Du lịch Việt Nam vượt sóng gió, đi vào chiều sâu chất lượng
(Thethaovanhoa.vn) - Trong năm 2014, ngành du lịch Việt Nam đã đón được 7,87 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 38,5 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 230.000 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2013), cao nhất từ trước tới nay. Đây thực sự là kết quả đáng khích lệ đối với một năm đầy rẫy khó khăn, thử thách như năm 2014. Đặc biệt là tốc độ tăng trưởng về tổng thu du lịch cao hơn tốc độ tăng trưởng lượng khách cho thấy vấn đề chất lượng của du lịch Việt Nam đã được chú trọng và cải thiện đáng kể.
Nhân dịp năm mới 2015, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuần nhằm nhìn lại những thành quả của du lịch Việt Nam năm 2014 và hướng tới những hoạt động trong năm 2015.
* Trong năm 2014, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của sự kiện Biển Đông, dịch bệnh Ebola… nhưng du lịch nước nhà vẫn đón được hơn 7,8 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ hơn 38,5 triệu lượt khách nội địa. Xin Thứ trưởng cho biết du lịch Việt Nam đã có những biện pháp cụ thể như thế nào để vượt qua sóng gió, hoàn thành nhiệm vụ của năm 2014?
- Trước hết đó là sự chủ động ứng phó và hiệp đồng tác chiến giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp, các địa phương trọng điểm về du lịch và các ngành có liên quan dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch trước những thách thức nảy sinh và những bất cập tác động đến ngành du lịch Việt Nam năm 2014.
Trên đà phát triển từ các năm trước, các sản phẩm du lịch tiếp tục được hoàn thiện, phát triển, với sự ra đời của một số cơ sở lưu trú đẳng cấp khu vực, thế giới, hạ tầng tiếp tục được nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng điểm đến và sự tiếp cận thuận tiện của khách du lịch, cải thiện môi trường du lịch, cùng với việc xúc tiến, quảng bá trọng tâm hơn với các thị trường trọng điểm và sự phối hợp, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, doanh nghiệp được tăng cường.
Năm 2013, 2014 có 5/7 quy hoạch vùng du lịch, 2 khu du lịch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai, chiến lược Marketing du lịch đến năm 2020 được ban hành góp phần cụ thể hóa chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tiếp tục hoàn thiện khung quy hoạch, chính sách thúc đẩy sự phát triển của du lịch Việt Nam và chủ động mở rộng một số thị trường du lịch.
Từ đầu tháng 5/2014, diễn biến bất lợi từ việc Trung Quốc gây căng thẳng tại Biển Đông đã tác động nhiều mặt đến ngành du lịch Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch họp ngay đầu tháng 6 năm 2014. Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch đã thống nhất ban hành Kế hoạch số 1836 chỉ đạo phối hợp triển khai một số giải pháp về thông tin, xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm để thu hút khách du lịch.
Chiến dịch quảng bá Việt Nam - Điểm đến An toàn, Thân thiện, Hấp dẫn “Exciting Viet Nam” với 14 nội dung.
Các chương trình, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường tập trung trọng tâm hơn bao gồm: tổ chức khảo sát thực tế cho báo chí quốc tế và trong nước đến các địa phương trọng điểm du lịch để phóng viên chứng kiến và phản ánh thông tin khách quan, góp phần giới thiệu về điểm đến du lịch Việt Nam; tổ chức các đoàn doanh nghiệp lữ hành từ các thị trường trọng điểm và tiềm năng của du lịch Việt Nam (Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Pháp, Mỹ...); liên kết, hợp tác với các nước trong khu vực tăng cường trao đổi khách và cùng khai thác khách từ thị trường thứ ba; tổ chức các chương trình phát động thị trường có trọng tâm, đầu tư quy mô lớn hơn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Đài Loan; gia tăng quy mô tham gia một số hội chợ du lịch quốc tế; tổ chức các chương trình kích cầu du lịch song hành với đẩy mạnh truyền thông trong nước; tạo điều kiện trao đổi, phối hợp giữa các hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp...
Các Tổ Công tác đặc biệt được thành lập, triển khai một số giải pháp về thông tin, xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm để thu hút khách du lịch, đồng thời tăng cường các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, hiệp hội, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch; phát động Chương trình kích cầu du lịch.
Để đảm bảo môi trường du lịch Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 4/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, năm 2014 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với các Ban, Bộ, Ngành, địa phương đã, đang chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt và áp dụng các biện pháp cụ thể, đồng bộ, hiệu quả để tạo ra chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, coi đây vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là công việc thường xuyên, lâu dài nhằm xây dựng Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Năm 2014 cũng là năm thành công của du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế với hàng loạt điểm đến, món ăn, khách sạn được tôn vinh, bình chọn trên các phương tiện truyền thông quốc tế.
