Đối thủ của Việt Nam ở bảng B: Trung Quốc bây giờ mạnh yếu thế nào?
Trong lịch sử những lần gặp nhau ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Việt Nam chưa bao giờ giành điểm trước Trung Quốc. Liệu ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, chúng ta có thể phá dớp?
Kết quả bốc thăm vòng loại thứ ba World Cup 2022
Bảng A: Iran, Hàn Quốc, UAE, Iraq, Syria, Lebanon
Bảng B: Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia, Trung Quốc, Oman, Việt Nam
Lịch thi đấu dự kiến của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ ba World Cup 2022:
Ngày 2/9: Saudi Arabia vs Việt Nam
Ngày 7/9: Việt Nam vs Australia
Ngày 7/10: Trung Quốc vs Việt Nam
Ngày 12/10: Oman vs Việt Nam
Ngày 11/11: Việt Nam vs Nhật Bản
Ngày 16/11: Việt Nam vs Saudi Arabia
Ngày 27/1: Australia vs Việt Nam
Ngày 1/2: Việt Nam vs Trung Quốc
Ngày 24/3: Việt Nam vs Oman
Ngày 29/3: Nhật Bản vs Việt Nam
Theo kết quả bốc thăm vừa được công bố, Việt Nam và Trung Quốc đều nằm ở bảng B, cùng với các đội tuyển Nhật Bản, Australia, Oman, và Saudi Arabia. Trong khi Trung Quốc là gương mặt khá quen thuộc ở giai đoạn này thì Việt Nam mới lần đầu góp mặt. Theo quy định, 2 đội nhất nhì bảng đấu sẽ giành vé trực tiếp dự VCK World Cup 2022 tại Qatar. Đội thứ ba sẽ đá play-off với đội thứ ba bảng A (Iran, Iraq, Hàn Quốc, UAE, Syria, Lebanon) để chọn ra đội đá play-off liên lục địa.
Trong quá khứ, Việt Nam và Trung Quốc đã gặp nhau 13 lần ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Trung Quốc thắng cả 13 trận, ghi 31 bàn, thủng lưới 13 bàn. Tính riêng kể từ khi bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại đầu thập niên 90, hai đội đã gặp nhau 6 lần, Trung Quốc thắng 6 trận, ghi 20 bàn thắng, thủng lưới 3 bàn.
Tuy nhiên, lần gần nhất hai đội gặp nhau cách đây đã 9 năm, trong trận giao hữu hồi tháng 6/2012 (Trung Quốc thắng 3-0). Còn lần gần nhất hai đội gặp nhau ở giải đấu chính thức là tại vòng loại Asian Cup 2011, khi Việt Nam thua Trung Quốc 1-2 tại Mỹ Đình hôm 17/1/2010. Công Vinh là cầu thủ ghi bàn duy nhất cho Việt Nam hôm ấy, còn Trọng Hoàng là cầu thủ duy nhất thi đấu ở trận đó mà vẫn còn khoác áo ĐTQG đến bây giờ.
Nếu tính trên mọi cấp độ thì lần gần nhất một đội tuyển của Việt Nam gặp một đội tuyển Trung Quốc là trận giao hữu vào ngày 8/9/2019. Hôm đó, U22 Việt Nam đã đánh bại U22 Trung Quốc 2-0 ngay tại Vũ Hán với cú đúp của tiền đạo Tiến Linh. Chính kết quả này đã khiến HLV Guus Hiddink phải mất việc. Nên nhớ, Hiddink là HLV đẳng cấp thế giới và từng đưa đội tuyển Hàn Quốc lọt vào bán kết World Cup 2002. Khi ấy, HLV Park Hang Seo của Việt Nam hiện tại chính là trợ lý cho nhà cầm quân người Hà Lan.
