét?
- Dừng hoạt động các phương tiện chở khách, người dân vẫn có thể dùng Grab để giao nhận đồ ăn
- Grab sẽ giao hàng gián tiếp nhằm hạn chế lây nhiễm Covid-19
- Grab nhận đơn hàng mua sắm siêu thị
Đó là câu hỏi không dễ có đúng sai, bởi quyền lựa chọn sẽ phụ thuộc vào từng người, nhất là trong một xã hội đang thay đổi liên tục về công nghệ cho những phương thức giao tiếp khác nhau.
Nhưng chắc chắn, việc tính năng “chuyến xe im lặng” xuất hiện tại Việt Nam (và từng xuất hiện tại một số quốc gia khác, với những ứng dụng khác) của Grab cho thấy: Nhu cầu được im lặng của mỗi người là có thật và ngày càng phát triển.
Giống như, đối xứng với sự thân thiện, hiếu khách ở mỗi người, cách tôn trọng sự riêng tư và nhu cầu được im lặng cũng là điều mà chúng ta phải biết và đang phải học. Bởi, một xã hội hiện đại cần tôn trọng sự đa chiều - khi mà cảm giác yên lặng với người này là buồn tẻ, bức bối nhưng với người khác lại là những khoảng lặng đáng để nâng niu.
Trí Uẩn