Futsal qua cái nhìn của ‘dị nhân’ làng phủi Đào Ngọc Anh
(Thethaovanhoa.vn) - Không gắn bó lâu năm với Futsal vì trưởng thành từ cầu thủ sân 11 người nhưng nhắc đến Đào Ngọc Anh, chắc hẳn cả làng bóng đá phủi, cũng như Futsal đều biết đến chân sút đặc biệt này.
- CẬP NHẬT: Link trực tiếp bán kết futsal Việt Nam - Iran
- Mục tiêu của Futsal Việt Nam là chung kết, Hữu Thắng nhận 100 triệu/tháng
- CẬP NHẬT: Kết quả, lịch thi đấu VCK futsal châu Á 2016
9 tháng lương, 3 chỉ vàng và ăn cơm nhà đi đá Futsal
Đào Ngọc Anh, một nhân vật rất đặc biệt của làng bóng đá phong trào Hà Nội. Đặc biệt đến nỗi, cái tên khai sinh của anh không còn nhiều người nhớ đến, mà thay vào đó, họ nhớ đến biệt danh Anh “tệu”. Sinh năm 1970, anh Ngọc Anh trưởng thành từ lò đào tạo của Thể công sau 5 năm tập luyện ở đội năng khiếu cùng với thế hệ của Hồng Sơn nhưng cuối cùng lại gắn bó với Công an Hà Nội vì một lý do rất giản, vì gia đình anh ở ngay đối diện “đại bản doanh” của đội bóng ngành Công an.
Tuy nhiên, tên tuổi của Đào Ngọc Anh chỉ thực sự nổi như cồn khi anh chia tay với sân chơi chuyên nghiệp năm 1995 để về tung hoành trên sân bóng đá phủi với Trà Dilmah - một trong những đội bóng hay nhất trên sân 7 người ở miền Bắc trong giai đoạn này.
Thành công của đội tuyển futsal Việt Nam tại VCK futsal châu Á 2016 là kết quả của quá trình đầu tư suốt một thời gian dài.Ảnh: Quang Thắng
Con đường đến với Futsal của cầu thủ này cũng đặc biệt vì vào thời điểm đó, Futsal là một khái niệm gì đó khá mơ hồ, khi hầu hết chỉ biết đến bóng đá mini trên sân 7 người ở ngoài trời chứ chưa biết nhiều đến loại hình bóng đá 5 người thi đấu trong nhà. Ngay cả việc tham dự giải VĐQG Futsal lần đầu tiên vào năm 2007 của Ngọc Anh với CLB Dilmah Hà Nội cũng khá tình cờ. Đội bóng này dự giải vì dự định tham dự một giải đấu 6v6 bị hủy bỏ vào phút cuối và “đành” đi đá giải Futsal.
“Hồi đó, cả đội Trà Dilmah làm gì có lương hay thu nhập gì từ việc tập bóng và chơi bóng. Hầu hết đều là nhân viên của Dilmah và hưởng lương qua việc làm hàng ngày ở công ty. Tập bóng chỉ là niềm đam mê và được tạo điều kiện về thời gian bởi “bầu” Hồng (người thành lập đội bóng).
Tôi vẫn nhớ, khi mình về với bóng đá phủi, lĩnh được 12 tháng lương cuối cùng ở đội Công an Hà Nội, cầm về số tiền tương đương với 9 tháng. Sau đó về nhà xin mẹ thêm 3 chỉ vàng, thế là lên đường đi giải, tiêu hết tiền lại về với gia đình”, anh Ngọc Anh cho biết.
Những tháng ngày trên sân phủi và sau đó với Futsal trong kí ức của chân sút này cuối cùng được đúc kết lại bởi đúng hai chữ đam mê. “Cứ hết giờ đi làm là ra sân tập. Rồi đi đá hết giải này đến giải khác mà chẳng có đồng nào. Mọi việc, gần như anh Hồng lo hết, còn anh em trong đội cứ tập trung vào đá, vào tập, chẳng bao giờ nghĩ ngợi đến chuyện tiền nong.
Thế nhưng, đội Futsal Dilmah Hà Nội hồi đấy tinh thần và chuyên môn lúc nào cũng cực tốt. Năm 2007 vào Đà Nẵng đá giải VĐQG và giành Cúp, gần như không có đối thủ, dù trong đội hình 5 người thì có đến 4 đã ngấp nghé 40, riêng tôi, lúc đấy 38 tuổi vừa là đội trưởng, vừa là HLV. Nếu không phải là đam mê, có lẽ không ai làm được như thế”, anh Ngọc Anh nhớ lại những năm tháng “hào hùng” trong sự nghiệp quần đùi áo số.
