Được mừng cưới 500k từ 3 năm trước, giờ nên bỏ phong bì lại bao nhiêu?
Có muôn vàn vấn đề xung quanh việc cưới xin và gây đau đầu nhất phải kể đến khoản tiền mừng cưới.
Không chỉ là ngày hạnh phúc của cô dâu chú rể, đám cưới còn đem đến niềm vui cho người thân, hàng xóm, bạn bè... Và để chúc phúc cho cặp đôi, việc bỏ phong bì mừng cưới hoặc tặng quà cưới cũng gần như trở thành một luật bất thành văn.
Tuy nhiên tiền mừng bao nhiêu lại là chuyện khiến không ít khách mời đau đầu vì bỏ nhiều thì “đau” ví mà bỏ ít thì hơi… ngại. Hơn nữa nhiều hay ít còn phụ thuộc vào chuyện cô dâu chú rể đã từng mừng cưới, đi lại với khách mời thế nào. Vậy nếu được mừng cưới 500k từ 3 năm trước, bây giờ nên bỏ phong bì lại bao nhiêu mới hợp lý đây?
Bát phở vẫn 35k thì vẫn mừng cưới 500k
Trong tình huống này, không ít người chọn phương án vẫn giữ nguyên số tiền mừng, tức là 500k. Lý lẽ mà nhóm này đưa ra là từ sự so sánh với giá hàng hóa trên thị trường, trong khoảng thời gian 3 năm vừa rồi, giá cả không thay đổi quá nhiều.
Lấy ví dụ minh họa rõ ràng hơn, Việt Anh (29 tuổi) cho biết: "Mình vẫn sẽ mừng 500k. Vì 3 năm trước bát phở 35k và bây giờ vẫn thế thì tiền mừng cưới cũng vậy thôi".
Cũng đồng tình với quan điểm này nhưng Ngọc Mai (26 tuổi) còn dựa trên tình hình thực tế: "Thật ra bây giờ đi ăn cưới ở nhà hàng, dù không thân thì mình cũng đã mừng 500k rồi. Mà mình nghĩ đi đám cưới cũng giống như ‘trả nợ’, trước đây người ta đi bao nhiêu thì trả lại bấy nhiêu thôi".
Trong khi đó Hữu Tuyên (30 tuổi) cũng chọn cách mừng lại 500k sau khi đã tính đến cả vấn đề kinh tế sau dịch bệnh. "Mình thấy 3 năm vừa rồi không quá xa vì dịch bệnh. Tất nhiên kinh tế có ảnh hưởng, thu nhập của mọi người cũng đi xuống nhưng năm nay lại là năm phục hồi rồi. Thế nên mình nghĩ không cần tăng lên hay hạ xuống tiền mừng mà vẫn giữ nguyên 500k" - anh chàng tiết lộ.
Mừng lại bao nhiêu thì còn TÙY
Không giống với ý kiến nói trên, nhiều người cho biết việc mừng cưới lại bao nhiêu còn tùy vào nhiều yếu tố. Ngoài việc dựa vào số tiền được mừng trước đó, còn phải tính đến các khía cạnh khác như khả năng tài chính hiện tại của người mừng, mức độ thân tình của mối quan hệ 2 bên theo thời gian, nơi tổ chức đám cưới cùng với quy mô của đám cưới,...
Anh Thắng (24 tuổi) chia sẻ cách xử lý của mình: "Mình sẽ tùy thuộc vào tình hình kinh tế nhưng ít nhất cũng phải 500k. Nếu bạn mời tiệc ở nhà nhà hàng thì con số có thể lên đến 700k hoặc 1 triệu. Nhưng đó là xét theo địa điểm thôi còn khó để tính yếu tố lạm phát theo kiểu 500k ngày trước bằng 1 triệu bây giờ được".
Lạm phát cũng là yếu tố được Trung Kiên (29 tuổi) cân nhắc khi được hỏi về vấn đề này. Anh chàng đưa ra phép tính: "Nếu tính lạm phát thì có lẽ con số sẽ nhỉnh hơn một chút không chênh lệch quá nhiều đâu, làm tròn thì cũng 600k là tối đa. Nhưng tính vậy thì chi li quá nên mình sẽ xem xét đến mối quan hệ của 2 bên sau 3 năm, địa điểm tổ chức đám cưới,... để đưa ra con số cuối cùng".
- Chủ tịch CLB Hà Nội chính thức xác nhận đám cưới với hoa hậu Đỗ Mỹ Linh
- Gong Hyo Jin công khai ảnh cưới với chồng ca sĩ, tín vật cưới tiền tỷ thành tâm điểm
- Hot lại ảnh cưới của Dương Mịch từ 8 năm trước: Makeup lẫn váy vóc đều xuất sắc
Thu Hương (27 tuổi) không quá quan tâm đến việc từng được mừng bao nhiêu và phải trả lại bao nhiêu. Bởi theo cô nàng: "Đám cưới thường đi với nhóm bạn bè, đồng nghiệp nên mình thường mừng cưới theo số đông. Ví dụ ngày trước mọi người mừng 300k thì mình cũng 300k, bây giờ lên 500k nên mình bỏ theo thôi. Nhìn chung là mình mừng theo thời điểm và thấy tiền mừng ngày càng tăng. Giá mà lương cũng tăng nhanh như tiền mừng cưới nhỉ?".
Tạm kết
Tất nhiên đây chỉ là 1 tình huống nhỏ trong vô số câu chuyện mỗi khi mùa cưới ập đến và cách giải quyết thế nào là tùy vào quan điểm của mỗi người. Nhưng bản chất của đám cưới là ngày vui, ngày hạnh phúc nên hãy khéo léo và tinh tế, đừng đặt nặng chuyện tiền nong nhé!
Huyền Trang