Qua lăng kính bình chọn của độc giả và khách du lịch thế giới, uy tín, thương hiệu Du lịch Việt Nam được quốc tế ghi nhận ngày càng rõ nét, thể hiện bởi kết quả bình chọn của các tổ chức truyền thông quốc tế có uy tín về du lịch năm 2014 dành cho các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam đã từng bước khẳng định rõ nét uy tín, thương hiệu của Du lịch Việt Nam nói chung và địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch được bình chọn nói riêng.
Đây là những tín hiệu tốt, làm tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo của du lịch Việt Nam trong những năm tiếp theo.
* Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết chuyên đề về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo Thứ trưởng, Nghị quyết này sẽ có tác động như thế nào trong việc thúc đẩy sự phát triển của du lịch nước ta trong thời gian tới?
- Nghị quyết này đầu tiên sẽ tác động để các cấp, các ngành nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch, là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo.
Tiếp đến là các cơ chế, chính sánh tăng cường hỗ trợ của nhà nước cho phát triển du lịch thông qua các chương trình, đề án, chính sách ưu đãi đầu tư để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Công tác tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn để thu hút khách và phát triển du lịch tiếp tục được đặt ra với hệ thống giải pháp đồng bộ. Đồng thời việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch được phân công cụ thể để giải quyết những kiến nghị của các doanh nghiệp du lịch, tạo điều kiện và môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương được Nghị quyết chỉ rõ với các Bộ, ngành, địa phương.
Có thể nói từ nhận thức, đến hành động qua kế hoạch, chương trình, đề án, các nhiệm vụ cụ thể, đồng thời với công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát, nếu được thực hiện đúng, đầy đủ Nghị quyết sẽ đi vào cuộc sống một cách bền vững, góp phần quan trọng khai thác, phát huy hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên du lịch của đất nước, tận dụng cơ hội thuận lợi trong nước và quốc tế, tạo bước phát triển đột phá cho ngành du lịch trong thời kỳ mới.
* Năm du lịch quốc gia là sự kiện quan trọng hàng năm của ngành du lịch Việt Nam, góp phần đánh thức tiềm năng du lịch và tôn vinh văn hóa, di sản nhiều vùng, miền. Thứ trưởng có thể cho biết những kết quả của Năm du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên- Đà Lạt?
- Qua 74 hoạt động được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tỉnh vùng Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Lâm Đồng đã góp phần tạo chuyển biến về nhận thức, xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch vùng Tây Nguyên ấn tượng với việc củng cố, hoàn thiện và xây dựng một số sản phẩm du lịch mới, đa dạng, mang đặc trưng Tây Nguyên, kết cấu hạ tầng du lịch được nâng cấp, một số khu, điểm du lịch được đầu tư, cùng với công tác quảng bá, xúc tiến được tăng cường đã góp phần thu hút khách du lịch đến Tây Nguyên nhiều hơn, cơ bản đạt được mục tiêu, yêu cầu của Năm Du lịch quốc gia 2014 - Tây Nguyên - Đà Lạt.
Kết quả về lượng khách năm 2014 đạt khoảng 6 triệu lượt, tăng 14% so với năm 2013, trong đó khách quốc tế ước đạt 170 ngàn lượt, tăng 5% so với năm 2013, doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 8.500 tỷ, tăng 15% so với năm 2013.
Đây là những số liệu đáng mừng và là tiền đề để các địa phương trong vùng Tây Nguyên tiếp tục phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để phát triển du lịch trên đà tiếp nối kết quả của Năm Du lịch quốc gia 2014. Những kết quả trên góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của du lịch Việt Nam.
* Ngành du lịch Việt Nam kì vọng điều gì trong năm 2015, thưa Thứ trưởng?
- Đó là sự tăng trưởng bền vững của du lịch Việt Nam, từ sản phẩm, quảng bá đến nhân lực nhằm mục tiêu thu hút khách du lịch đến Việt Nam, dần khẳng định vị thế về du lịch trong khu vực.
Năm 2015, ngành du lịch sẽ tập trung triển khai Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong tình hình mới, đồng thời thực hiện các quy hoạch Vùng, tăng cường cơ chế liên kết, phối hợp, điều tiết du lịch Vùng, tập trung xây dựng sản phẩm đặc trưng của từng Vùng, ưu tiên phát triển du lịch biển đảo; tăng cường phối hợp, liên kết ngành, đặc biệt giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao... các hãng hàng không; tập trung kiểm soát chất lượng sản phẩm du lịch, triển khai Chiến dịch cải thiện môi trường du lịch và các nhiệm vụ của Chỉ thị số 18/CT-TTg, Chương trình kích cầu du lịch; tập trung quảng bá, xúc tiến trọng tâm theo kế hoạch với các thị trường trọng điểm một cách bài bản hơn, có lộ trình và huy động nguồn lực tương ứng; tăng cường đối thoại công tư; đổi mới việc tham gia các Hội chợ du lịch quốc tế để thu hút sự hưởng ứng, cộng đồng trách nhiệm của các doanh nghiệp vì hình ảnh du lịch quốc gia và tập trung đào tạo nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, đặc biệt chú trọng đội ngũ hướng dẫn viên quốc tế.