Đội tuyển futsal Việt Nam: Thành công không từ trên trời rơi xuống
(Thethaovanhoa.vn)- Đã có không biết bao nhiêu mỹ từ để nói về đội tuyển futsal Việt Nam khi được dự FIFA Futsal World Cup 2016 và đặc biệt sau khi thắng Guatemala 4-2 trong trận ra quân tại Colombia. Mà không chỉ ở Việt Nam, cả báo chí nước ngoài cũng hết lời ca ngợi. “Chiến thắng lịch sử”, “cơn địa chấn ở World Cup” và “ bất ngờ lớn” là một số cụm từ quen thuộc dành cho đội tuyển Việt Nam trong những ngày qua. Và dù hôm nay có thua Paraguay tới 1-7 thì thế giới vẫn nhìn futsal Việt Nam với con mắt khác so với trước đây.
- Thua Paraguay 1-7, futsal Việt Nam vẫn còn cơ hội đi tiếp
- Tăng 3 bậc trên bảng xếp hạng FIFA, tuyển futsal Việt Nam sẵn sàng 'nghênh chiến' Paraguay
- Fan nữ lặn lội đường xa cổ vũ cho tuyển futsal Việt Nam
“Không có Trần Anh Tú, không có futsal đỉnh cao ở Việt Nam”
Người nói với tôi câu này là ông Ngô Lê Bằng, một cái tên quen thuộc trong làng thể thao nước nhà, bởi vì ông từng là Tổng Thư ký Liên Đoàn Bóng đá Việt Nam, hiện đã nghỉ hưu nhưng đang làm quản lý đội tuyển của chúng ta tại FIFA futsal World Cup 2016.
“Người đam mê thì nhiều, nhưng người không tiếc tiền bạc để đầu tư một cách bài bản và khoa học cho futsal như anh Tú thì không có”, ông Bằng mở đầu cuộc trao đổi với tôi một cách cởi mở và chân thành trong phòng riêng tại khách sạn Intercontinental nơi đội tuyển Việt Nam đang trú quân. “Làm gì thì cũng phải có tiền. Không có tiền thì làm sao tổ chức được giải này, giải kia, làm gì có phong trào. Đầu tư xây dựng sân tập, tổ chức giải, thuê cả một ban huấn luyện người nước ngoài, dắt quân đi thi đấu khắp thế giới trong những năm qua, từ châu Á, sang châu Âu, đến châu Mỹ, tất cả anh Tú lo liệu là chính”, nguyên Tổng thư ký VFF nói tiếp về Chủ tịch LĐBĐ Thành phố Hồ Chí Minh và Trưởng ban Futsal của VFF, Trần Anh Tú.
“ Futsal Việt Nam được như ngày hôm nay, công lớn thuộc về bầu Tú”, người tiếp lời cũng là một tên tuổi khác của làng futsal Việt Nam, cầu thủ Nguyễn Bảo Quân, đội trưởng đội tuyển futsal nước nhà trong nhiều năm qua. “ Hồi bắt đầu chúng cháu làm gì có sân bãi đàng hoàng như ngày nay, phải tập ở một nhà kho ở Thành Long, đến giầy chuyên dụng cũng không có. Năm 2011, bầu Tú bỏ tiền ra xây nhà thi đấu ở quận 8 thành phố Hồ Chí Minh, từ đó không chỉ Thái Sơn Nam và Thái Sơn Bắc mà các đội khác như Tân Hiệp Hưng, Phương Nam và các đội đến từ Đà Nẵng, Khánh Hòa cũng đều được tập luyện ở đây. Từ năm 2010 đến nay, năm nào chúng cháu cũng được đi châu Âu như Tây Ban Nha và Italia”, số 10 của đội tuyển futsal Việt Nam nói tiếp. “Chắc chú không biết, trong những năm đầu đi nước ngoài, bọn cháu chỉ được đá với các CLB hạng thấp, cầu thủ toàn dân văn phòng, bụng bự. Nhưng trong những năm lại đây, đội tuyển đều được chơi với các CLB hạng nhất và chuyên nghiệp, thậm chí được đá với nhiều đội tuyển quốc gia có nền futsal mạnh như Thái Lan, Nhật Bản, Croatia, Ý, Tây Ban Nha, Argentina. Nhờ vậy đội bóng đã trưởng thành rất nhiều”.
