Dương Tường - 20 năm điệu chích chòe
Năm 2003, tạp luận Chỉ tại con chích chòe của nhà thơ Dương Tường được trình làng ở NXB Hải Phòng (432 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm). Đúng 20 năm sau, NXB Hội Nhà văn tái bản có bổ sung (449 trang, khổ 15 x 24 cm) và được làm lễ ra mắt tại Đường sách TP.HCM giữa tháng 1/2023. "Chích chòe" (xin viết tắt như thế) cất tiếng lần này là ấn phẩm đặc biệt, giấy láng, bìa cứng, nhiều tranh màu… mà những bạn văn thân thiết thực hiện, mừng tuổi 90 của tác giả. Vì thế mà 1.000 bản in chỉ là quà tặng văn chương, chứ không đề giá bán.
1. Là thi sĩ, cũng là nhà nhiên cứu - phê bình âm nhạc, hội họa, sân khấu… nhưng Dương Tường khởi nghiệp văn bằng nghề báo. Ông từng là phóng viên văn xã của Thông tấn xã Việt Nam từ 1955 tới 1960. Vì thế Chỉ tại con chích chòe của ông dù sâu sắc, vẫn lảnh lảnh giọng tân văn của báo chí, những gì ông viết luôn hòa điệu với thời sự văn học - nghệ thuật bằng cả những hợp âm thuận và nghịch.
Các bài Bàn lại với Hoàng Trinh (trang 175), Đính chính hộ giáo sư Hoàng Nhân (trang 212), Tạm góp ý với ông Trần Mạnh Hảo (trang 217)… là ví dụ sinh động cho giọng tân văn. Ông cũng sẵn sàng trả lời phỏng vấn về nhà văn Nguyễn Khải, trước những dằn vặt của tác giả khi đời văn của mình được vinh danh bằng một giải thưởng lớn.
Dương Tường trả lời: "Tôi chợt nhớ bộ tiểu thuyết ba tập Con đường đau khổ của Alexei Tolstoy. Phải, hành trình tư tưởng của những người trí thức Nga đi theo cách mạng quả là gian nan, đầy những khúc ngoặt hiểm trở, những tiến thoái lưỡng nan đòi hỏi những đoạn tuyệt, dứt bỏ đau đớn. Bước đường tư tưởng của Nguyễn Khải tôi nghĩ, cũng nhọc nhằn như vậy" (trang 111).
Tác phẩm ngược thời gian, sống lại những sôi động một thời mà giọng văn phản biện Dương Tường luôn tạo bất ngờ cho người đọc, khi đòn bút phản biện rất văn hóa, có lý có tính, đủ tri thức và tinh thần dũng cảm… đã không kiêng nể những "cây đa cây đề" trong làng văn, những "quan văn" đã có phần quan cách trong ứng xử.
Văn là người, văn của Dương Tường là văn của anh bộ đội từng cầm súng đánh thực dân Pháp, cứu nước, từng cầm bút làm biên dịch tại Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, là phóng viên Thông tấn.
2. Đọc kĩ Chỉ tại con chích chòe của Dương Tường lại tìm thấy những văn bản quý hiếm của những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, nhưng vì lý do nào đó bị bỏ quên, rồi có nguy cơ thất truyền. Như bài Tình thủ đô của Hữu Loan. Bài thơ có hơi sử thi và tầm cỡ trường ca - "Một kiệt tác đời hồ như quên hẳn" (trang 72).
Dương Tường kể: "… tôi gọi điện cho Mạc Lân. Từ đầu dây bên kia một giọng thều thào […]. Tao mệt lắm. Mấy hôm ngất hoài. Tao bây giờ sống thêm ngày nào là ăn gian của trời đất ngày ấy. […]". Còn nhớ bài Tình thủ đô của Hữu Loan không?. Nhớ chứ sao lại không!".
"Lòng yêu thơ như một thứ thần dược đã làm cho Mạc Lân khỏe hẳn lên… Mấy ngày liền tôi đi xe ôm vào Cầu Giấy làm việc với Lân. Có đêm rất khuya rồi Lân còn gọi điện ra. […]. Cuối cùng chúng tôi cũng hoàn tất công việc phúc chế bài thơ".