Môn chơi của nghệ sỹ và thứ bóng đá văn minh
Điều tạo nên sự khác biệt của Futsal so với bất cứ loại hình bóng đá nào khác đó chính là kích thước rất nhỏ của sân thi đấu (chiều dài tối đa 42m, chiều rộng tối đa 25m), đá loại bóng có độ nảy thấp và thi đấu trong nhà.
“Chính vì điểm khác biệt này, đòi hỏi những cầu thủ chơi Futsal cần có những tố chất đặc biệt. Đầu tiên là phải chơi bóng bằng “đầu”, bằng tư duy khác biệt. Kỹ thuật cá nhân phải khéo léo, xử lý bóng phải hơi dị chủ yếu bằng gầm giày. Thể lực phải cực tốt vì cường độ, khối lượng vận động rất cao trong mật độ dày, lại phải thi đấu trong nhà ở điều kiện không khí không như ở ngoài trời rất dễ mệt và bị hốc.
Ngoài ra, chiến thuật cũng khác biệt vì thường những cầu thủ đá tốt nhất của đội Futsal lại làm nhiệm vụ phòng ngự để tạo tình huống phản công hiệu quả. Với những đòi hỏi này, người chơi Futsal giống như một nghệ sỹ trên sân khấu rất nhỏ của mình và đừng nghĩ rằng, bạn cứ đá giỏi ở sân 11 người sẽ có thể trở thành một cầu thủ xuất sắc trên sân Futsal. Còn vì sao nó là thứ bóng đá văn minh, vì luật Futsal rất chặt chẽ khi bắt lỗi cá nhân, bảo vệ người chơi một cách tối đa và làm cho trận đấu luôn diễn ra một cách sôi động. Nếu đá thô bạo, đá xấu sẽ bị xử phạt rất nghiêm và ảnh hưởng đến kết quả. Vì phạm đến lỗi thứ 6 trong một hiệp sẽ dẫn tới phạt đền”, anh Ngọc Anh chia sẻ.
Theo lời anh Ngọc Anh, những đòi hỏi này là một phần lý do khiến cho Trà Dilmah Hà Nội dù trong đội hình có những “ông già” đá bóng và là một đội bóng nghiệp dư theo đúng nghĩa đen vẫn giành được chức VĐQG Futsal đầu tiên vào năm 2007. Họ sở hữu những cầu thủ hội tụ đầy đủ phẩm chất ấy và đây chính là ký ức đầy tự hào của thế hệ đầu tiên chơi Futsal của Dilmah Hà Nội.
“Hồi ấy, chúng tôi vẫn chưa định hình rõ về chiến thuật của Futsal mà chỉ chơi theo kiểu tự phát nhưng anh em trong đội ai cũng có tư duy rất tốt khi thi đấu. Thậm chí, ĐTQG hồi đấy có đá với chúng tôi chưa chắc đã thắng được và đã từng có thời gian, trụ cột ở ĐTQG toàn là cầu thủ của Trà Dilmah. Bảo Quân ở đội tuyển hiện giờ cũng là người của Dilmah đấy chứ”.
Futsal ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn Ở tuổi gần 50, anh Ngọc Anh vẫn gắn bó với sân bóng phủi và Futsal mà theo như lời anh nói là gần như chẳng có thêm được đồng nào từ bóng đá. Mọi thứ bên sân bóng, giờ đây nó là niềm vui và cái nghiệp, nên chẳng gắn bó cũng chẳng được. Theo lão tướng này, Futsal rất có tiềm năng phát triển vì nó phù hợp với tố chất khéo léo của cầu thủ Việt. Thế nhưng, để môn bóng này thực sự mạnh lên, các nhà quản lý cần phải tạo điều kiện tối đa về cơ sở vật chất vì đặc thù thi đấu trong nhà và nếu mang Futsal ra ngoài trời đá là… vứt. Đánh giá về tấm vé dự Wolrd Cup đầu tiên mà đội tuyển Việt Nam vừa giành được, với chân sút này đó là niềm tự hào vô bờ. Futsal Việt Nam đã lên một tầm cao mới nhờ cách đầu tư, cách làm đúng đắn và được tổ chức rất bài bản, chuyên nghiệp. Nhưng giành được thành tích cao đã khó, giữ được còn khó hơn và hơn hết, thế hệ cầu thủ trẻ cần luôn phải trau dồi chuyên môn, cần cù luyện tập để có thể biến những ước mơ của những thế hệ đi trước trở thành hiện thực. |
Vũ Lê