(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Chúng tôi chia sẻ một số kinh nghiệm khám phá Thái Bình cho các bạn lên kế hoạch du lịch trải nghiệm ở một trong những điểm đến hấp dẫn tại miền Bắc.
Nhà thờ Bác Trạch rất đẹp nằm ở huyện Tiền Hải
1.Các nhà xe đi Thái Bình
+Nhà xe Hoàng Hà (Bến Lương Yên)
Giờ xuất bến: 05h đến 19h00
Điện thoại : 0363842177 - 0436283677 – 0439120308
+Nhà xe Anh Tuấn (tuyến Đông Hưng - Hà Nội)
Giờ xuất bến: Đông Hưng 6h20-12h30; Giáp Bát 09h10-15h20
Điện thoại : 0913308642 - 0914608127
+Nhà xe Đức Thịnh (tuyến Giáp Bát - Tiền Hải)
Giờ xuất bến : Tiền Hải 5h-13h; Giáp Bát 16h30
Điện thoại : 0363836978 -0912455186
+Nhà xe Mai Sử (tuyến Thái Bình - Hà Nội)
Giờ xuất bến : Thái Bình 4h-4h30-12h-14h; Mỹ Đình 7h30-8h-15h30-17h
Điện thoại: 0913565336 - 0944821822
+Nhà xe Ngân Sơn (Tuyến Hà Nội - Thái Bình)
Giờ xuất bến: Trà Giang 08h00; Mỹ Đình 14h15
Điện thoại: 0363810309 - 0934636858 - 0974427779
+Nhà xe Long Thu (Tuyến Quỳnh Côi - Mỹ Đình)
Giờ xuất bến : Quỳnh Côi 12h15; Mỹ Đình 16h15
Điện thoại: 0913136999
+Nhà xe Túy Hường (tuyến Thái Thụy - Thái Bình - Hà Nội)
Giờ xuất bến : Thái Thụy 06h00; Giáp Bát 11h40
Điện thoại : 0363853776 - 0912018632
2.Các tuyến xe buýt chạy nội tỉnh Thái Bình
+Tuyến 01: TP. Thái Bình - Khu công nghiệp huyện Tiền Hải.
Lộ trình: Cầu Phúc Khánh - Đường Trần Thái Tông - Đường Lý Bôn (Vườn Hoa, Bến xe khách Thái Bình, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình) - Đường Lê Lợi - Đường Lý Thường Kiệt - Quốc lộ 39 B (Thị trấn huyện Kiến Xương, Thị trấn huyện Tiền Hải) - Khu vực ngã tư xã Đông Minh huyện Tiền Hải.
+Tuyến 02: TP. Thái Bình - Thị trấn Diêm Điền huyện Thái Thụy.
Lộ trình: Trường CĐSP Thái Bình - Đường Quang Trung - Đường Lý Bôn (Vườn Hoa, Bến xe khách Thái Bình) - Quốc lộ 10 - Quốc lộ 39 (huyện Đông Hưng) - Cống Thóc thị trấn Diêm Điền huyện Thái Thụy
+Tuyến 03: TP. Thái Bình - Cầu Triều Dương (Tỉnh Hưng Yên)
Lộ trình: Trường CĐSP Thái Bình - Đường Quang Trung - Ngô Thị Nhậm - Đường Lý Bôn (Vườn Hoa, Bến xe khách Thái Bình) - Quốc lộ 10 (huyện Đông Hưng) - Quốc lộ 39 (huyện Hưng Hà) - Cầu Triều Dương tỉnh Hưng Yên
+Tuyến 04: TP. Thái Bình - Bến Hiệp huyện Quỳnh Phụ
Lộ trình: Trường CĐSP Thái Bình - Đường Quang Trung - Ngô Thị Nhậm - Đường Lý Bôn (Vườn Hoa, Bến xe khách Thái Bình) - Quốc lộ 10 (huyện Đông Hưng) - Ngã ba Đọ - Thị trấn Quỳnh Côi - Bến Hiệp huyện Quỳnh Phụ
+Tuyến 05: TP. Thái Bình - Thái Ninh, Chợ Lục huyện Thái Thụy
Lộ trình: Trường CĐSP Thái Bình - Đường Quang Trung - Đường Lý Bôn (Vườn Hoa, Bến xe khách Thái Bình) - Quốc lộ 10 - Quốc lộ 39 (huyện Đông Hưng) - Thái Giang - Thái Hà - Thái Phúc - Chợ Lục, Thái Ninh huyện Thái Thụy.
