Đừng để lãng phí 'vẻ đẹp Việt'
(Thethaovanhoa.vn) - Người phụ nữ Pháp đứng ở mép ban công sơn màu vàng dưới chân trải đầy đá dăm hỏi tôi rằng đây có phải là nơi mà Catherine Deneuve đã đứng không? Bà thú nhận rằng chính bộ phim Đông Dương đã đưa cả gia đình bà tới Việt Nam, chiêm ngưỡng Hạ Long và Ninh Bình.
Tôi còn đưa bà tới quán cà phê ở phố Bát Đàn nhộn nhịp xe cộ trong khu phố Cổ Hà Nội bởi bà rất hứng thú khi biết rằng đó là nhà riêng của Như Quỳnh, nữ diễn viên sắm một vai trong Đông Dương.Trước khi trở thành văn phòng của một ngân hàng thương mại thì nó là cái quán cà phê nom giản đơn, ngoài cửa để hai con chó đá, và phảng phất hương vị của bộ phim Mùa Hè chiều thẳng đứng. Trần Nữ Yên Khê, diễn viên chính trong phim hay qua lại nhà của Như Quỳnh.
Vị khách người Pháp ấy thốt lên khẽ khàng sau khi thả mình xuống cái ghế mây và lướt quanh bốn bức tường treo những bức ảnh đen trắng nghệ thuật cỡ lớn của chủ nhà, rằng "ở đây làm tôi nhớ lại một cảnh trong phim Mùa Hè Chiều thẳng đứng là Trần Nữ Yên Khê ngó xuống từ cái gác xép cũ kỹ”.
Vertical Ray of Summer (tên tiếng Anh của bộ phim) đạo diễn bởi Trần Anh Hùng (Việt kiều) cũng nằm trong số những bộ phim làm cho nhiều người từ khắp nơi trên thế giới sau khi xem xong bộ phim đã lên mạng book vé máy bay, tìm phòng khách sạn và đặt tour tới Việt Nam.
Pháp đứng trong Top 3 quốc gia có khách du lịch tới Việt Nam nhiều nhất, thực sự đã lên cơn sốt du lịch Việt Nam sau bộ phim Đông Dương từng đoạt Oscar năm 1993 cho Phim nói tiếng nước ngoài.
"Bonjour Madam, buốc boa cho mẹ già Việt Nam", tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần cái câu nói ấy từ những người bán hàng rong khi đưa khách du lịch tới cố đô Hoa Lư. Nó là một mắt xích của một tour du lịch trong ngày bao gồm cả Tam Cốc Bích Động cùng nằm trên đất Ninh Bình.
Khi mà con thuyền nhỏ xíu đủ cho hai người nước ngoài vừa chui qua cái cầu nối con đường nhỏ chạy xiên cánh đồng lúa xanh rì dẫn về phía làng xa xa thì cũng là lúc mà khách du lịch không muốn mua đồ lưu niệm phải tìm cách từ chối khéo người chèo thuyền kiêm sản xuất kiêm tiếp thị và kiêm bán hàng.
Ngôi làng có Tam Cốc ấy có lẽ là nơi có nhiều người Việt biết nói tiếng Pháp bồi nhất ở Việt Nam cách nay 15-20 năm. Những cảnh quay đẹp mê ly ở mảnh đất này xuất hiện trong bộ phim Đông Dương cũng khiến nó trở thành một trong hai điểm đến đáng kể nhất miền Bắc Việt Nam nếu không tính Hà Nội.
Nhưng du lịch không giúp được họ quá nhiều trong quãng thời gian ấy bởi cả tháng mới được chuyến đò và những tấm khăn trải bàn thêu tay là sản vật được mời mọc để "cháu ở nhà có tiền đóng học" thực ra cũng chỉ có giá vài chục đô-la.
Phải tới 20 năm sau bộ phim Đông Dương, du lịch ở Ninh Bình mới phát triển hơn, con người phục vụ văn minh hơn sau khi có thêm Tràng An, có chùa Bái Đính, có thêm những resort qua đêm thay vì chỉ có đúng một cái khách sạn Hoa Lư 2 sao nằm chơi vơi ngay bên Quốc lộ 1.
Cách đây hai tháng, một nhóm người bạn Mỹ gửi thư trước khi qua Việt Nam bảo rằng hãy giúp họ được thăm Sơn Đoòng. Tôi nói rằng tin vui là Sơn Đoòng đã mở cửa, nhưng tin xấu là tour du lịch thăm cái hang kỳ vĩ ấy thì đã hết sạch cho tới tận đầu năm 2017.
Liệu chúng ta sẽ mất bao nhiêu lâu và sẽ có bao nhiêu lần thay đổi, cải thiện, nâng cấp để có thể biến Sơn Đoòng trở thành một điểm đến có thể đáp ứng một lượng nhu cầu ngày một tăng của khách du lịch là những người Việt và nước ngoài muốn được chiêm ngưỡng và khám phá?
Sau những thước phim kỳ diệu mà người Mỹ đã trình chiếu trực tiếp từ Sơn Đoòng trên kênh truyền hình ABC, sau hàng loạt những bài báo viết về nó thời gian qua chỉ để giới thiệu xong rồi thôi liệu có phải là sự lãng phí thời gian?
Liệu có mất hai mươi năm để tạo ra một sản phẩm du lịch đồng bộ mà trong đó sẽ không thể thiếu yếu tố chất lượng dịch vụ đạt tới chuẩn quốc tế, trên môi mỗi người đều thường trực nụ cười, luôn biết xin lỗi và cảm ơn dù đúng sai chưa biết sẽ thuộc về ai?
Việt Nam, một vẻ đẹp tiềm ẩn không thể trở thành một vẻ đẹp bị lãng phí!
Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa