El Nino có nguy cơ 'tái xuất', tăng nhiệt toàn cầu
Theo cảnh báo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), hiện tượng El Nino có thể sắp quay lại và sẽ gần như chắc chắn dẫn tới một đợt tăng nhiệt toàn cầu, với nguy cơ nhiệt độ sẽ tăng lên các mức kỷ lục mới.
La Nina nhường chỗ cho El Nino
WMO đánh giá khả năng El Nino diễn ra vào cuối tháng 7/2023 là 60% và cuối tháng 9/2023 là 80% và hiện tượng này sẽ dẫn tới sự thay đổi các hình thái thời tiết và khí hậu trên toàn thế giới.
El Nino là một hình thái khí hậu tự nhiên, có liên hệ với tình trạng nhiệt độ toàn cầu tăng cũng như tình trạng hạn hán xảy ra ở nhiều nơi trong khi mưa lớn ở những nơi khác. Lần gần nhất El Nino diễn ra là giai đoạn từ 2018-2019. Từ năm 2020, thế giới chịu hiện tượng La Nina - đối lập với El Nino, làm dịu nhiệt độ toàn cầu - kéo dài bất thường, mới chỉ vừa kết thúc đầu năm 2023 để nhường chỗ cho các điều kiện thời tiết trung hòa hiện nay.
Mặc dù thế giới trải qua giai đoạn La Nina dài bất thường tới gần 4 năm nhưng theo các báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ), 8 năm qua vẫn là giai đoạn ấm nhất từng được ghi nhận. La Nina đã tạm thời kìm hãm tốc độ tăng nhiệt toàn cầu, tuy nhiên El Nino có thể sắp quay lại và sẽ gần như chắc chắn dẫn tới một đợt tăng nhiệt toàn cầu, với nguy cơ nhiệt độ sẽ tăng lên các mức kỷ lục mới. LHQ nhận định nguy cơ ngày càng cao hiện tượng El Nino sẽ diễn ra trong vài tháng tới, làm nhiệt độ toàn cầu tăng cao và có thể sẽ dẫn tới những kỷ lục nắng nóng mới.
Các chuyên gia khí hậu cảnh báo rằng do tác động của El Nino thường diễn ra sau khi hiện tượng này bắt đầu nên trong hai năm tới, thế giới sẽ ghi nhận nhiệt độ tăng mạnh. Hiện chưa thể ước tính được cường độ hay thời gian mà El Nino sẽ duy trì. Đợt El Nino năm 2018-2019 khá yếu nhưng đợt trước đó, giai đoạn 2014-2016 lại là một trong những đợt El Nino mạnh nhất từng diễn ra, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Nhiệt độ toàn cầu sắp tăng kỷ lục?
Khi El Nino xuất hiện, gió thổi về phía Tây dọc theo đường Xích đạo chậm lại, khiến dòng nước ấm bị đẩy về phía Đông Thái Bình Dương, làm tăng nhiệt độ bề mặt đại dương. Nhiệt độ trung bình của thế giới có thể lên mức cao kỷ lục mới trong năm 2023 hoặc 2024 do biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết El Nino xuất hiện trở lại là nhận định của Cơ quan theo dõi Biến đổi khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Nhiệt độ tăng cao do El Nino gây ra có thể làm trầm trọng thêm những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu mà các quốc gia đang phải hứng chịu, trong đó có các đợt nắng nóng nghiêm trọng, hạn hán và cháy rừng. Nếu El Nino phát triển và con người vẫn tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch, rất có thể năm 2023 sẽ còn nóng hơn năm 2016 - là năm thế giới ghi nhận mức nhiệt cao nhất từ trước tới nay, trùng với thời điểm El Nino hoạt động mạnh.
Trong khi đó, WMO cảnh báo nhiệt độ toàn cầu có thể tăng lên mức kỷ lục trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2027 do khí nhà kính giữ nhiệt và đặc biệt là do hiện tượng tự nhiên El Nino xảy ra. Theo WMO, có 66% khả năng là nhiệt độ toàn cầu gần bề mặt trung bình hàng năm sẽ cao hơn 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp trong ít nhất 1 năm trong 5 năm tới. Có 98% khả năng là ít nhất một trong 5 năm tới, và cả giai đoạn 5 năm nói chung, sẽ nóng nhất từng được ghi nhận. Hiện tượng El Nino nóng lên gia tăng kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu lên một mức chưa từng có, gây ra những tác động sâu rộng đối với sức khỏe, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường.
