Đội tuyển quốc gia là của ai?
(Thethaovanhoa.vn) - Người viết đã nhận được nhiều phản ứng không mấy tích cực của các đồng nghiệp, về việc HLV Park Hang Seo luôn áp dụng bộ khung ứng xử chung cho mọi buổi tập trước mỗi trận đấu - giải đấu của các ĐTQG Việt Nam, đối với các phóng viên tác nghiệp: Chỉ có 15 phút chụp ảnh, và sau đó tất cả giải tán, tức là được mời ra khỏi sân. Tự bao giờ, ĐTQG trở nên xa cách đến thế?
Xin nói luôn rằng, mỗi HLV đều có nguyên tắc hành xử riêng và cần được tôn trọng. Việc tập kín hay mở, hay chỉ cho phóng viên tác nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định..., trước ông Park Hang Seo, thì Toshiya Miura, Henrique Calisto hay Alfred Riedl cũng đều đã áp dụng rồi.
Chỉ là, không phải bao giờ và ở đâu, các chuyên gia ngoại quốc cũng ứng xử cứng nhắc như vậy. Suy cho cùng, ĐTQG là của tất cả, chứ không phải của riêng ông HLV, vốn cũng chỉ là người làm công ăn lương.
Trận giao hữu gặp Afghanistan, về lý mà nói, không quá quan trọng và “cơ mật”. Người hâm mộ TP.HCM và các tỉnh phía Nam nếu có sôi sục trong việc tìm kiếm một chiếc vé vào cửa, thì đấy chính là bởi họ yêu đội bóng: Yêu thứ đương nhiên thuộc về họ, chứ không hẳn quan tâm đến kết quả hay màn thể hiện của thầy trò ông Park.
Nhưng tại sao và như thế nào, việc săn lùng một chiếc vé lại khó đến thế và nhiều khán giả phải chấp nhận trả số tiền cao hơn nhiều giá trị thực để vào được sân? Bóng đá, hay gần hơn là các ĐTQG lúc này, phải chăng dành riêng cho người có tiền?
Công tác phát hành vé bóng đá luôn có vấn đề, gần nhất là SEA Games 31, mà Thể thao & Văn hóa đã đề cập việc trẻ em và người lớn mặc quần đùi ngồi chễm chệ trên khán đài VIP. Ai tuồn vé VIP (vé mời) ra ngoài, để bất cứ ai có tiền hay quan hệ cũng có thể vào khu vực này? Hỏi mà như đã trả lời.
Trở lại với vấn đề mà chúng ta đặt ra ở đầu bài viết, rốt cuộc thì bóng đá hay các ĐTQG vẫn phải là của nhân dân, của người hâm mộ, chứ không phải của VFF hay ông Park Hang Seo. Chúng ta phải tạo được một đội tuyển gần gũi với người hâm mộ, để từ đó họ mới sát cánh, cổ vũ và... đóng thuế nuôi đội bóng, chứ không phải sự xa cách.
Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng rõ ràng, bóng đá phong trào vẫn cứ gần gũi và thiết thực hơn bóng đá chuyên nghiệp, bao gồm cả các ĐTQG và giải chuyên nghiệp quốc gia.
Giải bóng đá Hội đồng hương toàn quốc tại TP.HCM sẽ khởi tranh vào ngày 4/6 tới đây tại sân bóng Thạnh Xuân Arena, quận 12 (TP.HCM_, quy tụ 12 đại diện các vùng miền, có sức hút chẳng kém gì ĐTQG đá với Afghanistan cả, với chiến dịch "warm up" (làm nóng) thời gian qua.
Tin hay không thì tùy, nhưng ở đó, niềm tự hào bản địa hay ít nhất sự tôn trọng với khán giả là có thật và không ai phải trả tiền để sát cánh cùng đội bóng quê hương cả. Thắng không kiêu và quan trọng, mình phải ý thức đã bắt đầu từ đâu, như thế nào, ai là người đã đứng cạnh đội bóng lúc thất bại.
CCKM