Đồng dao
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Đồng dao nằm trong vốn văn hóa dân gian. Đồng dao là lời hát kể cùng nhau trong lúc vui chơi của những nhóm trẻ. Đồng dao là những câu hát vần nối nhau, đôi khi tưởng như từ chuyện nọ xọ chuyện kia buông lời theo vần tưởng như vu vơ, nhưng nội hàm đồng dao nó gần như lời kể chuyện cuộc sống, bám vào những quy luật tự nhiên để mô tả cuộc sống…
Trò chơi rồng rắn lên mây là trò chơi khá phổ biến thời trước, nhất là những đêm trăng sáng: “Rồng rắn lên mây/ Có cây núc nác/ Có nhà điểm binh/ Thầy thuốc có nhà hay không?”. Rồi bên “con rắn” có câu trả lời. Hai bên cứ đối đáp trong tình huống bên săn đuổi một người, bên con rắn có bốn, năm đứa trẻ túm đuôi áo nhau ngoằn ngoèo trốn chạy cho khéo, không để cho bên đuổi chạm tay được vào đuôi. Nếu bên đuổi chạm tay được vào đuôi là thắng. Ở đây lưu ý, bắt rắn thì người ta nắm đuôi, giật mạnh làm giãn cột sống là con rắn yếu hẳn đi, sau đó quật mạnh là vô hiệu được rắn.
Hãy tưởng tượng trò chơi đêm trăng, hai bên dập dờn như mây bay gió cuốn. Lời hát hổn hển: “Xin khúc đuôi… Những xương cùng xảu… Xin khúc đầu… Những máu cùng me…”. Một trò chơi thư giãn vô cùng, mệt thì nghỉ cho đến lúc trăng tà…
Đồng dao thường có nội dung ngây ngô, trong sáng, phù hợp với lứa tuổi nhỏ. Nhưng cũng có bài đồng dao nội dung rất “người lớn”. Hãy cùng nhau nghe một đoạn đồng dao sau đây:
”Sáng trăng vằng vặc/ Vác cặc đi chơi/ Gặp đàn vịt giời/ Giương cung anh bắn/ Gặp cô yếm thắm/ Đội gạo lên chùa/ Thò tay bóp vú/ Khoan khoan tay chú/ Đổ thúng gạo tôi…”.
Đi chơi trăng, đã là cảnh phong tình. Mà ở đây là “vác cặc”… là anh chàng không còn trẻ trung, đầy kinh nghiệm đi cưa gái. Đàn vịt giời đây là ẩn chứa ý nói về các cô gái trên đường đời. Gặp cô nào cũng tán tỉnh cả, nên “giương cung anh bắn” là cái ý đó. Cho nên khi gặp cô yếm thắm đội gạo lên chùa là tán sát. Lợi dụng cô đội gạo, tay giữ thúng nên chàng “ thò tay bóp vú”. Cô gái chả nhẽ để yên, cũng phải kêu lên chứ “khoan khoan tay chú, đổ thúng gạo tôi”. Nếu không có “thúng gạo” trên đầu thì hẳn sẽ khác đấy! Ở đây cô gái đội gạo cũng là kẻ hứng tình, hợp cạ chứ không phải bị ép uổng chi đâu, nên mới nhẹ nhàng “khoan khoan tay chú” như thế.
Dân gian lời lẽ đôi lúc cũng thật là sỗ, cái tình cũng thật là mạnh mẽ tự nhiên, nói đúng ý muốn nói, mà không cần che đậy…
Bài đồng dao ngắn này, rõ ràng nó phản ánh một quy luật sống, như quy luật tự nhiên của đất trời, đâu có gì huyền bí…
2. Đồng dao trong dân gian rất nhiều, nhiều vùng miền lại có những đồng dao khác nhau, nhưng chung quy thì vẫn là những câu chuyện gắn với cuộc sống. Những giá trị dân gian ấy bền vững với đồng quê khi cuộc sống còn nghèo nàn, trẻ con chỉ vui khi được tụ hội dưới trăng. Nhưng bây giờ tất cả cũng đang mất dần. Công nghệ truyền hình và mạng ảo đã đẩy lùi dần những giá trị dân gian… Những giá trị mang tính bản sắc ấy đang nhòe mờ cùng với ánh điện đang làm mờ ánh trăng. Công nghệ mạng chuyển tải nhanh thông tin thì sự xâm thực văn hóa ngoại lai cũng tấn công rất nhanh những giá trị dân gian vì tính thực dụng của nó, vì những thế hệ sau chỉ biết đến rất mơ hồ những giá trị đó.
Đấy là câu trả lời vì sao mà đồng dao chỉ trở thành sự luyến tiếc của lớp người đứng tuổi. Bởi đến lứa tuổi ấy người ta mới hiểu thấu đáo về từng câu đồng dao, nên hay nghĩ về nguồn cội. Những kẻ tha hương đến cuối đời thường tìm cách trở về nơi chôn nhau cắt rốn, vì đó là cái căn cốt của một dân tộc. Mọi thứ tranh đoạt rải ra trên đường đời thu vén được cũng dần trở nên vô nghĩa khi người ta nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống.
Vâng, đồng dao cũng chính là một phần giá trị sâu thẳm trong tình cảm. Thiếu chút đó thôi, cũng làm cho người ta có cảm giác thiếu quê hương. Có lý lắm chứ!
Bài và minh họa: Đỗ Đức (họa sĩ)