3.Một số khách sạn ở thành phố Thái Bình
1.Khách sạn Thanh Bình
Add: 142 Lý Bôn, TP Thái Bình
Tel: 0363838450
2.Khách sạn Dầu Khí (****)
Add: 458 Lý Bôn, TP Thái Bình
Tel: 0363658222
3.Khách sạn Kim Cương
Add: 373 Trần Nhân Tông, TP Thái Bình
Tel: 0363641555/Mobile: 0976611555
4.Dream Hotel (***)
Add: 355 Lý Bôn, TP Thái Bình
Tel: 0363644828
5.Khách sạn Hùng Cường
Add: 486 phố Lý Bôn, TP Thái Bình
Tel: 0363848868
6.Khách sạn Nam Thái
Add: 532 Lý Bôn, TP Thái Bình
Tel: 0363831836
7.Khách sạn Việt Đức
Add: 456 Lý Bôn, TP Thái Bình
Tel: 0363642724
8.Khách sạn Du lịch
Add: 458 Lý Bôn, TP Thái Bình
Tel: 0363844238
9.Khách sạn Kim Long
Add: 368 Lý Bôn, TP Thái Bình
Tel: 0363256666
10.Khách sạn Thu Hải Đường
Add: 46 Lý Bôn
Tel: 0363831069
11.Khách sạn Thái Bình Vàng
Add: 352 Lý Thường Kiệt
Tel: 0363831024
12.Khách sạn White Palace Thái Bình (***)
Add: 245B Trần Thái Tông, TP Thái Bình
Tel: 0363641628
4.Các điểm thăm quan, khám phá
4.0. Nhà thờ Bác Trạch
Nhà thờ Bác Trạch ở huyện Tiền Hải, khởi công năm 2006, khánh thành năm 2013, chi phí xây dựng ước tính khoảng 60 tỷ. Nhà thờ cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 25km, được xây dựng theo kiến trúc Gothic với nhiều ô cửa, nhiều tháp nhọn, vòm cung nhọn. Đây được coi là nhà thờ vào loại đẹp nhất Việt Nam, là tuyệt tác kiến trúc của Thái Bình, một kỳ công về kiến trúc Gothic, vốn được thấy nhiều dấu ấn nhất trong các nhà thờ lớn, các vương cung thánh đường.
4.1.Biển Đồng Châu
Bãi biển Đồng Châu thuộc xã Đông Minh - huyện Tiền Hải, cách thành phố Thái Bình 35 km theo tỉnh lộ đi Kiến Xương - Tiền Hải. Đồng Châu có bãi tắm dài 5 km, mang nhiều nét hoang sơ.
Điều thú vị là từ bãi tắm Đồng Châu du khách có thể đi tàu, xuồng gắn máy ra thăm và tắm biển ở Cồn Thủ, Cồn Vành cách đất liền 7 km. Cồn Thủ và Cồn Vành nổi lên như 2 ngọn sóng xanh trên cồn cát rộng khoảng 5 ha. Trên cồn có rừng thông, phi lao xanh ngắt, có những bãi tắm nhỏ yên tĩnh vàthơ mộng. Bãi biển Đồng Châu không đẹp lắm nhưng khí hậu thật trong lành, rất thích hợp cho việc nghỉ ngơi, dưỡng bệnh, đặc biệt hải sản ở đây rất ngon và rẻ.
Khu du lịch bao gồm bờ biển thuộc xã Đông Minh, Cửa Lân, hai đảo biển Cồn Thủ và Cồn Vành. Diện tích toàn khu du lịch rộng hàng chục km2, trung tâm của khu du lịch là bãi biển Đồng Châu dài 5 km, nơi đây đã hình thành hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ cao tầng phục vụ du khách bốn phương đến với Đồng Châu.
Do cát có bùn nên bãi biển cũng thích hợp với việc nuôi trồng hải sản. Bạn sẽ được tận mắt thấy những cánh đồng Vạng (ngao) với vô vàn những chòi canh, tạo nên nét đặc biệt ở Đồng Châu.
4.2.Cồn Vành
Đảo Cồn Vành, Thái Bình, được xem là cửa ngõ vịnh Bắc Bộ với bãi biển đẹp cùng triền cát trải dài, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cho một chuyến du lịch biển cuối tuần của bạn. Cồn Vành thuộc huyện Tiền Hải, Thái Bình, cách Hà Nội 140 km. Trên bản đồ du lịch biển của vịnh Bắc Bộ, Cồn Vành nằm ở vị trí trung tâm, cách vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng) không xa, lại cận kề với các bãi tắm ở Nam Định.
Nếu là một tín đồ của du lịch bụi, một trong cồn biển đẹp nhất miền Bắc này chắc chắn sẽ là điểm đến thú vị dành cho bạn.Điểm đặc biệt ở Cồn Vành là triền cát mịn, trải dài. Bạn có thể ra rất xa để tắm biển buổi sáng mà nước vẫn chỉ cao tới ngực. Tuy nhiên sóng lại khá lớn, có thể trùm kín đầu để bạn cảm nhận sự mạnh mẽ của biển cả và thiên nhiên. Những hàng phi lao chắn cát xanh ngát cũng sẽ là một điểm nhấn lý tưởng dành cho những du khách thích tạo dáng chụp ảnh.
