'Đọc tôi bên bến lạ' *
(Thethaovanhoa.vn) - Đoàn Cầm Thi một lần nữa cho chúng ta thấy tác phẩm văn học không có biên giới, trên tất cả mọi phương diện, mọi ngữ nghĩa.
1. Ấn tượng đầu tiên mà Đọc tôi bên bến lạ của nhà phê bình Đoàn Cầm Thi gây cho tôi chính là tính chuyên nghiệp. Chuyện nghiệp ở cách đặt vấn đề, tiếp cận vấn đề, mổ xẻ nó với những thao tác hết sức lành nghề, bạo dạn nhưng cũng hết sức tinh tế, nghệ sĩ.
Cái “tôi” xét cho tận thâm căn cố đế luôn là cái mở đầu, cái cốt lõi, cũng là cái cuối cùng của nghệ thuật. Nếu không vì “tôi”, không có nghệ thuật. Nói cách khác, sáng tạo nghệ thuật là sự suy ngẫm, chiêm nghiệm của cá nhân về thế đứng của con người trong thế giới này. Mọi loay hoay cũng chỉ là thế.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương
Văn học Việt Nam, vì những tình thế lịch sử, trong suốt cả một thời gian dài đã nhường vị trí cái “tôi” cho cái “chúng ta”, và từ sau đổi mới đến nay nó mới có dịp lác đác quay trở lại.
Như lời phi lộ từ những trang đầu của Đoàn Cầm Thi trong tập tiểu luận phê bình này: “Không có tham vọng viết văn học sử” mà đây là tập hợp những bài viết về các tác phẩm đương đại với cùng chủ đề về “một hiện tượng trong văn học Việt Nam từ 1986 đến này: Sự trở lại của những cái “tôi” trong văn xuôi”. Tác giả khiêm tốn đề nghị xin được đọc cuốn sách như một lời mở.
Thực ra cuốn tiểu luận phê bình đặc sắc này không dừng lại ở lời đề nghị của chính tác giả mà nó còn rộng hơn là khám phá một cách triệt để những văn bản văn học.
2. Với lối viết vừa khoa học, khúc triết, từng bước chắn chắn và cơ bản, hòa quyện cảm tính và sự lãng mạn, đôi lúc phóng khoáng, Đọc tôi bên bến lạ đã tạo nên diện mạo một cái “tôi” khám phá, nhận diện những cái “tôi” khác.
Và nhà văn, trong tác phẩm của mình, với nhà phê bình, trong tác phẩm phê bình, cùng nhau kiến tạo nên một văn bản khác, thấu đáo hơn, nhưng cũng bỡ ngỡ hơn. Sự vô tiền khoáng hậu của phê bình chuyên nghiệp nằm ở đấy, ở chỗ người phê bình cũng có đủ mọi yếu tố, phẩm chất của người sáng tác.
Trong quá trình đi sâu vào phân tích để tìm ra diện mạo của cái “tôi”, những tiểu luận này đồng thời đã chỉ ra bóng dáng, dấu vết phong cách, thủ pháp và chỉ ra những thao tác kỹ thuật bên trong hình thức nghệ thuật mà những cái “tôi” ẩn nấp.
Đây là hành trình khó, đòi hỏi bản lĩnh của nhà phê bình. Vì kỹ thuật khi đạt đến đỉnh cao thì thành nghệ thuật, nhưng muốn lần tìm lại lộ trình đó thì cần tới hàng loạt những thao tác phán đoán, suy luận, thậm chí phải dùng tới cả những lí thuyết hoặc quy luật mới hy vọng đạt được.
Bài cuốn "Đọc tôi bên bến lạ"
Đọc các bài viết vừa mang tính phân tích, vừa mang tính cảm nhận của Đoàn Cầm Thi, người ta đồng thời như đọc lại những tác giả được nhắc đến và thấy độ sâu đằm, thấy cái khoảng mênh mông của nghĩa và thấy cái mà chúng ta từng láng máng đang sáng rõ hơn, cụ thể hơn.
Loạt bài khảo sát kỹ càng về tác phẩm của Trần Dần, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh của Nguyễn Việt Hà, Đỗ Kh, Trần Vũ, Thuận... hết sức thuyết phục và nó đã khiến các tác giả này có cơ hội xích lại gần thêm với độc giả đại chúng một bước nữa.
Bài viết về Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng cũng là một bất ngờ vì có tính khám phá lớn. Nó khiến người ta phát hiện thêm một Nguyên Hồng mới, không dừng ở quê mùa, bặm bụi, mà còn là một Nguyên Hồng tinh tế, sâu đằm, dù đó có thể là hình bóng mờ nhạt của vô thức.
Nhưng việc đặt Những ngày thơ ấu vào ánh sáng "Phân tâm học" theo tôi là hoàn toàn chính xác, thậm chí, nếu mạnh dạn và công phu, có thể soi chiếu "Phân tâm học" vào toàn bộ sự nghiệp của Nguyên Hồng, chắc chắn sẽ có những phát hiện lí thú hơn nữa. Nghệ thuật nằm ở đấy, ở lằn ranh giữa vô thức và ý thức, giữa thơ ngây và ý đồ.
Và Đoàn Cầm Thi một lần nữa cho chúng ta thấy tác phẩm văn học không có biên giới, trên tất cả mọi phương diện, mọi ngữ nghĩa.
3. Việc xuất hiện và được chỉ ra dấu hiệu của xu hướng những cái “tôi” phi hư cấu trong tự truyện cũng vô cùng thú vị.
Theo tôi nếu mở rộng ra, ta sẽ thấy văn học hiện nay đang tiến dần tới một dạng cái “tôi” phi hư cấu khác, tức là dù cái “tôi” ngầm ẩn hay công khai, cũng đều cố gắng trở nên chân thực hơn, sát sạt với đời sống hơn để xóa đi khoảng cách “sáng tác” xa lạ với người đọc và tạo ra cảm giác gần gũi vì độ “thật”.
Điều này cho thấy xu hướng văn học đang dần quay trở lại với những trách nhiệm xã hội mà nó tự nguyện gánh vác, bớt lãng mạn, bớt phù phiếm, để tiệm cận với đời sống thường nhật, để nung lạc con người, cho họ thấy cái thế đứng đương thời và cả cái thế đứng tương lai của họ.
Những tác phẩm văn học quen thuộc được phát hiện lại với chiều kích “lạ” hơn, dung mạo “lạ” hơn, đó là người ta chờ đợi ở một nhà phê bình. “Đọc tôi bên bến lạ”, đã mang tới điều ấy.
(*): (Về cuốn Đọc tôi bên bến lạ của Đoàn Cầm Thi, NXB Hội Nhà văn, 2016)
Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Bình Phương
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần