Bhutan: Thờ ơ với bận rộn
Trước chuyến đi, chúng tôi có vỏn vẹn vài thông tin ít ỏi về đất nước chỉ khoảng 600 ngàn dân, cuộc sống khép kín gắn liền với tôn giáo thuần khiết và môi trường thiên nhiên chưa hề bị ô nhiễm. Không thể đặt vé tự do, dù bạn có chi nhiều tiền đến đâu. Hàng năm Bhutan chỉ cấp một số lượng hạn chế visa cho khách du lịch có chọn lọc và chấp nhận chi phí cao cho chuyến đi được bố trí sẵn từ A đến Z do một số ít công ty du lịch được chính phủ chọn lọc và cấp phép.
Khó phán đoán!Phi cơ của hoàng gia Bhutan (chiếc duy nhất phục vụ nhà vua Bhutan) khởi hành từ Bangkok lúc 5h sáng. Trái với tưởng tượng của tôi về hãng hàng không ít tên tuổi của một đất nước “xa cách với văn minh”, ngay khi vừa tại vị trên máy bay, tôi hoàn toàn “tê liệt” vì dịch vụ trên khoang hành khách hạng bét mà tôi và gia đình đang là hành khách: thức ăn nóng, khăn nóng đưa tận tay, đoàn tiếp viên hàng không trẻ trung và xinh đẹp thừa khả năng làm cho các cô người mẫu hoặc hoa hậu Việt Nam xuống hạng! Tiếng Anh chuẩn xác và dịch vụ quá đẳng cấp khiến tôi chẳng thể nào thoát khỏi cảm giác nghi ngờ những phán đoán của mình về đất nước Bhutan.
Một đất nước thật khó… phán đoán! Sân bay ở thủ đô Thimpu chỉ giống sân bay tỉnh lẻ nhà mình, hàng ngày đón một chuyến bay từ Bangkok và một chuyến khác từ Ấn Độ. Có lẽ vì vậy nên sân bay chẳng có máy vi tính(!), hành khách xếp hàng đến lượt thì chìa hộ chiếu ra để đóng dấu, hình như nhân viên ở đây cần khá nhiều thời gian để… đọc. Tôi, người Việt Nam duy nhất ở đây, rất bình thản nhịp chân chờ đợi… trong khi các hành khách khác bắt đầu rên rỉ vì đứng lâu sau nhân viên kiểm soát visa lật ngang lật ngửa quyển hộ chiếu của tôi với vẻ mặt đăm chiêu, lúc thì búng vào nó, lúc thì nhìn sát bề mặt, lúc thì nhìn nghiêng… chỉ thiếu mỗi cắn vào hộ chiếu để xem nó thật hay giả. Cuối cùng, sau 10 phút hội ý với các bạn cùng đội… anh ta quyết định hỏi tôi bằng tiếng Anh cực chuẩn: Việt Nam ở đâu? Và với thái độ rất thành thật anh ta thú nhận chưa bao giờ gặp hộ chiếu như của tôi, người VIETNAM!
Đón gia đình tôi ở sân bay là anh chàng hướng dẫn viên theo chương trình đã được đặt trước. Anh ta và anh chàng lái xe phục vụ gia đình tôi trong suốt chuyến đi đều mặc chiếc áo truyền thống của người Bhutan, đàn ông mặc áo khoác trông giống như áo kimono có thắt lưng ở giữa, nhưng lại mang giày Tây và đặc biệt là họ mang tất (vớ) rất dài, trông thật là ngộ nghĩnh. Với cánh tay áo dài bên trong sử dụng như cái ruột tượng của người Việt Nam đựng gạo… người đàn ông Bhutan đựng tất cả những gì thuộc về họ và nhiều thứ khác.
Thuần khiếtChúng tôi lên xe và tiếp tục đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác. Hai bên đường, nhà dân thường to kinh khủng, và giống y như nhau. Nhà dân mái lợp màu xám hoặc đen, trong khi nhà công sở lợp ngói màu xanh lá cây (hoặc sơn), chỉ mái nhà của đình chùa và nhà của hoàng gia là sơn màu đỏ. Nhờ màu sắc này mà tôi phân biệt được chúng với nhau, vì như đã nói, kiến trúc và kích thước của chúng gần như to bằng nhau.
Đón chúng tôi ở công ty du lịch là một phụ nữ Bhutan ngoài 50 tuổi, lịch sự và giao tiếp thông thạo chuẩn xác 5 ngoại ngữ. Khách sạn chúng tôi ở có cửa sổ to rộng nhìn xuống con đường, bên kia là sân vận động phức hợp, thiết kế cực kỳ độc đáo. Người dân Bhutan chỉ thích một môn thể thao mà từ lớn đến bé đều thích, đó là môn bắn cung và cưỡi ngựa. Ở đây, sau giờ làm việc thanh niên rủ nhau đi thi bắn cung, giống như ở nhà mình đi đánh tennis vậy. Xe ô tô và xe ngựa đậu san sát cạnh nhau bên ngoài sân vận động. Còn bên trong, họ bắn cung suốt ngày từ sáng đến chiều tối, mũi tên lao vút, tiếng hò hét vang dội, cả chục mũi tên bay vào tâm bia chỉ nhỏ bằng cái nắp thùng xăng ở nhà mình, vậy mà ở đích đến chẳng ai thèm tránh. Người xem đứng sát gần tấm bia để cổ vũ và động viên đồng đội! Không ai sợ mũi tên bay lạc hay sao? - tôi ngạc nhiên hỏi. Họ ngạc nhiên hơn, bảo chẳng bao giờ bay lạc, chắc chắn phải trúng vào bia! Lạ thật. Mũi tên bay vào tâm bia, tương ứng với một dải lụa màu. Cậu thanh niên lập thành tích dắt ngay dải lụa vào thắt lưng. Phụ nữ Bhutan chỉ để ý những anh chàng có nhiều dải lụa màu dắt ở thắt lưng…
Bữa ăn ở Bhutan ngày đầu tiên làm tôi choáng váng: rau xào với bơ và pho mát dê, nêm chỉ với muối! Kết cục là bữa tối thịnh soạn ở nhà hàng của khách sạn, tôi chỉ ăn được cơm trắng và một ít cari rau. Người dân Bhutan theo đạo Phật thuần khiết, họ gần như ăn chay trường và rất hiếm khi ăn thịt. Suốt 10 ngày sau đó, thậm chí chúng tôi không được ăn một quả trứng gà nào, thịt gà cũng không. Bởi đang có dịch cúm H1N1, lệnh cấm dùng thịt và trứng gia cầm đã được vua ban. Mà hàng lậu là khái niệm không tồn tại ở đây!
Sáng sớm, người dân quanh khu vực tôi ở bắt đầu đi cầu kinh buổi sáng. Họ dậy từ rất sớm, đi bộ ra đền chùa gần nhất, trên tay ai cũng cầm một bó lá thông tươi, rải rác gần đền thờ đều có những cái lò để đốt lá thông tươi, khói mù mịt, khói bốc lên từ vài trăm cái lò lộ thiên như thế ở Bhutan tạo thành một làn khói sương mù mịt thơm mùi dầu thông rất dễ chịu. Người Bhutan cầu nguyện trong đền, sau đó thì về nhà cầu nguyện tiếp!
Như vẫn chưa đủ ngạc nhiên, ngày hôm sau xe đưa chúng tôi về phía Đông, địa hình đồi núi rất cao và hiểm trở, tới một thung lũng tuyệt đẹp. Ở đây đường toàn bằng đá, đẹp như tranh vẽ, khách du lịch đổ về đây còn đông hơn dân bản địa, có điều cả vùng này… không có điện! Về sau tôi mới biết, khu vực này nổi tiếng vì là nơi nương náu mùa Đông của loài hồng hạc cao đến hơn 1,2m và gần như đã tuyệt chủng nên cả thế giới muốn chiêm ngưỡng chúng phải về cái thung lũng duy nhất này. Có điều loài chim này sợ từ trường từ dây điện. Người dân ở đây đã tự nguyện yêu cầu nhà nước không kéo dây điện về đây để tránh cho loài chim này những khó khăn trong cuộc sống của chúng, còn bản thân họ không tivi, không máy phát điện…, chỉ có những làn khói thơm mùi gỗ bốc lên từ ống khói của những ngôi nhà xây dựng hàng trăm năm trước hiện được cải tạo thành khách sạn…
Nước Mỹ chỉ dạy điều chưa đúng!
