'Gia tài' của người tiền sử
(Thethaovanhoa.vn) - Không hẹn mà gặp, những thông tin về việc phát lộ các di chỉ của người tiền sử tại Việt Nam đang liên tục xuất hiện trên mặt báo.
- Chờ thăm... người tiền sử
- Hang của người tiền sử tại Đắk Nông cần được quy hoạch thành bảo tàng
- VIDEO Phát hiện xương người tiền sử tại Công viên Địa chất núi lửa Krông Nô
Điển hình, khi khai quật tại hang núi lửa Krông Nô (Đắk Nông), một nhóm di cốt của người tiền sử được tìm thấy, với niên đại được tạm phỏng đoán vào khoảng 7.000 năm trước. Phát hiện này được giới nghiên cứu quốc tế rất quan tâm, bởi đây là lần đầu tiên tại Đông Nam Á, di cốt của người tiền sử được phát hiện tại một hang núi lửa.
Rồi, tại một số hang động ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang), các chuyên gia cũng vừa phát hiện nhiều dấu tích văn hóa của người tiền sử (có niên đại tạm xác định khoảng 4000 năm trước) gồm các mảnh rìu đá, xương động vật.
Đặc biệt, tại Đại hội lần thứ 21 của IPPA, hội khảo cổ tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương (đang diễn ra ở Huế với 700 chuyên gia đến từ 35 quốc gia), việc công bố kết quả khảo cổ gò đá Rộc Tưng (An Khê, Gia Lai) của Việt Nam đã gây hiệu ứng đặc biệt. Theo đó, tại di chỉ này, giới khảo cổ đã phát hiện nhiều mảnh thiên thạch nằm lẫn trong các công cụ đồ đá với niên đại có thể tới 80 vạn năm trước – tức là giai đoạn gắn với sự tồn tại của người vượn, tổ tiên của loài người.
Cùng đến dồn dập trong một thời gian ngắn, thông tin từ 3 di chỉ về người tiền sử này tất nhiên gây ấn tượng rất mạnh với dư luận. Nhưng nếu bỏ thời gian tìm hiểu thêm, chúng ta sẽ thấy: nhiều di chỉ như vậy cũng đã được tìm thấy tại Việt Nam, trong quá khứ.
Đơn cử, theo thống kê không đầy đủ, trên toàn quốc hiện có hơn 800 di chỉ liên quan tới thời tiền sử, gồm khoảng 40 địa điểm cổ sinh hóa thạch, 250 di tích thời đại đá cũ, 170 di tích sơ kỳ thời đại đá mới, 65 di tích thời đá mới sau Hòa Bình và trên 300 di tích thời hậu kỳ đá mới – sơ kỳ kim khí. Trong số này, khoảng 40 di chỉ hang động có di cốt người và cổ sinh hóa thạch như Hang Mon (Sơn La), Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn) – kèm theo đó là những vết tích đặc biệt về mộ táng, bếp, công cụ lao động.
Và, cộng cùng việc phân bố khá rộng của các di chỉ này – khi kéo từ miền núi phía Bắc xuống miền Trung, Tây Nguyên và thậm chí nhiều khả năng sẽ được xác lập tại lưu vực sông Đông Nai – có thể nói rằng "gia tài" mà người tiền sử để lại cho chúng ta là không hề ít. Vấn đề còn lại, là cách ứng xử với nó.
***
Không cần nhắc lại việc trong quá khứ, chúng ta đã từng để biến dạng khá nhiều di chỉ khảo cổ thời đồ đá bởi những hạn chế về nhận thức, cũng như điều kiện bảo tồn. Thế nhưng, ngay ở hiện tại, như nhận xét buồn của một số chuyên gia trong lĩnh vực này, những di chỉ thời tiền sử ít nhiều vẫn rơi vào cảnh "lép vế" nếu đặt cạnh những di tích dễ trùng tu để phục vụ du lịch, hoặc mang... yếu tố tâm linh.
Tình trạng ấy cũng là dễ hiểu, bởi khoảng cách hàng ngàn năm trong lịch sử đã khiến hầu hết các di chỉ khảo cổ chỉ còn là những "mảnh vụn" của quá khứ. Và, việc dựng lại cả một bức tranh đa sắc, đủ hấp dẫn khán giả hôm nay từ những "mảnh vụn" ấy là công việc vô cùng khó khăn, không chỉ với ngành khảo cổ mà cả với những chuyên gia trong lĩnh vực bảo tàng.
Rõ ràng, những rào cản ấy chỉ có thể được khắc phục bằng cách tiếp cận hợp lý trong chính sách đầu tư – và xa hơn, trong cơ chế huy động các nguồn lực xã hội. Bởi chắc chắn, khi xã hội càng phát triển, chúng ta càng không thể đánh mất quá khứ của chính mình.
Anh Bảo