Cái thú khi du lịch Cồn Vành phải kể đến cảm giác nằm cưỡi sóng, ngắm biển đêm, hòa cùng thiên nhiên và thưởng thức gió trời lồng lộng mang vị mặn mòi của biển, một trong những nét đặc trưng nơi đây. Ngoài ra bạn cũng có thể cùng các “cạ cứng du lịch” của mình tổ chức các trò chơi theo nhóm như câu cá, lướt ván, bóng chuyền hoặc nướng BBQ trên biển.
Cồn Vành còn khá hoang sơ, chưa lắp lưới điện quốc gia, mới chỉ có máy phát chạy từ tối đến tầm 22h thì dừng. Tuy nhiên bạn cũng không lo bị nóng vì gió ban đêm rất mát, đến độ không cần dùng quạt mà vẫn cảm thấy dễ chịu.
Nằm trong khu vực dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng được UNESCO công nhận, Cồn Vành được thiên nhiên ưu đãi về hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú và tương đối thuần khiết. Bạn sẽ như lạc vào thế giới của muôn loài chim, cò biển quý hiểm và những cánh rừng sú vẹt hoang sơ. Đặc sản ở Cồn Vành chính là những hải sản tôm, cua, cá, mực tươi sống, được bày bán ngay khi các thuyền đánh bắt từ ngoài khơi trở về, phục vụ du khách mua về làm quà.
Cồn Vành hấp dẫn khách du lịch cả bốn mùa trong năm. Tuy nhiên nếu muốn hòa mình vào cuộc sống cư dân nơi đây, bạn nên tìm hiểu kĩ để về đúng dịp lễ hội ở Cồn Vành với các hoạt động hấp dẫn của những chơi trò chơi dân gian: đi cà kheo, biểu diễn kèn đồng, trống trắc, thi bơi chài, bóng chuyền bãi biển, cắm trại... Ngoài ra bạn cũng có thể đi thăm hải đăng Ba Lạt, nơi có thể quan sát hết vẻ đẹp của biển đảo Cồn Vành từ trên cao.
4.3.Cồn Đen
Cách trung tâm thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình khoảng 35km về phía Tây dọc theo quốc lộ 39B, Cồn Đen (xã Thái Đô, huyện Thái Thụy) nằm trong vùng dự trữ sinh quyển thế giới với thảm thực vật còn nguyên sơ. Nhìn từ xa, Cồn Đen như một tấm thảm được dệt bởi nhiều cây xanh. Dọc theo cồn cát là dải thông xanh, khu vực phía trong là thảm thực vật vẫn còn nguyên sơ, với hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển độc đáo rất thích hợp cho mọi người lựa chọn làm nơi nghỉ dưỡng.
4.4.Đền Tiên La
Đền Tiên La là di tích lịch sử tâm linh, ngôi đền thờ Bát Nạn Tướng Quân (Tướng quân phá nạn cho dân - có nơi gọi là Bát Nàn hay Bát Não) Vũ Thị Thục sinh năm 17, mất năm 43, một nữ danh tướng trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng có công đánh Tô Định, được phong: “Đông Nhung Đại Tướng Quân” có từ gần hai ngàn năm nay. Đền tọa lạc giữa thôn Tiên La (trước đây là gò Kim Quy), xã Đoan Hùng - huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình trên diện tích khoảng 6000 m2. Mặt trước đền hướng ra con sông Tiên Hưng gần ngã ba đổ ra sông Luộc, là nơi tương truyền Bà đã tuẫn tiết.
Trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay đền có quy mô lớn và đẹp, bao gồm nhiều công trình như hệ thống cổng đền, tòa tiền tế, tòa trung tế, thượng điện và hệ thống sân đền, giếng ngọc…. Toàn bộ ngôi đền làm theo cấu trúc “Tiền nhất – Hậu đinh” đúng cấu trúc, theo đúng dáng vóc kiểu cổ từ cột, kèo đến đao mái uốn cong và mang dáng hình con rồng bay lên hoặc Lưỡng Long Chầu Nguyệt, có ba tòa điện chính là: Đại Bái (Tiền tế), Trung tế và Hậu điện hay còn gọi là Hậu Cung. Qua cổng (Tam quan ngoại), vào sân đền là Tam quan nội và hai bên có Lầu Cô, Lầu Cậu.
