Doanh nghiệp không để khan hàng, tăng giá thực phẩm dịp Tết
(Thethaovanhoa.vn) - Hiện giá thịt lợn liên tục tăng giá khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng bởi Tết Canh Tý 2020 đang cận kề. Để đảm bảo nguồn hàng phục vụ Tết, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ thịt để bình ổn giá. Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với thịt lợn, gà nhập từ Mỹ vào Việt Nam.
Giá thịt lợn tại các chợ truyền thống như Chợ Hôm Đức Viên, Nguyễn Công Trứ, Thành Công, Mùng 8-3... đã tăng thêm so với trước đây từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, đạt ngưỡng cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, thịt lợn hiện bán ở mức 150.000- 200.000 đồng/kg; nội tạng lợn như tim, cật 280.000 - 300.000 đồng/kg (trước đây 180.000 đồng/kg), sườn 200.000 đồng/kg...
- Hà Nội triển khai hệ thống cảnh báo nhanh an toàn vệ sinh thực phẩm
- Hà Nội mạnh tay xử lý các vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm
Theo ngành công thương, giá thịt lợn hơi các tỉnh phía Bắc đang tiến sát mốc 90.000 đồng/kg. Đơn cử, giá lợn hơi tại Lào Cai 85.000 đồng/kg; Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc 82.000 - 84.000 đồng/kg. Tại HTX Đồng Tâm (huyện Quốc Oai - Hà Nội) giá lợn hơi đã tăng lên mức 85.000 đồng/kg vượt 10.000 đồng/kg so với mốc cao nhất là năm 2009.
Giá thịt lợn tăng mạnh nên các cửa hàng kinh doanh ăn uống cũng tăng giá sản phẩm từ 5.000 - 10.000 đồng/suất. Cụ thể, bánh cuốn tăng khoảng 5.000 đồng/suất; bánh mỳ pate chả ở mức 15.000 đồng/chiếc nay tăng thành 20.000 - 25.000 đồng/chiếc; bánh mỳ Doner kebab đang từ 20.000 đồng/chiếc đã tăng lên 25.000 đồng/chiếc; bún móng, bún mọc có giá từ 30.000 - 40.000 đồng/bát (tăng 5.000 đồng), bánh giò từ 15.000 - 17.000 đồng/chiếc… Ngay cả các quán cơm bình dân cũng tăng thêm khoảng 5.000 đồng/suất.
Đáng lo ngại, không ít hàng hóa không hề khan hiếm nguồn cung nhưng cũng đang ở mức cao. Ví dụ, giá gà trước đây 120.000 - 130.000 đồng/kg nay là 140.000 - 160.000 đồng/kg; trứng tăng từ 300 - 500 đồng/quả; cua từ 13.000 - 14.000 đồng/lạng tăng lên 15.000 đồng/lạng; cá rô phi, trắm đen, cá trắm trắng, chép giá đều tăng khoảng 5.000 - 15.000 đồng/kg. Sau khi thịt lợn liên tiếp tăng giá mạnh, nhiều người chuyển sang các thực phẩm thay thế. Nhu cầu tăng nên khiến người bán "tát nước theo mưa", đẩy giá thực phẩm lên theo.
Các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị như Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Big C, Co.opmart Hà Đông, Ba Huân… đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết với lượng hàng tăng trung bình từ 10-25% so với năm 2018, với tổng giá trị tiền hàng hơn 3.000 tỷ đồng. Đặc biệt, doanh nghiệp tăng cường dự trữ thịt lợn và các sản phẩm thay thế thịt lợn bảo đảm theo nhu cầu gồm: 6.034 tấn thịt lợn, 492 tấn thịt gà, 63 triệu quả trứng gia cầm. Đồng thời, cam kết đảm bảo không khan hàng, tăng giá bán trong dịp Tết.
Để bảo đảm lượng thực phẩm phục vụ Tết Canh Tý, bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông cho biết, đơn vị đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp và nhận được cam kết đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong suốt tháng Tết.
Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho biết, hiện siêu thị đã dự trữ tổng lượng hàng hóa tăng 30%; trong đó có khoảng 300 - 500 tấn thịt lợn, gà. Bên cạnh đó, Big C Thăng Long cũng sẽ triển khai chuẩn bị các chương trình "Khóa giá" bảo đảm giá không tăng trong dịp Tết.
Nhằm ổn định thị trường, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng phương án nhập khẩu thịt lợn từ Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha, Bỉ, Canada... Cùng đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam như: giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng thịt gà từ 20% xuống 18%, thuế suất thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh dự kiến sẽ giảm từ 25% xuống 22%.
Việc Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu thịt lợn, gà từ Mỹ khiến nguồn cung dồi dào, ngăn được tình trạng tăng giá bất hợp lý. Tuy nhiên, khi giảm thuế nhập khẩu, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận thịt lợn giá rẻ nhưng doanh nghiệp sản xuất sẽ phải canh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội cảnh báo, sự việc này sẽ khiến ngành chăn nuôi gà, lợn Việt Nam đối mặt với tình trạng phá sản bởi khó có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập giá rẻ và tương lai không xa sẽ thay thế nguồn cung trong nước.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, giảm thuế xuất nhập khẩu về 0% là một xu thế chung của thế giới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cái lợi là giúp phát triển sản xuất, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa có chất lượng cao, giá rẻ.
Khi mức tiêu dùng lớn hơn sẽ kích thích sản xuất phát triển. Tuy nhiên, do doanh nghiệp Việt Nam chưa chuẩn bị kịp cơ sở vật chất nên Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu vào thời điểm này sẽ tạo sức ép lớn lên ngành chăn nuôi trong nước. Theo đó, Bộ Tài chính nên xây dựng rào cản rồi mới cho phép nhập khẩu thịt lợn, gà Mỹ vào thị trường Việt Nam.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, mức thuế nhập khẩu giảm 2 - 3% không nhiều, không phải là yếu tố chính tác động lớn đến sản phẩm cùng loại do Việt Nam sản xuất. Đặc biệt, việc Bộ Tài chính dự kiến sẽ giảm thuế nhập khẩu thịt lợn, gà. Qua đó, tăng lượng thịt nhập sẽ bù đắp nguồn cung trong nước đang thiếu hụt, giúp cân bằng cung cầu, kìm hãm các mặt hàng thực phẩm tăng giá vào mùa cao điểm mua sắm.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, qua sự việc này, ngành chăn nuôi trong nước phải thay đổi phương thức sản xuất để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập nếu muốn tồn tại và phát triển.
Nam Giang/TTXVN