Thực trạng bi đát
Theo các nhà khoa học, năm 2022 là năm có mức nhiệt cao thứ 5 được ghi nhận. Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2022 cao hơn khoảng 1,15°C so với mức trung bình của những năm 1850-1900. Châu Âu đã trải qua mùa Hè nóng kỷ lục vào năm 2022, trong khi mưa xối xả do biến đổi khí hậu đã gây lũ lụt thảm khốc ở Pakistan và diện tích băng biển Nam Cực trong tháng 2/2023 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Copernicus cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu của thế giới hiện cao hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mặc dù hầu hết các nước phát thải lớn trên thế giới cam kết sẽ đưa mức phát thải ròng về 0, nhưng lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm 2022 vẫn tiếp tục tăng.
Hiện châu Á đang trải qua một trong những đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất lịch sử dù chỉ mới đầu Hè năm 2023. Mức nhiệt cao, nhiều ngày lên tới hơn 45 độ C tại khu vực Nam Á kéo dài từ tháng 4 tới nay khiến hàng chục người ở Ấn Độ tử vong do sốc nhiệt, hàng triệu người dân Bangladesh phải chịu cảnh mất điện giữa những ngày nóng nhất trong gần 60 năm. Nhiều thành phố lớn của Trung Quốc đã ban hành cảnh báo nắng nóng, trong bối cảnh nước này đối mặt với nguy cơ nắng nóng kỷ lục thêm 1 năm nữa, có thể đe dọa nguồn cung điện, mùa màng và kinh tế.
Cục Khí tượng Thái Lan cho biết mùa Hè năm 2023 kết thúc vào giữa tháng 5 nhưng tình trạng hạn hán do tác động của hiện tượng khí hậu El Nino có thể nghiêm trọng hơn vào khoảng giữa tháng 6. Tình trạng hạn hán sắp tới được dự báo có thể nghiêm trọng hơn so với cùng kỳ các năm 2019 và 2020, và có khả năng dẫn đến một đợt nhiệt độ cao khác ở Thái Lan trong năm 2023. Trong khi đó, cháy rừng diễn biến nghiêm trọng nhiều tuần tại Canada dù đang là mùa Xuân và chưa bước vào giai đoạn cao điểm nắng Hè. Tại châu Âu, Tây Ban Nha chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán tồi tệ nhất trong 100 năm qua.
Giới chuyên gia cảnh báo tình trạng nắng nóng như thiêu đốt có thể sẽ tiếp tục xảy ra trong năm 2023 do tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino.
Hồi chuông báo động
Những năm gần đây, nắng nóng cực đoan xuất hiện với tần suất ngày càng lớn. Theo Tổ chức Thời tiết Thế giới (WWA), biến đổi khí hậu đã làm tăng tối thiểu 30 lần khả năng xảy ra sóng nhiệt, một trong những hình thái thời tiết cực đoan gây hậu quả nghiêm trọng nhất. Nếu như trước đây, những đợt thời tiết khắc nghiệt mà Ấn Độ và Bangladesh mới trải qua thường chỉ xảy ra 1 lần trong 1 thế kỷ thì với tác động của biến đổi khí hậu, tần suất này rút ngắn còn 5 năm 1 lần.
Biến đổi khí hậu cũng chính là nguyên nhân làm gia tăng mức độ nghiêm trọng và tần suất xuất hiện "El Nino - Dao động phương Nam" (ENSO) - xảy ra khi nhiệt độ lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương cao hơn so với nhiệt độ trung bình nhiều năm. Hiện tượng này thường kéo dài từ 8-12 tháng với tần suất lặp lại khoảng 3-4 lần/năm, và có thể gây ảnh hưởng lớn đến nhiệt độ, lượng mưa trên toàn thế giới.
Giới chuyên môn nhấn mạnh hiện nhiệt độ hành tinh đã tăng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, toàn cầu đang trên đà nóng lên vượt mức 1,5 độ C trong 5 năm tới. Với mỗi 0,1 độ C tăng lên, nắng nóng cực đoan và các hình thái thời tiết bất thường càng nghiêm trọng hơn, gây nhiều thảm họa hơn. Với những chính sách như hiện tại, nhiệt độ Trái Đất có thể sẽ tăng hơn 2,8 độ C. El Nino có nguy cơ sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu lên một mức chưa từng có trong giai đoạn từ 2023 đến 2027, tăng khả năng phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ.
Vậy hậu quả do El Nino gây ra là gì? Khoảng 2 tỷ người, chiếm 23% dân số toàn cầu, sẽ sống trong điều kiện nhiệt độ nguy hiểm vào cuối thế kỷ này nếu các chính sách khí hậu tiếp tục theo quỹ đạo hiện nay. Trong kịch bản lạc quan hơn, dù đảm bảo được mức tăng nhiệt của Trái Đất dưới 1,5 độ C, tới thời điểm đó, vẫn có tới 400 triệu người phải đối mặt với mức nhiệt nguy hiểm.
Đây rõ ràng là một hồi chuông báo động, đòi hỏi các quốc gia phải hành động ngay tức thì để ngăn chặn tình trạng Trái Đất nóng lên, bảo vệ sự sống trên hành tinh.