Bước lên tòa Tiền Tế gồm năm gian, du khách sẽ bắt gặp những bức đại tự với các câu đối cổ ca ngợi triều Trưng Vương và phẩm hạnh, tài sắc của nữ tướng Bát Nàn. Tòa điện Bái đường và thượng điện của đền được kiến trúc bằng vật liệu gỗ tứ thiết, nội thất được chạm trổ long- lân- quy- phượng xen lẫn với thông- cúc- trúc- mai rất tinh xảo.Tòa điện Trung tế là công trình kiến trúc đặc sắc được xây dựng theo kiểu phương đình, kiến trúc theo lối “Chồng diêm cố các”.
Điều đặc biệt là toàn bộ vật liệu xây dựng ở tòa bái đường đều được làm bằng đá như hệ thống cột đá, xà đá, kèo đá…tòa điện được xây bằng mười sáu cột đá lớn, tám xà đá và tám kèo đá. Hệ thống cột, kèo, xà đá đều được chạm khắc rất công phu và kỹ xảo. Bốn cột cái chạm tứ linh, mười hai cột quân chạm long vân, tám xà chạm thông- cúc- trúc- mai xen lẫn long- ly- quy- phượng..
Tòa cuối của đền là Hậu cung gồm ba gian nằm sâu bên trong, tương truyền đây là nơi có mộ của Bà. Trên nóc hiện còn bức đại tự rất quý đề bốn chữ: “Anh Linh Vạn Cổ” bằng chữ Hán. Gian giữa Hậu cung đặt một ban thờ, trên có ngai và tượng Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục, xung quanh thờ các tướng sỹ và quân lính của bà. Gian bên tráI thờ thân phụ, gian bên phải thờ thân mẫu của Bà.
Các ngai thờ và tượng thờ đều có từ lâu đời, theo các nhà nghiên cứu về chữ và cách chạm khắc thì có từ thời Tiền Lê, một số thuộc thời Trần và Hậu Lê. Ngoài ra, đền còn lưu giữ được nhiều đồ tế khí có giá trị thẩm mỹ niên đại từ thời Lê, các tài liệu như thần tích và sắc phong thần từ thời Lê đến thời Nguyễn, các bia đá, minh chuông…
4.5.Chùa Keo (Thần Quang Tự)
Chùa Keo, tọa lạc ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa ban đầu có tên là Nghiêm Quang, được dựng từ năm 1067 ở hương Giao Thủy, cạnh bờ sông Hồng. Đến năm 1167, chùa mới đổi tên là chùa Thần Quang.
Do ảnh hưởng mực nước sông Hồng, từ năm 1611, chùa đã được dân làng dời đi, lập lại chùa mới ở Nam Hà và Thái Bình. Việc dựng chùa mới được bắt đầu từ năm 1630, hoàn thành năm 1632. Chùa được trùng tu nhiều lần vào các thế kỷ XVII, XVIII và năm 1941. Chùa có quy mô kiến trúc rộng lớn trên một khu đất khoảng 58.000m. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Sau chùa Phật có đền thờ Thiền sư Không Lộ, người khai sơn ngôi chùa vào thời Lý.
Công trình kiến trúc nổi tiếng của chùa là gác chuông. Gác chuông cao 11,04m, có 3 tầng mái. Tầng một có treo một khánh đá (dài 1,87m), tầng hai có quả chuông đúc năm 1686, tầng ba và tầng thượng có chuông đúc năm 1796. Chùa là ngôi cổ tự nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là (Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Hằng năm vào ngày mồng bốn tháng giêng âm lịch, nhân dân làng Keo xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình lại mở hội xuân ngay ở ngôi chùa mang tên làng.
Hơn chín tháng sau, vào các ngày 13, 14, 15 tháng chín âm lịch, chùa Keo lại mở hội mùa thu. Đây là hội chính, kỷ niệm ngày Thiền sư Không Lộ (1016-1094), người sáng lập ngôi chùa, qua đời (Ngài qua đời ngày 3 tháng 6 âm lịch). Trong ngày hội, người ta tổ chức lễ rước kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng và tiểu đỉnh.
4.6.Làng vườn Bách Thuận
Làng vườn Bách Thuận thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Là làng vườn trù phú với những vườn cây ăn quả và cây cảnh.Làng nằm cách thành phố Thái Bình 20km theo hướng cầu Tân Ðệ đi Nam Ðịnh. Ðây là một làng vườn trù phú, rìa làng là bãi phù sa nơi trồng dâu nuôi tằm và chuối, mía. Trong làng là những vườn cây ăn quả, cây cảnh.
