Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Thêm nhiều người được giải cứu sau hơn 200 giờ mắc kẹt
Trong bối cảnh cơ hội tìm thấy những người sống sót sau thảm họa trận động đất kinh hoàng hơn 1 tuần trước ngày một mong manh hơn, các lực lượng cứu hộ - cứu nạn vẫn không vì thế mà bỏ cuộc.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm sự sống và giải cứu nạn nhân của họ đã giúp hiện thực hóa nhiều phép màu.
Ngày 15/2, bà Cemile Kekec (74 tuổi) đã được giải cứu sau hơn 9 ngày bị mắc kẹt dưới đống đổ nát ở tỉnh miền nam Kahramanmaras, tâm chấn của hai trận động đất độ lớn 7,7 và 7,6 - dư chấn của trận động đất độ lớn 7,8 ban đầu.
Những hình ảnh trên các phương tiện truyền thông cho thấy các thành viên của đội cứu hộ đã ôm chầm lấy nhau, gương mặt ánh lên vẻ hạnh phúc khi bà Cemile Kekec được đưa ra ngoài và chuyển tới xe cấp cứu. Tại bệnh viện, bà sẽ được điều trị các vấn đề về thận, một vấn đề sức khỏe phổ biến của những người sống sót sau trận động đất nhưng bị mắc kẹt trong thời gian dài.
Cô Melike Imamoglu, 42 tuổi, cũng đã được giải cứu sau 222 giờ mắc kẹt. Tuy nhiên, niềm vui của Imamoglu không trọn vẹn khi chồng và con của cô đã thiệt mạng trong đống đổ nát.
Tại thành phố Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của thảm họa động đất, lực lượng cứu hộ của Argentina cũng đã giải cứu thành công 3 nạn nhân, gồm 2 người trưởng thành và 1 trẻ nhỏ.
Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, hiện hơn 8.000 người đã được đưa ra khỏi những đống đổ nát một cách an toàn, trong khi hơn 81.000 người bị thương đã được xuất viện.
Ngoài các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, ưu tiên hiện nay của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ còn là hỗ trợ những người sống sót, khi hàng chục nghìn người đang phải vật lộn để đáp ứng các nhu cầu cơ bản trong tiết trời giá buốt mùa Đông.
Cơ quan Quản lý thiên tai và tình trạng khẩn cấp (AFAD) của Thổ Nhĩ Kỳ đã dựng lều và trại container cho hàng nghìn gia đình, nhưng vẫn còn rất nhiều người gặp khó khăn trong việc tìm nơi trú ẩn.
Cơn địa chấn độ lớn 7,8 cùng các dư chấn sau đó đã tác động nghiêm trọng tại 10 tỉnh thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, ảnh hưởng đến giao thông vận tải, năng lượng, khả năng tiếp cận thực phẩm và nước uống, cũng như gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng vệ sinh.
Hiệp hội Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo rằng những khu vực trên đang bước vào giai đoạn nguy hiểm nhất về các bệnh truyền nhiễm, nhấn mạnh rằng các biện pháp được thực hiện cho đến nay là không đủ.
Trận động đất sáng 6/2 là thảm họa kinh hoàng nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ trong thế kỷ qua, kể từ sau trận động đất ở tỉnh Erzincan (miền Đông nước này) năm 1939, cướp đi sinh mạng của 33.000 người.
Ông Orhan Tatar, một quan chức của AFAD, cho biết đã có sự dịch chuyển đứt gãy lên tới 7,3 mét sau trận động đất và một vết nứt bề mặt dài 400 km được hình thành, trong khi độ sâu của những cơn chấn động địa chất dao động trong khoảng từ 8 mét đến 10 mét.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 15/2, ông Tatar nêu rõ: "Đây là một trong những trận động đất lớn nhất mà chúng ta trải qua trong 2.000 năm qua. Vỏ Trái Đất rung chuyển rất mạnh trong hai phút. Đã có tổng cộng 3.858 cơn dư chấn cho đến nay, trong đó có 38 dư chấn với độ lớn từ 5,0 đến 6.0".
Theo Bộ trưởng Môi trường, Đô thị hóa và Biến đổi khí hậu Murat Kurum, cơ quan chức năng đánh giá 50.576 tòa nhà tại Thổ Nhĩ Kỳ cần phải phá dỡ khẩn cấp do đã bị hư hại nặng nề sau động đất. Nhà chức trách đã mở cuộc điều tra đối với các nhà thầu có những tòa nhà bị sập sau động đất, tiến hành thu thập và phân tích các mẫu sắt và bêtông từ đống đổ nát. Hãng thông tấn Anadolu ngày 15/2 cho biết đã có 24 đối tượng bị bắt giữ liên quan cuộc điều tra này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ Mahmut Ozer cho biết nước này đang cân nhắc gia hạn thời gian đóng cửa các trường học tại 10 tỉnh thành bị ảnh hưởng (hiện đang có hiệu lực đến ngày 1/3) để đánh giá kỹ lưỡng hơn các thiệt hại sau động đất.