Mà đúng vậy, trong một bài trả lời phỏng vấn dành cho báo Thể thao & Văn hóa một ngày trước khi đối tuyển Việt Nam tới Colombia từ Argentina, trưởng đoàn Trần Anh Tú cho biết đội tuyển đã có một đợt tập trung dài nhất từ trước tới nay để tham gia FIFA futsal World Cup 2016. Trong gần hai tháng, từ 21 tháng 7 đến 5/9, đội đã đá giao hữu với đội tuyển Ai Cập hai trận tại thành phố HCM, ba trận với các đội của Tây Ban Nha, trong đó có đội tuyển của nước này, hiện là á quân futsal thế giới, và hai trận ở Argentina, trong đó một trận với đội tuyển của xứ tango, đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng của FIFA. Những trận cọ xát như vậy không chỉ nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật của đội bóng mà còn tạo thêm sự tự tin và bản lĩnh cho các cầu thủ rất nhiều.
Khi được hỏi về cách làm futsal như thế nào để có được thành tích như ngày hôm nay, trưởng ban futsal của LĐBĐ Việt Nam tâm sự: “ Futsal Việt Nam bắt đầu tham dự quốc tế ở cấp độ đội tuyển từ năm 2005. Lúc đó chúng ta thua cả Lào và Cam-pu-chia. Năm 2007, khi bắt đầu tham gia vào môn này, tôi đề nghị mời HLV Thái Lan và được các ở Liên đoàn TPHCM ủng hộ. HLV người Thái đã truyền đạt những kiến thức cơ bản về futsal, nhưng qua làm việc tôi nhận ra rằng phải tiếp cận futsal châu Âu thì mới có thể tạo được những bước tiến về chất. Khi đàm phán hợp đồng với các HLV châu Âu, họ yêu cầu phải có HLV thể lực, phòng tập gyms, nhà thi đấu và nhiều điều kiện ngặt nghèo khác nữa nhưng chính như thế mình mới nhận ra phải bắt đầu từ đâu và nên làm những gì. Các HLV người Italia và Tây Ban Nha đã đưa tính chuyên nghiệp vào đội bóng, cập nhật những kiến thức mới nhất về futsal cho Việt Nam. Tuy nhiên không phải cái gì cũng phù hợp nên mình phải biết dung hòa. Qua nhiều năm làm futsal tôi rút ra bài học: phải làm bài bản, lâu dài, không được nóng vội, không được nản chí khi thất bại và phải biết tìm ra những cách đi hợp lý. Ngoài sự tâm huyết, cũng phải biết cách hợp tác với mọi người thì công việc mới suôn sẻ”.
“Người anh nuôi của đội bóng”
Tôi muốn dùng thêm hình ảnh này để nói về bầu Tú, bởi vì nó không chỉ đúng theo khía cạnh ông là người cung cấp tài chính và nuôi dưỡng hai đội bóng của mình: Thái Sơn Nam và Thái Sơn Bắc, nòng cốt của đội tuyển quốc gia, mà còn bởi ông rất yêu quý và yêu thương các cầu thủ, như một người anh nuôi thời bộ đội cụ Hồ, khác hẳn với cái danh một “đại gia” của một doanh nhân thành đạt nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày đầu tiên ở Cali cùng đội tuyển, tôi đã thực sự bất ngờ khi Trần Anh Tú bảo tôi cùng anh xuống bếp ăn của khách sạn 5 sao Intercontinental để làm việc với lãnh đạo nhà bếp cho phép cấp dưỡng của đoàn mỗi bữa nấu thêm một, hai món ăn Việt Nam. Và ông lên danh sách thực phẩm tỷ mỷ cho từng bữa, từ bao nhiêu cân thịt bò, thịt lợn, sườn non, cá tươi đến bao nhiêu kg cà chua, hành tây, cà rốt để nấu thêm, bên cạnh các món ăn của bạn. Đến bữa ăn, nhiều lần ông trực tiếp lấy súp, cháo, mỳ cho các cầu thủ, quên hẳn vai trò trưởng đoàn Việt Nam tại World Cup 2016. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của ông bầu khi thấy đàn em của mình hỳ hụp ăn các món ăn nấu thêm mới thấy nhà doanh nghiệp này lo lắng cho các cầu thủ biết nhường nào.