Ðến Bách Thuận, du khách như lạc vào một công viên thu nhỏ với đủ các gam màu đậm nhạt... Dọc hai bên đường làng là màu xanh thẫm của ngâu và màu xanh tươi của hoè. Thiên nhiên đã ưu đãi cho Bách Thuận phát triển nghề vườn truyền thống. Ở đây có đủ các loại hoa, quả bốn mùa: táo, ổi, roi, mận, chanh, nhãn, vải, hồng xiêm, cam, quýt, chuối, mít... Bên cạnh những vườn cây ăn quả là những vườn cây cảnh, cây thế.
Mỗi loại cây cảnh đều mang một dáng nét riêng với những tên gọi khác nhau tuỳ theo sự uốn tỉa của chủ nhân. Vào dịp nước lên, đường làng Bách Thuận ngập nước, biến thành những dòng sông nhỏ, từ nhà nọ muốn sang nhà kia đều đi bằng thuyền. Thật tuyệt vời khi du khách được ngồi trên những con thuyền nhỏ thăm vườn cảnh, với tay hái những chùm quả trĩu ngọt để thưởng thức hương vị hoa quả làng vườn.
Bách Thuận còn là một làng quê cổ, tiêu biểu cho các làng quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nơi đây có chùa Từ Vân và Bách Tính đã được Nhà nước xếp hạng di tích cần được bảo vệ, là một điểm du lịch để du khách tới thắp hương, vãn cảnh.
4.7.Làng chạm bạc Đồng Xâm
Làng Đồng Xâm nằm ở phía Bắc của huyện Kiến Xương, thuộc xã Hồng Thái. Nghề chạm bạc ở Đồng Xâm đã có từ thế kỷ XVII nghĩa là đã tồn tại gần 400 năm nay. Buổi đầu là nghề hàn đồng, gò thùng chậu, đánh dao kéo, chữa khoá, làm quai và vòi ấm tích, điếu bát... về sau mới làm đồ kim hoàn, chuyên sâu về chạm bạc.
Cũng như nhiều nghề thủ công cao cấp khác, như đúc đồng, luyện kim... nghề kim hoàn mang lại thu nhập cao cho người thợ, kỹ thuật lại hết sức phức tạp, nên suốt mấy trăm năm người Ðồng Xâm luôn giữ bí mật nghề. Ðến nay, kỹ thuật này không còn là độc quyền của thợ Ðồng Xâm nữa, nhưng một số thủ pháp kỹ thuật và nghệ thuật tinh xảo nhất vẫn được giữ bí truyền. Phường chạm bạc xưa đã qui định chặt chẽ trong hương ước của làng rằng: người nào đem bí quyết nghề truyền dạy cho nơi khác, cho người làng khác, hay làm đồ giả để lừa người khác, gây sự bất tín thì phải phạt thật nặng... hoặc đem đánh đòn trước nhà thờ Tổ, hoặc phải xoá tên trong phường.
Hàng chạm bạc Ðồng Xâm khác hẳn và nổi trội so với hàng bạc của các nơi khác ở các kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm, ở các đồ án trang trí tinh vi mà cân đối, lộng lẫy mà nổi rõ chủ đề chính, ở thủ pháp xử lý sáng-tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc. Ðặc trưng của sản phẩm Ðồng Xâm là sự điêu luyện tế nhị và hoàn hảo tới mức tối đa. Có thể nói rằng tài năng và tính cẩn trọng của nghệ nhân bạc Ðồng Xâm đã và đang có thể đáp ứng được mọi yêu cầu sử dụng đồ chạm bạc của những khách hàng khó tính và am tường nghệ thuật nhất.
4.8.Đền Đồng Xâm
Đền Đồng Xâm là cả một quần thể di tích có quy mô hoành tráng, rộng lớn trong đó thờ Triệu Vũ Đế, đền thờ Trình thị Hoàng hậu (vợ vua Triệu Vũ Đế) và đền thờ Nguyễn Kim Lâu (vị tổ nghề chạm bạc cổ truyền) cùng hệ thống đền chùa nằm kề sông Vông.
Trung tâm của cụm di tích của đền Đồng Xâm là một tổng thể kiến trúc đồ sộ với gần 10000m2 xây dựng với nhiều công trình kiến trúc hùng vĩ và tuyệt đẹp như Vọng Lâu, Thuỷ toạ, Hoành mã, Sân tế, toà tiền tế, phương đình, toà điện thờ, hậu cung, nhà thờ tổ sư nghề chạm bạc...
Thủy Tọa là một ngôi nhà hình lục lăng cao chất ngất gồm sáu cửa vòm quay ra các hướng, từ đây du khách có thể ngắm được toàn cảnh sân tế và các đường thuyền đua tấp nập trên sông khi có lễ hội.