Theo nhà "khảo cổ Việt thi" Dương Tường thì Tình thủ đô viết khoảng sau chiến dịch biên giới 1950, trước trận Điện Biên Phủ 1954: "… với một xu hướng cách tân rõ rệt […], thoát hẳn khỏi ảnh hưởng của dòng Thơ mới (1930-1945). Tiết tấu hoạt, gân guốc, câu ngắn… sắc gọn như mũi chông, hình tượng bất ngờ cắm phập vào cảm quan". Ví dụ: "Đoàn giải phóng quân đi/ Như gại dao trên đường nhựa… Nắng lóa tường vôi/ Chữ cào xương nhức nhối".
Đúng chất Hữu Loan! Độc giả nào quan tâm, thì đọc nguyên văn 10 trang văn bản này, trong phần phụ lục của Chỉ tại con chích chòe.
Và mời đọc ngay một văn bản quý hiếm khác, vì nó cực ngắn, một truyện ngắn chỉ dài 2 câu, với 26 âm tiết, mà Lê Đạt viết tặng Dương Tường: "Một nhà thơ vào giờ điểm danh, nghe gọi đúng tên, giật mình đứng dậy, chớp mắt nhìn quanh rồi ấp úng trả lời: "Vắng mặt" (trang 428, bản in lần thứ nhất của NXB Hải Phòng).
Rất truyện! Có diễn biến, mô tả và đối thoại. Có thắt nút tạo kịch tính, đẩy cao trào, rồi kết thúc bất ngờ!
3. Bài viết mới nhất được bổ sung vào Chỉ tại con chích chòe là bài Dương Tường viết ngày 15/4/2022, khi chàng thi sĩ tuổi 90 kể chuyện nhạc sĩ Trinh Công Sơn chịu chơi để được trào nhạc hứng.
Chuyện rằng Trịnh thư sinh dám nhận lời nhậu kiểu Lương Sơn Bạc với anh hùng quân đội, nhà du hành vũ trụ, tướng quân Phạm Tuân. Các tay chơi thảo khấu, uống đế "sủi tăm đọng bát"! "Trịnh Công Sơn vốn chỉ quen uống rượu Tây, độ mạnh ngang tầm với Ararat, không chịu nổi quá hai bát và gục ngay… Tôi vực Sơn lên xích lô đưa về khách sạn Đồng Lợi… Tôi phải ở lại khách sạn để trông chừng Sơn đã say như chết. Nực cười thay, chính tôi cũng mệt quá, thiếp đi và người đánh thức tôi dậy lại chính là Sơn, chìa cho tôi xem bản nhạc còn tươi nét mực" (trang 388).
Đó chính là Nhớ mùa Thu Hà Nội. Ca khúc "… quyện cả chất Bùi Xuân Phái (phố xưa nhà cổ mái ngồi thâm nâu) hương cốm mới… với tiếng vỗ cảnh của bầy sâm cầm nhỏ dưới nắng tà chiều Hồ Tây" (trang 386). Một góc Hà Nội rất lập thể mà chính con chích chèo đa thanh, thơ văn nhạc họa… Dương Tường đã vu vơ khởi sự.
Vu vơ như "Ai đầu tiên gọi chích chòe khi nó còn khuyết danh là chích chòe, người đó đích thị là một nhà thơ". "Thi sĩ tôi quan niệm là kẻ đầu tiên kéo thế giới ra khỏi vùng khuyết danh" (trang 53). Dương Tường nói và viết như thế.
Dương Tường, trước hết là thi sĩ, vì trời cho ông sức kéo và cho góp sức vào cuộc co kéo đó dài lâu. Vui thay, ông kéo được ngày càng nhiều bạn đọc theo mình, khi "tôi đứng về phe nước mắt" (trang 23, toàn văn bài Để ghi trên mộ chí sau này, trong tập Thơ Dương Tường, NXB Hải Phòng, 2005).
CHỢT THU 2
Chiều se sẽ hương
Vườn se sẽ sương
Đường se sẽ quạnh
Trời se sẽ lạnh
Người se sẽ buồn
(trang 39, tập Thơ Dương Tường, NXB Hải Phòng, 2005)