Đã từng đi nhiều nơi, đã từng tròn mắt trước những công trình vĩ đại của châu Âu hùng mạnh, vậy mà tôi vẫn không thể hết kinh ngạc đến sững sờ với đất nước Bhutan nhỏ bé và những người dân Bhutan rất đỗi bình dị, thậm chí quê mùa. Nhiều chùa ở đây (tiếng địa phương gọi là Jong), đồ sộ khủng khiếp đến nỗi không thể tin chúng có thể dựng lên bằng bàn tay con người - kích thước đến cả hecta, nằm trên một đỉnh núi chơi vơi, dưới là vực thẳm, xe không thể đến, chỉ có cách duy nhất là đi bộ, trèo qua những đỉnh núi. Hiện ở những ngôi chùa như thế vẫn có hàng chục nhà sư sống ở đó với đồ tiếp tế như vẫn đã diễn ra từ hơn 600 năm trước…
Trưa ngày thứ Bảy ở Bhutan, chúng tôi lang thang quanh một cái làng giữa tỉnh Ponakha, một khu rừng dâu tây và thơm mùi hoa, thì gặp một cô bé châu Âu với cái giỏ mây đầy bánh mì và bình sữa tươi cười hỏi tôi đã đến giờ ăn trưa, gia đình tôi muốn cô bé dọn bữa ăn ở đâu? Tôi ngạc nhiên hỏi, thường ngày cô bé ăn ở đâu? Dạ, ở ngay đây ạ! Vậy thì chúng tôi sẽ ăn ở đây. Một bữa ăn làm tôi tỉnh táo, con trai tôi sung sướng vì món pho mát từ sữa dê và trái cây, mì làm từ lúa mì, khoai tây nướng với bò và thịt heo muối. Cô bé kể rằng cha mẹ cô là người Pháp, đã mua khu rừng này và dọn đến đây ở gần 20 năm về trước, sinh ra một hậu duệ Pháp chính cống nhưng ăn mặc như người Bhutan, là công dân Bhutan và chẳng bao giờ muốn quay về Pháp!
Tôi đến thăm gia đình cô bé, cả khu trang trại rộng lớn nằm dưới một rừng táo đỏ mọng, được dựng bằng gỗ sồi vàng, một đàn ngựa khỏe mạnh, và trang trại bò, dê, gà, cừu… thật sung túc. Họ cũng có internet, nhưng không thích xem TV. Nghe nhạc classic và cưỡi ngựa như lái ô tô. Tôi yêu cái trang trại này quá đỗi. Khi cô bé nói rằng hôm nay đi học vào buổi tối từ lúc 6h30, tôi hỏi có phải vì thiếu chỗ không? (kinh nghiệm tuổi thơ của chính tôi) cô bé cười bảo rằng không phải, vì môn học là học về thiên văn, học buổi tối có thể nhìn thấy rõ hơn, lớp học bố trí ngoài trời giữa thảo nguyên và cây cỏ, 46 học sinh và 5 thầy cô giáo học thiên văn như thế đấy!
Câu chuyện của chúng tôi vui hơn trong suốt chuyến đi vì phát hiện nho nhỏ của tôi về anh hướng dẫn viên. Từ ngày đầu tiên tôi đã hỏi anh ta đủ thứ. Jamieng, anh sinh ra ở đâu? Học ở đâu? Làm nghề này từ bao giờ? Sao tiếng Anh của anh tốt thế?… Gần tới ngày chia tay, tôi mới biết Jamieng là con trai Bộ trưởng Bộ Du lịch Bhutan. Năm 13 tuổi Jamieng và cậu em trai 9 tuổi đã đóng vai hai tiểu Đạt Lai Lạt Ma cùng diễn viên đẹp trai Brad Pitt trong bộ phim Bảy năm ở Tây Tạng. Vai diễn của Jamieng rất xuất sắc và cậu được giữ lại Mỹ học xong trung học, sau đó về Ấn Độ học đại học chuyên ngành thương mại và du lịch. Jamieng bảo không ở đâu bằng Bhutan, nước Mỹ chỉ dạy cậu điều chưa đúng!