Đội tuyển Việt Nam tiến tới đâu?
Hai đối thủ khách mời tại giải giao hữu tam hùng vừa qua bị đánh giá là yếu, điều đó khiến cho những đánh giá về năng lực của đội tuyển Việt Nam trở nên khá tương đối. Thực tế thì bóng đá Việt Nam đang phải hạ mục tiêu: Từ chỗ vươn lên nhóm đầu châu Á, nay chỉ còn là vô địch AFF Cup 2022
1. Dự vòng loại cuối cùng của World Cup 2022 cũng như giành vé chính thức đến Asian Cup 2023 được xem là một bước tiến lớn của bóng đá Việt Nam. Đó cũng là cơ sở để chúng ta hy vọng vào tấm vé World Cup trong tương lai sau khi giải đấu lớn nhất hành tinh mở rộng số đội tham gia. Nhưng khi cơ hội mở ra, thì cánh cửa về chất lượng đội tuyển dường như đang dần khép lại với đội bóng của HLV Park Hang Seo.
Những gì tốt nhất của đội tuyển đều diễn ra trong năm 2019, tức là đã 3 năm trước. Năm đó, Việt Nam có chiến thắng trước Jordan tại Asian Cup, rồi Curacao ở King’s Cup trên đất Thái Lan và sau đó là UAE ở vòng loại World Cup. Đây là những đội bóng thường xuyên có thứ hạng cao hơn Việt Nam, thực tế trình độ chơi bóng của họ cũng nhỉnh hơn. Nhưng từ đó về sau, chỉ trận thắng Trung Quốc hồi đầu năm 2022 là lần duy nhất mà Việt Nam thắng được đội có thứ hạng FIFA cao hơn mình.
Bóng đá quốc tế mỗi năm chỉ có chưa đến chục trận đấu chính thức giữa các đội tuyển quốc gia. Có tự đánh giá mình thế nào, thì rốt cục cũng phải lấy kết quả thực chiến để làm căn cứ xác định trình độ. Nói cách khác, một đội bóng muốn biết sức mình đến đâu, thì phải cố mà chơi trước những đối thủ được đánh giá mạnh hơn.
Có thắng chục trận đấu trước các đối thủ yếu thì cũng chẳng đem đến giá trị gì cả. Nếu xét trên quan điểm này, thì đội tuyển Việt Nam vẫn chưa đi được đến đâu cả dù thứ hạng FIFA vẫn đang ổn định, dẫn đầu Đông Nam Á. Thất bại ở AFF Cup 2020 trước Thái Lan cho thấy việc chiến thắng đối thủ này vẫn còn là nhiệm vụ khó. Các trận thua sát nút trước UAE, Australia hay Saudi Arabia … mới chỉ là các thắng lợi về khía cạnh tâm lý.
Làm được như Việt Nam, thì có vẻ như đội tuyển Indonesia hiện nay cũng đang có triển vọng. Nghĩa là chúng ta vẫn chưa tạo ra một sự khác biệt nào đáng kể trong nỗ lực để trở thành một đội bóng đủ khả năng tìm vé World Cup.
2. Trong năm 2022 đội tuyển Việt Nam đã chơi 6 trận quốc tế. Chúng ta khởi đầu với 3 trận cuối của vòng loại World Cup 2022 khá lạc quan với chiến thắng trước Trung Quốc, thua Oman 0-1 và cầm hòa Nhật Bản 1-1. Chẳng hiểu sao, cái đà phát triển ấy lại bị “hãm” lại. 3 trận giao hữu rèn quân của HLV Park Hang Seo tại TP.HCM hạ chất lượng khi mời lần lượt là Afghanistan, Singapore và Ấn Độ. Đây là các đội tuyển mà thứ hạng FIFA tốt nhất trong lịch sử của họ cũng chẳng hơn nổi Việt Nam.
Những khán đài trống đến phân nửa tại sân Thống Nhất tại Cúp tam hùng vừa qua đã phản ánh điều đó. Đây đều là những trận đấu mà Việt Nam đứng ra tổ chức, nghĩa là tốn tiền mời đối thủ đến để đá, không hiểu sao lại chọn “quân xanh” có trình độ thấp hơn mình. Hiểu một cách đơn giản, lẽ ra họ phải tốn tiền để mời mình thay vì ngược lại. Đây là kiểu tổ chức giải không phù hợp với trình độ của đội tuyển hiện tại. Vô địch kiểu này, không có gì đáng vui ngoài sự hài lòng của …nhà tài trợ.
Tất nhiên là không đơn giản để mời các đội bóng mạnh hơn sang Việt Nam đá giao hữu vì đặt mình vào vị trí của họ, thì cũng chẳng muốn đá với đội yếu hơn. Nhưng có mời được đội mạnh thì mới đáng để bỏ tiền tổ chức giải, mới có cái để nói về uy tín của bóng đá Việt Nam. Hãy nhìn sang Indonesia, từ năm 2018, khi thay thế Việt Nam tổ chức Asiad đến nay, bóng đá xứ Vạn đảo không tiếc tiền đăng cai gần như mọi giải đấu lớn nhỏ của Đông Nam Á, châu Á và cả World Cup trẻ vào năm sau. Họ thấy được sự sa sút của bóng đá nước nhà, và cách tốt nhất để có thể tiến bộ là đầu tư liên tục cho các đội tuyển cũng như tăng cường thi đấu. Có thể Indonesia vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra về thành tích, nhưng rõ ràng là họ có nỗ lực và cũng đã gặt hái được những kết quả đáng kể. Một thời điểm nào đó, nếu họ là đội bóng số 1 Đông Nam Á thì cũng đừng quá bất ngờ.
3. Bốn năm trước, đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 với Văn Quyết là đội trưởng. Một năm sau, gạt Văn Quyết ra khỏi đội hình, Việt Nam có những bước tiến lớn ở cấp đội châu lục. Bây giờ Văn Quyết trở lại và với những gì anh thể hiện ở giải tam hùng, rất khó để HLV Park Hang Seo loại anh khỏi AFF Cup 2022. Vậy thì đội tuyển đang tiến hay đang lùi? Không có câu trả lời nào đúng cả. Xét một cách công bằng, đội tuyển Việt Nam vẫn đang giữ được đẳng cấp của mình nhưng rõ ràng, cái khoảng cách giữa chúng ta và Top 10 châu lục vẫn còn khá lớn.
Có thể chúng ta đã đạt đến giới hạn của mình nên không thể nào đi xa hơn được nữa, nhưng cũng có thể chúng ta đã chọn cách an toàn, không còn đủ sự mạo hiểm như 4 năm trước. Cứ lấy chất lượng “quân xanh” ở giải tam hùng để đánh giá, thì tầm nhìn của bóng đá Việt Nam hiện chỉ là AFF Cup 2022 chứ không phải là Asian Cup 2023.
Chúng ta đang tìm phương pháp để thắng các đội yếu hơn, thay vì chấp nhận những trận thua để giúp mình mạnh mẽ hơn. Tính toán này không sai, chỉ tiếc là nó đã khiến cho những nỗ lực tại 3 trận đấu vòng loại World Cup hồi đầu năm trở nên vô ích? Một đội bóng thắng Trung Quốc, hòa Nhật Bản, vậy mà không kiếm nổi một đối thủ tầm cỡ để đá giao hữu thì có cái gì đó …sai sai.
Từ nay đến AFF Cup 2022 vẫn còn 3 tháng nữa. Sẽ có một vài trận giao hữu được tổ chức nhân dịp thế giới bước vào World Cup, hy vọng là HLV Park Hang Seo sẽ có những đổi thay quan trọng về con người lẫn tham vọng. Bởi nói gì thì nói, màn trình diễn của đội U23 dưới quyền huấn luyện của HLV Gong Oh Kyun tại VCK châu Á hồi tháng 6 đã gợi mở rất nhiều điều tươi sáng.
Nó cho phép chúng ta mơ mộng, nhưng nó sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi những người trong cuộc, bao gồm cả HLV Park Hang Seo, đang tự đặt ra những giới hạn an toàn cho mình, như cái cách mà chúng ta chiến thắng ở giải tam hùng khá nhạt về khía cạnh chuyên môn vừa qua.
Quang Việt