Tòa tiền tế của ngôi đền là một tòa đại đình gồm 5 gian rộng, với quy mô đồ sộ có chiều cao tới 13 mét và kiểu dáng kiến trúc bề thế ít gặp ở các di tích khác. Nối liền toà tiền tế tới hậu cung là toà điện Trung tế được kiến trúc theo kiểu Phương đình. Mặt bằng ở khu vực này được các nghệ nhân xử lý cực kỳ hợp lý, từ ba gian của toà tiền tế được rút lại một gian chính giữa làm nền của toà Phương đình.
Tòa Hậu cung của đền được cấu trúc thành hai bộ phận liên hoàn là toà điện năm gian, nối với gian trung tâm là phần chuôi vồ được tôn cao mặt bằng để đặt khám gian. Phía hiên ngoài Hậu cung được bài trí hài hoà bằng những đại tự, cuốn thư, câu đối cùng hệ thống y môn gỗ chạm. Hệ thống cánh cửa khay soi ở ba gian trung tâm của toà hậu cung được chạm thủng với đề tài bát bửu, hoa văn, dây lá, chữ triện trên 12 ô cửa của Hậu cung tạo cảm giác lâng lâng thoát tục cho du khách trước khi bước qua ngưỡng cửa vào đây.
Khám gian đặt tại Hậu cung là một tác phẩm độc đáo mang nét đặc thù của làng nghề chạm bạc, đồng, sắt. Khám gian được phong kín bằng những lá đồng chạm thủng với các đề tài khác nhau như tứ linh, tứ quý... Trong khám thờ đặt tượng Triệu Vũ Đế và Hoàng hậu Trình thị, cỡ tượng to tương đương người thật và đều được đúc bằng đồng khảm vàng, bạc, thiếp bạc...Có thể nói, đền Đồng Xâm có thể xem như một tập đại thành của nghệ thuật chạm khắc gỗ, đá, kim loại, đắp vữa của Việt Nam thời Nguyễn
5.Món ngon Thái Bình
5.0.Bánh Cáy Làng Nguyễn
Bánh cáy là thức bánh dân giã được làm từ đôi bàn tay khéo léo của người dân làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng. Bánh cáy xắt miếng, nhâm nhi bên ấm trà xanh nóng vừa có vị ngọt, bùi, béo đan xen độ giòn, dẻo, dai mềm mại. Trong tiết trời se lạnh, vị cay nóng của gừng khiến cho người ăn cảm thấy ấm dạ, khoan khoái.
Bánh cáy được làm từ gạo nếp, lạc, vừng và các gia vị cùng các loại lá, quả để tạo màu vàng, trắng, xanh. Nét độc đáo của bánh cáy làng Nguyễn chính là sự kết hợp các nguyên liệu từ hoa màu trong đời sống, tạo nên một thứ bánh dẻo, thơm và có hương vị đặc trưng.
Bánh cáy làng Nguyễn được chọn lựa nguyên liệu kỹ càng, gồm có nếp cái hoa vàng tròn mẩy, gấc chín đỏ, lạc, vừng rang vàng, mỡ phần, cơm dừa xắt lát ướp đường, mứt bí dẻo thơm, mạch nha, tinh dầu hoa bưởi. Để làm một chiếc bánh cáy, đòi hỏi nhiều công phu bởi nguyên liệu chính là gạo nếp nhưng các phụ liệu lại khá nhiều, mỗi loại nguyên liệu lại có một cách xử lý riêng.
Gạo nếp làm bánh được chia làm 2 phần, một phần đồ xôi với nước quả gấc tạo nên màu hồng thắm; phần còn lại đồ xôi với nước quả dành dành tạo nên màu vàng tươi. Hai loại xôi này đều được giã bằng chày như làm bánh giầy. Sau khi giã nhuyễn đều, cán mỏng, cắt thành lát như mứt bí rồi sấy khô. Sấy xong cho vào chảo mỡ lợn đang sôi đảo đều tới khi lát bánh thơm giòn. Các nguyên liệu phụ như lạc, vừng được rang chín ròn, xát bỏ vỏ.
Gạo nếp hoa vàng được rang nổ bỏng, nở tung, sạch trấu, dậy mùi thơm. Mỡ lợn khẩu muối đường hơn nửa tháng, đem ra thái nhỏ như hạt lựu, xào ngọt lấy độ trong, giòn. Cà rốt xào nước đường, nước gừng, vỏ quýt tươi được chuẩn bị đầy đủ.Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị trộn đều với đường mía, hâm nóng trên chảo đến khi đạt tới mùi thơm kỹ thuật thì đưa vào khuôn gỗ được chuẩn bị sẵn có lót vừng bên trong, nhồi nén cho bánh trở nên cứng, sau đó lấy ra cho vào bao bì, ta sẽ được bánh cáy thành phẩm. Bánh không phơi nắng, không sấy qua lửa nhưng để được rất lâu nếu làm đúng kỹ thuật.