U22 là cấp độ tiệm cận nhất với đội tuyển quốc gia. Chính vì thế chiến thắng của thầy trò Park Hang Seo ở Vũ Hán được xem là một nền tảng thuận lợi về mặt tâm lý cho các tuyển thủ Việt Nam khi đối đầu với Trung Quốc. Tiến Linh, người đã lập cú đúp hôm đó, và cũng là chân sút số một của ĐT Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022 (5 bàn) quả quyết với bongdaplus rằng "Trong trận đấu với U22 Trung Quốc cách đây 2 năm thì tôi thấy các hậu vệ của họ cao lớn nhưng không thông minh lắm. Kỹ thuật của cầu thủ Việt Nam hơn kỹ thuật của cầu thủ Trung Quốc lúc bấy giờ”.
Tại giai đoạn hai vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, Trung Quốc xếp thứ nhì bảng A với 19 điểm, ghi 30 bàn thắng và chỉ thủng lưới 3 bàn sau 8 trận. Tuy nhiên ở bảng đấu này, Guam và Maldives quá yếu, Philippines cũng chẳng khá hơn mấy, chỉ có Syria là có trình độ ngang tầm Trung Quốc. Để so sánh, Việt Nam đứng thứ nhì bảng G với 17 điểm sau 8 trận. tại một bảng đấu khá cân bằng, khi chỉ có UAE trội hơn một chút, Indonesia không có phong độ tốt còn Thái Lan, Việt Nam và Malaysia là ngang nhau.
Để có cái nhìn cụ thể hơn về tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện tại, chúng ta có thể xem xét lại màn trình diễn của hai đội ở VCK Asian Cup 2019. Đó là giải đấu cả hai đội đều đã vượt qua vòng bảng: Trung Quốc là đội nhì bảng C, còn Việt Nam là đội thứ ba bảng D. Ở vòng 1/8, Việt Nam vượt qua Jordan 4-2 trên chấm luân lưu sau khi hòa 1-1 ở thời gian thi đấu chính thức, còn Trung Quốc lội ngược dòng thắng Thái Lan 2-1 nhờ quả phạt đền quyết định của Gao Lin ở phút 71. Đến vòng tứ kết, Trung Quốc thảm bại 0-3 trước Iran, đội sau đó thua Nhật Bản 0-3 ở bán kết. Trong khi đó, Việt Nam chỉ thua Nhật Bản 0-1 bởi 1 quả phạt đền (Ritsu Doan thực hiện).
Ngôi sao lớn nhất của bóng đá Trung Quốc bây giờ là Wu Lei (Vũ Lỗi), người đang khoác áo Espanyol ở La Liga. Anh cũng là chân sút số một của đội tuyển Trung Quốc ở vòng loại World Cup 2022 với 8 pha lập công, chỉ kém Takumi Minamino (Nhật Bản, 10 bàn) và Ali Mabkhout (UAE, 11 bàn). Wu cũng đang là chân sút số một của Trung Quốc hiện còn thi đấu, với 23 bàn sau 71 trận.
Ngoài ra, sức mạnh của Trung Quốc còn đến từ những cầu thủ nhập tịch. Có thể kể đến Elkeson và Alan Carvalho, những cầu thủ đã lần lượt ghi 4 và 3 bàn ở giai đoạn hai vừa rồi. Cả hai đều là các chân sút sinh năm 1989, gốc Brazil, thể hình tốt và đã thi đấu ở giải nhà nghề Trung Quốc hơn 5 năm. Đặc biệt, Elkeson từng ghi 190 bàn cho Quảng Châu Hằng Đại, Thượng Hải SIPG, và hai lần giành danh hiệu Vua phá lưới giải nhà nghề Trung Quốc.
Nhập tịch là cách ngắn nhất để Trung Quốc hướng tới thành tích cao trong bối cảnh nguồn lực từ nội binh không nhiều. Ngoài Elkson và Alan Carvalho, có thể kể thêm trung vệ Tiyas Browning (sinh năm 1994) hay cựu tiền vệ Arsenal Nico Yennaris (1993).
HT