“ Từ ngày cháu về Thái Sơn Bắc năm 2010 và Thái Sơn Nam, từ 2012, cuộc sống đã thay đổi rất nhiều”, đội trưởng Nguyễn Bảo Quân, 33 tuổi, tâm sự. “Trong công việc bầu Tú rất nghiêm khắc và cũng rất nóng tính, nhưng anh ấy cũng là người sống rất tình cảm. Nhiều lúc cháu cảm thấy anh ấy như một người bạn, có thể tâm sự mọi điều về công việc và cuộc sống riêng tư”. “Thế còn việc chăm lo cuộc sống cho các cầu thủ và gia đình của họ thì sao”, tôi tò mò hỏi tiếp. “Thu nhập anh em có khác nhau tùy theo sự đóng góp, nhưng cháu có thể nói các cầu thủ đều có thể sống tử tế bằng nghề của mình nếu làm việc nghiêm túc”, số 10 của đội tuyển Việt Nam khẳng định. Được biết một số cầu thủ dù không còn thi đấu nhưng nếu gặp khó khăn trong cuộc sống đều được “thầy Tú” gọi về bố trí công việc ở các đội bóng cũ.
“Phù thủy Bruno Garcia”
Kể từ ngày thành lập, đội tuyển futsal Việt Nam đã có ba đời huấn luyện viên. Đầu tiên là ông Patayya Piekum, người Thái Lan, tiếp đến là Sergio Gargelli người Italia và hiện nay là Bruno Garcia, người Tây Ban Nha. Theo đội trưởng Nguyễn Bảo Quân, mỗi người đều có những đóng góp riêng cho đội tuyển, như ông Pattaya truyền tải những kiến thức cơ bản, ông Gargelli đưa futsal đến với cách làm bóng đá chuyên nghiệp châu Âu còn thuyền trưởng hiện nay lại nâng lên một tầm cao mới về lối chơi và hệ thống chiến thuật.
Năm nay 42 tuổi, HLV hiện nay của đội tuyển Việt Nam từng đoạt giải thưởng Ramon dành cho HLV futsal xuất sắc nhất của Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha và từng dẫn dắt đội tuyển futsal Peru và CLB Hanzhou Dragon, xếp vị trí thứ hai giải futsal Trung Quốc. “Không thể không nói đến công lao của các HLV nước ngoài, đặc biệt là ban huấn luyện hiện nay, gồm Bruno và các trợ lý Hector Souto, David Garcia và Javier”, người quản lý đội tuyển Ngô Lê Bằng nhấn mạnh.
Trong những ngày qua, được hàng ngày chứng kiến đội tuyển tập luyện và thi đấu, trao đổi và trò chuyện với các HLV người Tây Ban Nha, tôi càng hiểu rõ thêm hoạt động của một đội bóng chuyên nghiệp là như thế nào và vì sao mà các cầu thủ Việt Nam lại có thể sánh vai với các đội bóng futsal hàng đầu thế giới.
“Trong hai năm rưỡi có mặt ở Việt Nam làm công tác huấn luyện, điều tôi quan tâm đầu tiên là xây dựng được một lối chơi mang bản sắc và phù hợp với các điều kiện về tầm vóc và thể lực của các cầu thủ Việt Nam. Lối chơi đó bao gồm một hệ thống chiến thuật từ phòng thủ đến tấn công, sự chuyển tiếp giữa các tuyến, giải quyết các tình huống chiến lược như sút phạt bóng chết, ném biên, không chiến, sút phạt đền vv. Tôi chia công tác huấn luyện thành bốn mảng khác nhau: thể lực, kỹ thuật đá bóng, chiến thuật và tạo động lực thi đấu. Mỗi mảng đều có mục tiêu chung cho tập thể và mục tiêu riêng cho từng cá nhân cầu thủ. Đội bóng có cả một lộ trình hoạt động với những kế hoạch tập luyện, thi đấu cụ thể. Mục tiêu cuối cùng là làm sao đội tuyển phải hoạt động như một cỗ máy trơn chu với hiệu quả cao nhất”, nhà cầm quân người Tây Ban Nha trao đổi với tôi trong một buổi nói chuyện chân tình.