5.1.Gỏi Nhệch Thái Thụy
Theo lời câu hát đến với Diêm Điền (Thái Thụy) là đến với những hàng phi lao xanh mát, còn theo bước chân lữ khách là đến với đặc sản Gỏi Nhệch quê nhà. Nhệc là một loài sinh vật biển nhìn giống con rắn, loài vật này có thịt rất tươi ngon, và thơm được người dân nơi đây chế biến thành một món đặc sản độc đáo. Nhệch được làm sống cắt , thái miếng nhỏ bóp một loại thính đặc biệt và trộn cùng với riềng, mẻ, tương, ớt.. đủ các vị chua, cay, mặn, nồng – khi ăn được chấm nước mắm loại đặc biệt, ăn cùng quả vẹt, lá xung, lộc vừng và nhiều thứ lá khác tạo hương vị đậm đà đặc biệt, chỉ cần thưởng thức một lần sẽ không thể nào quên.
5.2.Nộm Sứa Thái Thụy
Nộm sứa từ lâu đã trở thành món ăn dân dã và giàu giá trị dinh dưỡng. Mỗi vùng quê lại tạo ra được hương vị riêng vốn có và nộm sứa Thái Thụy – Thái Bình chắc chắn sẽ khiến ai đã từng thưởng thức sẽ nhớ mãi không quên. Vì vậy mà người dân Thái Thụy từng có câu: “Tới Thái Thụy mà chưa thưởng thức nộm sứa coi như chưa về”. Vì vậy đừng quên thưởng thức món ăn này khi đến Thái Bình.
5.3.Canh cá Quỳnh Côi
Người Quỳnh Côi có nghề làm bánh đa, đó là những chiếc bánh đa gạo tròn to đem nướng giòn chia cho trẻ con hay bánh đa thái sợi, phơi khô để nấu món ăn với thịt, cá, tôm... Bánh đa Quỳnh Côi là bí quyết nhà nghề ít nơi nào sánh được, sợi nhỏ đều tăm tắp, chỉ nhỉnh hơn chiếc tăm tre một chút, được phơi khô có màu trong suốt. Thế rồi khi nấu, sợi bánh nở ra màu trắng tinh, giòn dai và thơm thơm mùi gạo.
Thứ bánh đa này là nguyên liệu quan trọng làm nên hương vị món bánh đa cá Quỳnh Côi. Cũng cá, cũng rau, cũng chừng ấy gia vị nhưng không có bánh đa Quỳnh Côi thì món canh bánh đa chưa ra chất đặc sản. Những sợi bánh trắng ngần ấy không dễ kiếm ở các đô thị lớn, cũng không hiện diện trong nhà hàng, khách sạn, chỉ có chợ quê mới tìm được, lại rẻ như một thứ thức ăn bình dân.
Nguyên liệu chính của món ăn này là cá quả (cá lóc), hoặc cá trắm, trắm đen càng ngon. Người ta đem làm sạch, lóc phần thịt nạc, khéo léo lách bỏ xương, rồi đem thái thành miếng dày chừng hơn nửa phân, ướp với chút nước mắm ngon, tiêu bột và nước cốt nghệ. Để đạt hương vị của món ăn, nhất thiết phải dùng nghệ tươi giã nhuyễn bỏ xác chứ không phải thứ bột nghệ người ta bán sẵn ngoài chợ.
Cá được tẩm ướp chừng nửa giờ cho thấm, khi xong lại được cho lên vỉ nướng qua than hoa cho thơm và chín tới, sao cho lớp vỏ ngoài vừa se lại, thịt cá bên trong vừa chín thì bỏ ra khỏi vỉ đem chiên lên tới khi vàng sẫm. Phần cá dính chút xương vây, người ta đem băm nhuyễn với hành khô, tiêu và ớt quả tươi, nhuyễn đến độ xương không còn lạo xạo mà quyện vào với thịt cá.
Khi cá đã nhuyễn, người ta nặn thành từng viên chả đem chiên vàng hai mặt. Chả chiên xong mỏng và xốp, giòn giòn, thơm cay rất đặc trưng. Phần đầu và xương sống cá được ninh để lấy thứ nước dùng trong và ngọt đậm đà. Thêm ít rau gia vị là hành lá, thìa là, rồi cứ mùa nào thức nấy khi thì thêm rau rút (nhút) vào mùa nóng, khi thì thêm rau cần hoặc rau cúc tần vào mùa lạnh
5.4.Ổi bo
Ổi thì dường như ở miền quê nào cũng có, nhưng ổi Bo Thái Bình không bị hoà trộn với bất cứ loại ổi nào, bởi dường như nó đã hội tụ những gì tinh tuý nhất của đồng đất và con người quê hương Thái Bình. Những ai đã từng một lần thưởng thức ổi Bo hẳn sẽ rất ấn tượng với vị thơm ngọt man mát, cùi dầy, ít hạt, thơm dòn.