Máu lửa, hò hét liên tục, thậm chí trực tiếp tham gia thi đấu như một cầu thủ trong các buổi tập luyện, ở ngoài đời Bruno là một người hiền lành và cởi mở, sẵn sàng trải lòng với bạn bè và những người xung quanh mình. Tới các bữa ăn, ông thường để các cầu thủ lấy đồ ăn trước, sau đó mới cùng BHL dùng bữa. Ông thích ăn thêm món súp hầm xương hoặc sườn non của Việt Nam, ăn nhiều rau quả và tuyệt nhiên không một chút rượu bia. Ông tâm sự rất thích đọc sách, nghe nhạc, chơi với con nhưng cho biết việc mà ông thích làm nhất vẫn là huấn luyện bóng đá.
Cầu thủ luôn là nhân vật chính
Tôi còn nhớ khi trả lời phỏng vấn, được hỏi về các chiến tích của mình, HLV Pep Guardiola thường nói “trong bóng đá các cầu thủ mới là nhân vật chính” và tôi thấy HLV Bruno Garcia cũng thấm nhuần tinh thần như vậy. “ Hơn hai năm làm việc ở Việt Nam, tôi thấy các cầu thủ của mình có kỷ luật rất tốt, nghiêm chỉnh thực hiện các kế hoạch tập luyện và thi đấu đúng với hệ thống chiến thuật và kỹ thuật. Các cầu thủ luôn chơi bóng với khát khao chiến thắng, quyết liệt và sự tập trung cao”, “thầy Bruno” đã nói như vậy về các học trò của mình.
Và tôi cũng cảm nhận được điều này kể từ khi được giúp việc cho đoàn Việt Nam. Không chỉ vui vẻ, trẻ trung và đầy ý thức trách nhiệm, các cầu thủ của đội tuyển futsal của chúng ta còn có bản lĩnh vững vàng trong trận mạc, như những chiến binh dày dạn kinh nghiệm chiến trường. Thắng Guatemala, tất cả đều vui nhưng không một ai lạc quan quá độ vì biết mình đang ở đâu. Sẽ gặp Paragoay và Italia, các đội bóng được xếp hạng rất cao, nhưng tuyệt nhiên không có sự lo lắng thái quá hoặc sợ hãi. Họ bình thản trước các trận đánh lớn đến mức đáng ngạc nhiên.
Và tôi đã hiểu ra: với một ông bầu như Trần Anh Tú, một HLV như Bruno Garcia và một dàn cầu thủ bản lĩnh hiện có, rõ ràng cách thành tích của futsal Việt Nam không phải từ trên trời rơi xuống.
Một số cột mốc thành tích của futsal Việt Nam 1- 2007: tuyển futsal nữ giành huy chương bạc Sea Games tại Thái Lan. 2- 2009: tuyển futsal nam giành huy chương bạc Giải vô địch Đông Nam Á 3- 2010: Lần đầu tiên tuyển VN lọt vào vòng chung kết Giải vô địch châu Á. 4- 2011 và 2013: Huy chương bạc SEA Games. Việt Nam chính thực vượt qua Indonesia, Malaysia và Myanmar trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan. 5- 2014: tuyển VN lần đầu tiên lọt vào tứ kết Giải vô địch châu Á. 6- 2014: CLB Thái Sơn Nam giành huy chương đồng Giải các CLB vô địch châu Á tại Iran. 7- 2016: tuyển Việt Nam đứng thứ tư giải futsal vô địch châu Á và lọt vào World Cup. 8- Ngày 11/9/2016: thắng trận đầu tiên tại FIFA futsal World Cup 2016, trước Guatemala. |