Quả ổi Bo có nhiều loại: có loại quả nhìn giống như quả cam dẹt, có loại quả lại như quả lê (hay quả đu đủ nhỏ), lại có quả giống như quả găng có năm múi và năm khe. Nhưng chất lượng và vị ngon của giống ổi Bo chính hiệu - tức là loại quả được trồng trên đất nguyên thổ của làng Bo, với chất đất phù sa nhẹ tốt, mỗi năm chỉ cho thu hoạch một vụ vào tháng 7 hàng năm thì không giống ổi ở đâu sánh bằng.
Bởi cũng là giống ổi Bo được ươm trồng ở đất Thái Bình, nhưng khi mang đi trồng ở tỉnh khác thì hương vị và chất lượng lại thay đổi hoàn toàn. Cây ổi Bo cũng thể hiện nét riêng đặc biệt của mình đối với người trồng và thưởng thức nó: khi hái ổi phải hái bằng nèo không được trèo lên cây, và cành ổi cũng không được rũ xuống gần đất có như vậy ổi mới không bị chua.
Khi ăn ổi Bo không nên dùng dao để cắt như vậy ăn miếng ổi sẽ thấy chua, phải ăn một cách bình dị dân dã mới ngon, cứ dùng răng cắn vào thịt quả ổi để cảm nhận hương vị đặc trưng của nó. Đầu tiên là thấy vị chát, sau là chua dịu, rồi vị ngọt thấm dần vào đầu lưỡi, vào khoang miệng và lưu lại trong cổ họng.
5.5.Bún bung hoa chuối
Nếu bạn đã từng ăn món bún bung chân giò Hà Nội thì sẽ thấy sự khác biệt rõ nét khi thưởng thức bát bún bung đúng kiểu và có một không hai chỉ ở Thái Bình này. Bát bún với nguyên liệu là bún sợi to, thịt chân giò thái mỏng được luộc thơm phức , móng giò lợn quê hầm chín vừa tầm.
Hai vị chả được chế biến rất cầu kỳ theo khẩu vị địa phương. Một viên chả thịt băm rán giòn mang đến vị thơm, ngậy. Một viên chả thịt, được gói trong lá sương xông, lá lốt, bung mềm, vừa dậy mùi thơm đặc trưng vừa ngọt bùi, khiến món ăn trở nên thực sự đặc sắc. Ngoài ra nước dùng của món bún bung Thái bình không trong như bún bung Hà Nội, nước dùng có màu nâu ngả hồng do có sự kết hợp giữa nước xương ống và hoa chuối bung cùng vị chua thanh của mẻ và 1 chút mắm tôm nồng đượm.
Chính sự kết hợp tinh tế này mà món bún bung Thái Bình dù rất nhiều thịt và giàu đạm nhưng người ăn không có cảm giác ngấy khi ăn 1 bát bún cùng lượng thịt khác. Đấy là lý do mà đa phần những người thích ăn thịt đều "nghiện" món bún bung này. Bún được ăn kèm rau muống thái nhỏ, hoa chuối thái mỏng và chút lá tía tô.
6.Một số quán ăn/uống ngon ở Thái Bình
6.1.Canh cá Phúc Tửu: Số 118 Hai Bà Trưng; 39 Phan Bội Châu; Lô 6 đô thị Kỳ Bá
6.2.Quán Vườn Tre: giữa đồng, ven sông ở huyện Đông Hưng
6.3.Quán vườn ở chân cầu Vũ Ninh: Đi từ thành phố hướng xuống Kiến Xương, tới chân cầu Vũ Ninh tiếp giáp Vũ Quí.
6.4.Nhà hàng Đức Hải: Số 7 Khuôn Viên Nhà Văn Hóa Lao Động, TP Thái Bình
6.5 Nhà Hàng Anh Anh: Số 10 phố Đốc Nhưỡng, TP Thái Bình
6.6 Nhà Hàng Tùng Tùng: Số 162 Tổ 5, Phố Trần Thánh Tông, TP Thái Bình
6.7 Cơm Tám, Gà Rang: Số 273 Quang Trung, TP Thái Bình
6.8 Đại Lộc: Số 422 Trần Thánh Tông, TP Thái Bình
6.9 Nhà Hàng 30/6: Số 16B Quang Trung, P Thái Bình
6.10 Nhà Hàng Thái Bình: Số 276A Trần Thánh Tông, TP Thái Bình
6.11 Tầng 10 Cafe Kim Long thuộc tòa nhà Hoàng Hà, ngay cạnh Bến Xe Hoàng Hà trên đường Lý Bôn